IMF: Khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc vẫn chưa chấm dứt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trung Quốc cần phải nỗ lực nhiều hơn để giải quyết các vấn đề liên quan tới bất động sản, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết, theo IMF (Ảnh: CNBC)
Thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết, theo IMF (Ảnh: CNBC)

Thị trường bất động sản đóng góp khoảng 1/4 GDP của Trung Quốc và trở thành trở lực đối với đà tăng trưởng của nước này, đặc biệt là kể từ khi Bắc Kinh tăng cường kiểm soát các doanh nghiệp địa ốc trong năm 2020.

Tính đến thời điểm này, chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế về tài chính cho ngành bất động sản được ít tháng.

"Các biện pháp chính sách mới của chính quyền là bước đi tích cực, nhưng theo quan điểm của chúng tôi thì vẫn cần có thêm hành động mới để chấm dứt cuộc khủng hoảng bất động sản," Thomas Helbling, Phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IMF, nhận định.

"Nếu nhìn vào các biện pháp này, rất nhiều trong số chúng đã giải quyết được các vấn đề về vốn của các hãng phát triển bất động sản vẫn đang trong điều kiện tài chính tốt, bởi vậy chúng sẽ rất có ích," ông nói thêm trong cuộc phỏng vấn với CNBC. "Nhưng các vấn đề của các công ty đang trong điều kiện tài chính khó khăn lại chưa được giải quyết. Một lượng lớn các ngôi nhà chưa hoàn thiện cũng chưa được xem xét giải quyết."

Thông thường, các căn hộ ở Trung Quốc được bán cho người dân từ trước khi hoàn thiện. COVID-19 và khó khăn tài chính đã làm chậm tiến độ xây dựng một cách nghiêm trọng, khiến nhiều người mua nhà từ chối trả nợ thế chấp ngân hàng trong năm ngoái để thể hiện sự bất bình.

Chính quyền các cấp Trung Quốc đã nhấn mạnh về sự cần thiết phải hỗ trợ các công ty địa ốc hoàn thiện những căn hộ đã bán trước. Tuy nhiên, diện tích nhà ở được bán ở Trung Quốc đã giảm gần 27% trong năm ngoái, trong khi đầu tư vào lĩnh vực bất động sản giảm 10%, theo các con số chính thức.

"Tôi cho rằng, việc cần làm là đưa ra cách thức giải quyết, biện pháp tái cơ cấu, và chỉ ra rõ ràng rằng bên nào sẽ đứng ra gánh vác trong trường hợp có tổn thất," ông Helbling nói. Ông cũng kêu gọi thêm các biện pháp giải quyết lượng lớn căn hộ chưa hoàn thiện. "Bằng không, ngành này sẽ tiếp tục suy giảm và là một rủi ro, gây tác động tới các hộ gia đình vốn bị ảnh hưởng bởi các vấn đề trong ngành bất động sản."

Phân tích của IMF là một phần trong báo cáo mới nhất mà tổ chức này đưa ra về Trung Quốc, tiếp sau các cuộc thảo luận với giới chức nước này trong tháng 11 năm ngoái.

Giới chức Trung Quốc đã phản bác lại đánh giá của IMF về lĩnh vực bất động sản nước họ, theo tuyên bố được ghi trong báo cáo của IMF. Thị trường bất động sản Trung Quốc vận hành trơn tru và "không trong tình trạng khủng hoảng," tuyên bố này nêu rõ, và cho rằng tình hình hiện tại của ngành bất động sản là "một sự tiến hóa tự nhiên xét về giảm đòn bẩy và giảm tích lũy" trong vài năm qua.

"Những rủi ro có liên quan đều mang tính địa phương và chỉ gây quan ngại cho một số công ty riêng lẻ, và tác động của chúng đối với phần còn lại của thế giới là khá nhỏ," các đại diện của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) nói. Trung Quốc cũng cho rằng họ sẽ tăng cường nỗ lực để đảm bảo bàn giao các căn hộ đã hoàn thiện, và sáp nhập các công ty bất động sản.

Các công ty bất động sản Trung Quốc như Country Garden, Longfor và R&F Properties đã chứng kiến giá cổ phiếu của họ tăng gần gấp đôi trong 60 ngày vừa qua - khoảng 3 tháng, theo Wind Information. Tuy nhiên, giao dịch cổ phiếu của những công ty từng có thời huy hoàng như Evergrande, Shimao và Sunac lại bị chững lại kể từ tháng 3/2022.

Báo cáo của IMF chỉ ra rằng, một lượng lớn các nhà đầu tư vào trái phiếu của các công ty bất động sản Trung Quốc đã chịu ảnh hưởng tiêu cực.

"Tính đến tháng 11/2022, nhiều công ty bất động sản đã vỡ nợ hoặc có khả năng vỡ nợ cao - giá trái phiếu trung bình dưới 40% mệnh giá chứng khoán - đại diện cho 38% thị phần năm 2020 của các công ty," báo cáo viết.

"Sự suy giảm của ngành bất động sản cũng gây ra nhiều sức ép cho chính quyền các địa phương. Doanh thu từ bán đất giảm đã làm giảm khả năng tài chính của họ," theo báo cáo.

Trong hôm đầu tuần này, IMF đã nâng mức dự báo đà tăng trưởng toàn cầu trong năm 2023 do kỳ vọng về đà tăng trưởng ở một số nước lớn tăng, sức ép lạm phát giảm và việc Trung Quốc chấm dứt các lệnh giới hạn do COVID.

Đà tăng trưởng mà IMF đưa ra, 2,9%, tăng 0,2% so với mức dự báo mà họ đưa ra trong tháng 10 năm ngoái, nhưng giảm 3,4% so với năm 2022. Đối với Trung Quốc, IMF đưa ra mức dự báo tăng trưởng 5,2% trong năm nay, cao hơn 3% trong năm 2022.

Theo CNBC