IBM trình làng tuyệt tác máy tính lượng tử thương mại đầu tiên

IBM - gã khổng lồ trong làng công nghệ - vừa cho ra mắt IBM Q System One, là hệ thống máy tính lượng tử được thiết kế riêng cho doanh nghiệp, giúp các công ty có thể sử dụng cho từng mục đích riêng biệt chứ không gói gọn trong phạm vi phòng thí nghiệm như trước đây.
Không như nhiều người suy nghĩ về những chiếc siêu máy tính, máy tính lượng tử của IBM không hầm hố mà có vẻ ngoài rất sang trọng cùng kích thước tí hon.
Không như nhiều người suy nghĩ về những chiếc siêu máy tính, máy tính lượng tử của IBM không hầm hố mà có vẻ ngoài rất sang trọng cùng kích thước tí hon.

Điện toán lượng tử được xem là một công nghệ đầy tính hứa hẹn vào thời điểm hiện tại. Máy tính lượng tử có thể xử lý được rất nhiều dữ liệu cùng lúc theo cấp số nhân và có thể tạo nên sự thay đổi hoàn toàn trong cách vận hành của các doanh nghiệp. Dù chỉ mới là bước đi đầu tiên, nhưng IBM hy vọng sẽ tạo nên một cuộc cách mạng toàn diện.

Lấy ví dụ, máy tính lượng tử có khả năng hệ thống hóa những cơ sở dữ liệu khổng lồ trong ngành hàng không vũ trụ, quân sự quốc phòng giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định chính xác hơn và ít gặp rủi ro hơn. Xa hơn, nếu được ứng dụng vào lĩnh vực y tế, công nghệ này sẽ giúp chẩn đoán bệnh tốt hơn và chữa trị dứt điểm hơn.

“Dữ liệu sẽ là tài nguyên quý giá nhất thế giới, và công nghệ này sẽ là phương thức tốt nhất để khai thác và hệ thống dữ liệu,” CEO Ginni Rometty của IBM chia sẻ tại Triển lãm Điện tử tiêu dùng ở Las Vegas, nơi IBM Q System One được công bố.

Tuy vậy, máy tính lượng tử không phải một hệ thống phần cứng được lắp đặt tại nhà hay tại công ty của bạn. Việc sử dụng hệ thống máy tính này sẽ thông qua kết nối internet đến máy chủ đám mây của IBM.

IBM trình làng tuyệt tác máy tính lượng tử thương mại đầu tiên - 2

Ra mắt máy tính lượng tử IBM Q System One tại Triển lãm Điện tử tiêu dùng ở Las Vegas. Ảnh: IBM.

Hé lộ về sức mạnh của máy tính lượng tử, IBM cho biết máy tính sử dụng qubit thay vì bit để trữ dữ liệu. Máy tính thông thường sử dụng bit gồm chuỗi các số 0 và 1 chạy dài liên tiếp nhau để lưu trữ dữ liệu, còn máy tính lượng tử của IBM sẽ lưu trữ ở số 0 và nhiều con số khác.

Điều tưởng chừng như nhỏ nhặt này, nhưng chính là sức mạnh cốt lõi cho máy tính lượng tử vì chúng giúp hệ thống này có khả năng thực hiện nhiều phép tính cùng lúc theo cấp số nhân. Chỉ với qubit, máy tính lượng tử sẽ đủ sức mạnh để phân tích chuyên sâu hay thậm chí là tạo ra các đoạn mã không thể bị phá vỡ.

Được đặt trong một hộp kính có chiều dài các cạnh chỉ vỏn vẹn gần 3 mét, hệ thống máy tính lượng tử được đặt trong môi trường kín gió, nhiệt độ cực thấp và không có bức xạ điện từ cùng nhiều điều kiện bảo mật khắt khe, giúp nó hoạt động suôn sẻ và không gián đoạn đến công việc của các doanh nghiệp. Chính vì điều kiện môi trường phải được đảm bảo an toàn tuyệt đối như vậy, nên IBM sẽ không triển khai hệ thống phần cứng tại văn phòng của khách hàng.

IBM trình làng tuyệt tác máy tính lượng tử thương mại đầu tiên - 3

CEO Ginni Rometty của IBM tại sự kiện ra mắt.

“IBM Q System One là một bước tiến lớn trong giải pháp cho doanh nghiệp về siêu dữ liệu. Hệ thống này lần đầu tiên đặt chân ra khỏi phòng thí nghiệm để giúp hoạt động kinh tế diễn ra suôn sẻ hơn,” Arvind Krishna, phó chủ tịch cấp cao của Hybrid Cloud và là giám đốc mảng nghiên cứu tại IBM, cho biết.

Dự kiến cuối năm nay IBM sẽ chính thức đón chào những vị khách đầu tiên tại New York. Tại văn phòng này, khách hàng sẽ được trải nghiệm siêu máy tính của IBM cùng hàng loạt tiện ích chức năng khác trước khi quyết định ‘kéo mây về nhà’.

IBM trình làng tuyệt tác máy tính lượng tử thương mại đầu tiên - 4

IBM không phải công ty duy nhất ủ tham vọng về máy tính lượng tử. Google hiện cũng đang phát triển hệ thống máy tính lượng tử ổn định hơn trước khi ra mắt, siêu máy tính của Google cũng sử dụng qubit thay vì bit, dự đoán đây sẽ là xu hướng công nghệ trong tương lai không xa. Ngoài ra, còn có Microsoft và Intel là những gã khổng lồ công nghệ đang trên con đường chinh phục công nghệ này.

Theo Khám Phá