In 3D có thể “làm mất” hàng trăm tỷ đôla mỗi năm

Với một chiếc máy in 3D, bất kỳ ai cũng có thể tải về một file CAD để tạo ra sản phẩm theo thiết kế có sẵn mà không chịu bất cứ sự ràng buộc nào về việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Thiệt hại về tài sản trí tuệ được dự tính sẽ ở mức 100 tỷ USD mỗi năm.
Máy in 3D với sản phẩm là tháp Eiffel. Ảnh: Maker Master
Máy in 3D với sản phẩm là tháp Eiffel. Ảnh: Maker Master
Ai cũng có thể “ăn cắp” thiết kế
Phát biểu tại hội nghị Công nghệ in 3D do Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu hàng hoá Mỹ (USPTO) tổ chức vào tháng 6/2016, Russell Slifer - Phó Giám đốc USPTO, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Mỹ phụ trách vấn đề SHTT - tiết lộ: “Số đơn xin cấp bằng sáng chế có liên quan tới công nghệ in 3D đã tăng 23 lần; số đơn đăng ký bảo hộ thương hiệu cho những công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ in 3D đã tăng 300% trong vòng 5 năm qua”. Điều này cho thấy tiềm năng vô cùng lớn của công nghệ in 3D. Tuy nhiên, cùng với nó là những mối đe dọa hiện hữu về sở hữu trí tuệ.
Với một chiếc máy in 3D, bất kỳ ai cũng có thể tải về một tập tin (file) thiết kế hỗ trợ máy tính (CAD), có tác dụng “hướng dẫn” máy in tạo ra vật thể 3D. Do là tồn tại dạng số, nên những file CAD này dễ dàng được chia sẻ trên Internet thông qua các dịch vụ chia sẻ file, tương tự như điều các cư dân mạng vẫn làm với các bộ phim hay bài hát. Và như vậy, chỉ cần có file CAD và máy in 3D, người ta có thể sản xuất ra sản phẩm như trong nhà máy mà không chịu bất kỳ sự ràng buộc pháp lý nào có liên quan tới bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Có thể nêu một ví dụ điển hình: Tháng 7/2015, tờ Wall Street Journal đã đề cập tới một nhóm người theo đuổi sở thích đặc biệt (hobbyists) là dùng máy in 3D tạo ra những nhân vật dựa trên nguyên mẫu nổi tiếng từ các bộ phim ăn khách của Hollywood là Iron Man (Người sắt) và Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao) để mang đi bán. Sau đó, các hobbyists này đã chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội bản thiết kế mẫu nhân vật trên.
Đánh giá những tổn thất mà công nghệ in 3D có thể đem lại trong lĩnh vực tài sản trí tuệ, Công ty Gartner, InC (Mỹ) - một doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tư vấn và nghiên cứu công nghệ thông tin - dự đoán rằng tới năm 2018, công nghệ in 3D sẽ khiến thế giới mất khoảng 100 tỷ USD mỗi năm.
Vướng mắc pháp lý
Một nguyên nhân chính khiến thế giới phải gánh chịu tổn thất vì công nghệ in 3D là hệ thống pháp luật có liên quan tới sở hữu trí tuệ còn nhiều lỗ hổng. “Nếu như các phương tiện truyền thông kỹ thuật số gây khó khăn cho hệ thống bản quyền (copyright) với hàng loạt vi phạm bản quyền thì công nghệ in 3D cũng sẽ tạo ra hàng loạt vi phạm đối với sáng chế đã được bảo hộ” - Jia Li - tư vấn viên về đổi mới sáng tạo và trí thông minh thuộc CPA Global - công ty hàng đầu thế giới về công nghệ và quản lý sở hữu trí tuệ, Mỹ - nói.
Một trong các lỗ hổng được nhiều người nhắc đến là bằng sáng chế thường bảo hộ cho một phương thức sản xuất ra sản phẩm mới, trong khi máy in 3D có thể tạo ra sản phẩm đó mà không cần vi phạm phương thức sản xuất được bảo hộ. “Kể cả khi bằng sáng chế có bảo hộ cho sản phẩm mới thì công nghệ in 3D cũng khiến mọi người cải biến và thiết kế ra sản phẩm mới dựa trên sản phẩm đã được bảo hộ một cách dễ dàng hơn. Quá trình in 3D có thể vượt qua nhiều khó khăn và hạn chế thiết kế mà những phương thức sản xuất truyền thống phải đối mặt” - ông Li giải thích.
Vướng mắc tiếp theo là rất khó chứng minh vi phạm khi quá trình in 3D có thể diễn ra mọi nơi, mọi lúc, miễn là có máy in, thậm chí trước cả nhà sản xuất chính thức. Bên cạnh đó, việc thương mại hóa máy in 3D đặt ra một thách thức không hề nhỏ cho các nhà quản lý thị trường khi lượng hàng giả, hàng nhái được tạo ra vô cùng lớn.
Đứng trước những thách thức trên, các nhà sáng chế, nhà sản xuất nên làm gì? Theo ông Li, “Tương lai của tài sản trí tuệ sẽ bị ảnh hưởng theo cách nhiều dạng tài sản trí tuệ sẽ nhập vào làm một. Chẳng hạn, bản quyền sẽ nhập với quyền sáng chế. Trước khi luật tài sản trí tuệ thay đổi để theo kịp sự phát triển này, người sở hữu tài sản trí tuệ cần tìm kiếm sự bảo vệ cả về bản quyền và sáng chế cho một sản phẩm mới. Nếu một sản phẩm có thể tạo ra bởi công nghệ in 3D, trong đơn đăng ký sáng chế, cần xin bảo hộ luôn cả phương thức sản xuất này”.
Ngoài ra, trong tương lai - khi bảo vệ tài sản trí tuệ, thay vì tập trung vào việc bảo vệ phương thức sản xuất, thành phần cấu thành sản phẩm, người ta sẽ tập trung vào bảo vệ ý tưởng, thiết kế - bằng chứng cho quyền lợi người sáng tạo và có thể sẽ là nguồn tạo lợi nhuận chính trong thời gian tới.
Theo Khoa học và Phát triển (Nguồn IPWD)
http://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/in-3d-co-the-lam-mat-hang-tram-ty-dola-moi-nam/20170511035310132p1c160.htm