HVG bị “gỡ” hơn 307 tỷ đồng lợi nhuận: Chủ nợ chú ý!

VietTimes – Đơn vị kiểm toán độc lập đã “gỡ” hơn 307 tỷ đồng lợi nhuận mà bộ phận kế toán của CTCP Hùng Vương (HSX: HVG) đã tính toán và công bố trước đó. Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đang từ lãi nhiều trăm tỷ đồng bỗng chuyển lỗ.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Lưu ý rằng, niên độ tài chính mà HVG sử dụng khác với phần đông doanh nghiệp khác. Nó không trùng khớp với năm dương lịch 2016 như thông thường, mà được tính từ 01/10/2015 – 30/09/2016.

Và trên thực tế, HVG cũng đã tìm nhiều cách để trì hoãn việc công bố báo cáo tài chính được kiểm toán. Hết thời gian gia hạn 100 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, việc công bố vẫn bị “dền dứ”. Thậm chí, ngày 11/1/2017, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. HCM đã phải ra văn bản nhắc nhở.

Mãi cho đến mới đây, HVG mới thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin. Và khi báo cáo tài chính hậu kiểm toán lộ diện, người ta đã phần nào hiểu ra lý do chậm chễ…

Từ lãi 306 tỷ đồng thành lỗ 39 tỷ đồng

Tại báo cáo tái chính hợp nhất cho kỳ kế toán từ 01/10/2015 đến 30/09/2016 mà HVG tự công bố trước đó, công ty này đã báo lãi ròng 378,0 tỷ đồng (trước thuế là 406 tỷ đồng), tăng mạnh 2,7 lần so với cùng kỳ 2015 (141,8 tỷ đồng). Trong đó, lợi nhuận sau thuế của riêng Quý 4 (từ 01/07 – 30/09/2016) đã là 87,4 tỷ đồng, tăng trưởng 3,4 lần so với cùng kỳ 2015.

Vì con số tăng trưởng quá ấn tượng nêu trên, HVG thậm chí đã phải làm văn bản giải trình kết quả kinh doanh hợp nhất Quý 4 với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh. “Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp quý 4/2016 (từ 01/07/2016 – 30/09/2016) tăng 3,4 lần so với quý 4/2015 (từ 01/07/2015 – 30/09/2015) chủ yếu do sản lượng xuất khẩu tăng mạnh, doanh thu xuất khẩu thuần tăng 41%”, báo cáo viết.

Công ty còn cho biết thêm: “Đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 500 tỷ, con số thực tế đạt 406 tỷ. Đây là do dự báo được thị trường cá nguyên liệu đang thiếu hụt, giá cá nguyên liệu và cá xuất khẩu tăng cao, công ty chủ động giảm lượng xuất khẩu đối với những hợp đồng của quý 4/2016 để chuyển sang quý 1/2017. Đây là thời điểm Hùng Vương tận dụng những lợi thế về vùng nuôi, giá nguyên liệu đầu vào tốt để gia tăng lợi nhuận cho cổ đông của công ty.”

Nhưng có lẽ nhiều nhà đầu tư sẽ ngã ngửa nếu biết sự thật, rằng kết quả lợi nhuận nêu trên đã tan nhanh như bong bóng xà phòng, sau kết quả soát xét của đơn vị kiểm toán độc lập - ở đây là Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam.

Thay vì lãi ròng 378 tỷ đồng như trong báo cáo mà bộ phận kế toán của doanh nghiệp này tự tính, thực tế, sau kiểm toán, giá trị lợi nhuận sau thuế TNDN hợp nhất ở HVG trong 2016 chỉ vỏn vẹn có 9,7 tỷ đồng – chưa bằng 7% so với khoản lãi 141,8 tỷ đồng của cùng kỳ 2015.

Đáng nói, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đang từ lãi 306,6 tỷ đồng đã chuyển thành lỗ 49,3 tỷ đồng.

Diễn biến giao dịch của cổ phiếu HVG (Đồ thị: VnDirect).

Hung tin đã ngay lập tức được phản lên diễn biến giao dịch của cổ phiếu HVG trên HoSE. Mã chứng khoán này đã liên tục giảm sàn kể từ khi giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Ghi nhận phiên giảm sàn thứ 3 liên tiếp, HVG chốt phiên 6/2 tại mức giá 7.250 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh gần 5,8 triệu đơn vị và dư bán sàn gần 0,29 triệu đơn vị.

Trong một diễn biến mới nhất, hôm nay (6/2/2017), Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. HCM cũng đã công bố văn bản giải trình của ban lãnh đạo HVG về kết quả thua lỗ bất ngờ nêu trên.

