Internet là công cụ để hiện thực hoá khát vọng chuyển số Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes –  Hôm nay, ngày 16/12, tại Hà Nội, Hiệp hội Internet Việt Nam đã tổ chức hội thảo nhân Ngày Internet Việt Nam 2020 với chủ đề “Hiện thực hoá khát vọng chuyển đổi số của Việt Nam”. Hội thảo diễn ra trong bối cảnh năm 2020 được Chính phủ coi là năm Chuyển đổi số Quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng: "Bây giờ là lúc thể hiện khát vọng đưa những dấu chân số Việt Nam ngày càng đi xa hơn và in dấu đậm nét trong không gian mạng toàn cầu"
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng: "Bây giờ là lúc thể hiện khát vọng đưa những dấu chân số Việt Nam ngày càng đi xa hơn và in dấu đậm nét trong không gian mạng toàn cầu"

Phát biểu khai mạc, ông Vũ Hoàng Liên – Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam - cho biết, sau 23 năm Việt Nam chính thức có Internet, đây là một công cụ quan trọng trong nhiều công việc của doanh nghiệp, tổ chức và cơ quan nhà nước. Đặc biệt, trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia thì Internet càng là công cụ không thể thiếu.

Phát biểu chào mừng hội thảo, ông Nguyễn Huy Dũng – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - cũng khẳng định, trong chuyển đổi số bao gồm các thành tố Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số thì vai trò của kết nối Internet càng là quyết định. Tuy nhiên, song hành với chuyển đổi số thì việc bảo đảm an toàn an ninh mạng là không thể thiếu. Chính nhờ có chuyển đổi số với môi trường không thể thiếu là Internet, mọi người dân và doanh nghiệp đều được hưởng lợi.

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thực hiện một số định hướng lớn, trong đó có việc tiếp tục mở rộng khả năng tiếp cận Internet, hướng tới phổ cập Internet toàn dân. Mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia là mỗi người dân có một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình có một đường Internet cáp quang tốc độ cao.

Bên cạnh việc nhìn lại chặng đường phát triển 23 năm của Internet Việt Nam, theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, bây giờ là lúc thể hiện khát vọng đưa những dấu chân số Việt Nam ngày càng đi xa hơn và in dấu đậm nét trong không gian mạng toàn cầu.

Các diễn giả giao lưu về "Hiện thực hoá khát vọng chuyển đổi số của Việt Nam”

Các diễn giả giao lưu về "Hiện thực hoá khát vọng chuyển đổi số của Việt Nam”

Trong phần đối thoại của Ban tổ chức với các diễn giả, ông Nguyễn Trọng Đường – Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá, cho biết: Chính phủ số cần đạt được những mục tiêu "Bốn không" và "Một có". Đó là: Họp không cần gặp mặt, văn phòng không giấy, xử lý hành chính không cần tiếp xúc, thanh toán không tiền mặt và khả năng cung cấp dịch vụ nhanh nhất.

Ông Vũ Anh Tú – Giám đốc Công nghệ của tập đoàn FPT - cũng cho rằng trước khi phục vụ nhu cầu của các khách hàng thì điều mà FPT phải thực hiện là chuyển đổi số cho chính mình.

Cùng với việc đó, FPT cũng cởi mở đồng hành cùng các doanh nghiệp CNTT trong quá trình chuyển đổi số với mọi đối tượng khách hàng. FPT cũng đang nhắm vào mục tiêu chuyển đổi số cho các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, thành công hay không là do chính khách hàng của có phải có tầm nhìn, quyết tâm bên cạnh những đầu tư cho chuyển đổi số. Nguồn lực không phải là yếu tố quyết định mà muốn chuyển đổi số thành công thì phải có 3 H: Hearth (trái tim), Head (cái đầu) và Hand (cánh tay).

Theo ông Hà Thái Bảo – Phó Tổng giám đốc Công ty CNTT VNPT - để thực hiện chuyển đổi số cho các bộ ngành, địa phương, VNPT phải đồng hành cùng họ. Để làm được việc đó, VNPT phải xây dựng hạ tầng số đủ mạnh và thay vì phải đầu tư thì các khách hàng sẽ chỉ phải bỏ chi phí không quá lớn để thuê hạ tầng này cho các hoạt động của mình.

Cũng theo ông Bảo, chính Nhà nước phải đi đầu trong chuyển đổi số để dẫn dắt toàn thể xã hội. Để làm được điều đó, phải thay đổi tổng thể và toàn diện các quy trình làm việc. Tuy nhiên, mọi công nghệ muốn đi vào thực tiễn là không thể dàn hàng ngang mà phải cân nhắc ưu tiên theo thứ tự được tính toán rất kỹ.

Ông Nguyễn Thế Nghĩa – Trưởng Ban CNTT Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) - nêu ý kiến: Giống như FPT thì Viettel đặt mục tiêu chuyển đổi số trước hết là để phục vụ chính mình. Cùng với việc đó, họ còn phải hỗ trợ các cơ quan nhà nước xây dựng chính sách cho chuyển đổi số. Theo ông, với các doanh nghiệp có tài sản càng lớn thì khó khăn trong chuyển đổi số cũng rất lớn. Để thực hiện được chuyển đổi số thành công thì chính những người lãnh đạo của họ phải có quyết tâm và quyết sách đúng đắn.

Ông Nguyễn Lâm Thanh – Giám đốc Tik Tok Việt Nam - thì cho rằng, các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực CNTT cần đầu tư ra những nền tảng cho chuyển đổi số. Còn các doanh nghiệp nhỏ thì phải sáng tạo trên những nền tảng đó. Trong sự nghiệp này cần có sự phân vai và không được lo ngại cạnh tranh.

Còn theo ông Nguyễn Hồng Thắng – Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), chúng ta đang có một cuộc di dân vĩ đại lên không gian số. Việc này cần có người đi tiên phong và phải có lộ trình. Để làm được việc đó thì phải bình dân hoá các dịch vụ. Và muốn đảm bảo thành công thì phải bắt đầu từ nhu cầu của xã hội, tạo ra sức ép cho doanh nghiệp và Chính phủ. Vì thế, chính doanh nghiệp phải chủ động hơn trong cuộc chơi này còn việc của Nhà nước là tạo ra môi trường pháp lý linh hoạt, khuyến khích mọi sáng tạo (sandbox).

Kết luận buổi đối thoại, ông Phạm Anh Chiến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam - khẳng định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và phần thắng cuộc là thuộc về những người chủ động đi nhanh hơn một cách có tính toán chính xác. Đương nhiên, các doanh nghiệp lớn có nhiều thuận lợi nhưng vẫn có cửa rộng lớn cho các doanh nghiệp nhỏ có tầm nhìn chiến lược. Internet là công cụ để hiện thực hoá khát vọng chuyển đổi số cho Việt Nam.