IMF: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á

Việt Nam là một trong những nền kinh tế có mức tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.
IMF: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á

Bản báo cáo với tiêu đề Viễn cảnh kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa đưa ra nhận định về bức tranh tăng trưởng của khu vực, trong đó có Việt Nam.

Theo IMF, dù có thể bị ảnh hưởng trước tình trạng trì trệ của Trung Quốc, nhưng các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương vẫn đủ sức đóng vai trò đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của toàn thế giới.

Đáng chú ý, Quỹ tiền tệ thế giới còn đưa ra dự đoán Việt Nam sẽ đứng đầu danh sách các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, với mức tăng trưởng dự kiến là 6,3% trong năm 2016, giảm nhẹ so với 6,7% trong năm 2015.

Trong khi đó, nhu cầu nội địa sẽ tiếp sức cho Philippines và Malaysia. Theo IMF, tăng trưởng kinh tế của Malaysia sẽ giảm xuống 4,4% so với mức 5% năm 2015, còn kinh tế Philippines sẽ tăng lên 6% trong năm nay, so với 5,8% của năm trước đó.

Giám đốc Ban châu Á - Thái Bình Dương của IMF Changyong Rhee cho hay bất chấp các yếu tố tiêu cực, nhu cầu nội địa vẫn tăng tốc đầy ấn tượng xuyên suốt khu vực, với bệ đỡ là thu nhập thực tế gia tăng, đặc biệt tại các nước xuất khẩu hàng hóa, thương mại, và được hỗ trợ mạnh từ những chính sách kinh tế vĩ mô.

Nhận định của IMF được đưa ra cũng khá phù hợp với nhận định được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra hồi giữa tháng 4. Theo bản báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á-Thái Bình Dương (EAP) của WB, Việt Nam và Philippines sẽ dẫn đầu tăng trưởng kinh tế trong năm 2016, với mức tăng trưởng hơn 6%.

Mặc dù vậy, kinh tế Trung Quốc sẽ vẫn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng của châu Á trong năm 2016, nhờ các hoạt động không ngừng mở rộng kinh doanh ở nhiều nước đang phát triển.

Do Trung Quốc đang chuyển đổi từ nền kinh tế định hướng xuất khẩu và đầu tư đang nền kinh tế phụ thuộc lớn hơn vào chi tiêu tiêu dùng nên mức dự báo tăng trưởng mà WB dành cho Trung Quốc sẽ là 6,7% (2016) và 6,5% (2017), giảm so với mức 6,9% (2015).

Theo Trí thức trẻ