Theo giải trình của HVG, việc lợi nhuận sau thuế TNDN số liệu sau kiểm toán giảm 307,2 tỷ đồng so với số trước kiểm toán, đến từ 4 nguyên nhân chủ yếu.

Nguyên nhân thứ nhất, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ sau kiểm toán giảm 409,4 tỷ đồng chủ yếu do 2 bút toán điều chỉnh. Bút toán đầu tiên là giảm doanh thu bán hàng hóa 228 tỷ đồng. “Đây là nghiệp vụ ghi nhận doanh thu bán bã đậu nành, bị loại ra do ghi nhận sai niên độ. Khoản doanh thu này sẽ hạch toán trong quý 1/2017”, HVG thông tin.

Bút toán thứ hai là giảm doanh thu bán hàng hóa khác 180.733.250.000. Theo HVG, đây là nghiệp vụ ghi nhận doanh thu từ việc sang nhượng quyền sử dụng ao. Do hồ sơ thủ tục pháp lý chưa đầy đủ nên chưa được ghi nhận doanh thu theo Chuẩn mực kế toán.

Nguyên nhân thứ hai, giá vốn bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 187,5 tỷ đồng. Đây là chi phí giá vốn tương ứng với khoản doanh thu bị loại trừ đã nêu ở trên.

Nguyên nhân thứ ba, doanh thu hoạt động tài chính giảm 37,2 tỷ đồng chủ yếu do ghi nhận bút toán điều chỉnh phương án chia cổ tức của CTCP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (Mã CK: VTF). Theo đó, phần cổ tức mà VTF đã công bố năm 2015 (ghi nhận doanh thu 2015) sẽ không được thanh toán.

Nguyên nhân thứ tư, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 52,5 tỷ đồng chủ yếu do các bút toán trích lập dự phòng phải thu khó đòi.

“Các điều chỉnh khác ảnh hưởng không đáng kể”, HVG cho biết thêm.

Điểm danh chủ nợ

Báo cáo tài chính hợp nhất sau soát xét của HVG cho hay, tính đến cuối niên độ tài chính (30/09/2016), tổng tài sản của HVG là 16.603 tỷ đồng. Trong đó, chiếm phần lớn là các khoản vay nợ tài chính, bao gồm 7.649,8 tỷ đồng vay ngắn hạn và 1.059,9 tỷ đồng vay dài hạn.

Tất nhiên, các chủ nợ của HVG sẽ khó lòng bàng quan trước những diễn biến tiêu cực vừa qua trong kết quả hoạt động kinh doanh của con nợ HVG. Bài học nhãn tiền về cuộc khủng hoảng nợ nần ở CTCP Thủy sản Bình An (Bianfishco) – đại gia thủy sản và cũng là đối trọng một thời của HVG – hẳn vẫn còn nguyên giá trị.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – một trong số các chủ nợ hàng đầu trong cuộc khủng hoảng nợ nần ở Bianfishco trước kia, theo báo cáo tài chính của HVG, hiện cũng đang là chủ nợ lớn nhất của công ty.

Dư nợ vay của HVG tại BIDV tồn tại dưới cả 3 hình thức: vay ngắn hạn, vay dài hạn và nợ trái phiếu; Bao gồm cả nội tệ (VND) và ngoại tệ (USD).

Cụ thể, tính đến 30/09/2016, HVG đang vay ngắn hạn BIDV 2.989,9 tỷ đồng và 25.974.880 USD (quy đổi ra VND là 580,3 tỷ đồng). Trong đó, khoản vay ngắn hạn bằng VND có kỳ trả nợ từ 4/10/2016 – 30/8/2017, lãi suất dao động từ 5 – 7%/năm; Còn khoản vay ngắn hạn bằng USD có kỳ trả nợ từ 14/11/2016 – 20/6/2017, lãi suất dao động từ 3,8 – 4,2%/năm. Hình thức đảm bảo cho các khoản vay là nhà máy sản xuất thức ăn, máy móc và thiết bị của nhà máy, tiền gửi tại ngân hàng, khoản phải thu khách hàng của HVC; Quyền sử dụng đất, nhà cửa, máy móc và thiết bị của AGF; Máy móc thiết bị của EUR; và quyền sử dụng đất của HVBT.

HVG gắn liền với tên tuổi của "vua cá tra" Dương Ngọc Minh.

Không chỉ có vậy, HVG còn vay thêm 530,7 tỷ đồng khác dưới dạng dài hạn tại BIDV. Khoản vay này có kỳ trả gốc và lãi từ 22/11/2017 đến 22/8/2021, lãi suất dao động từ 9,4 – 10,5%/năm, được đảm bảo bởi các công trình, hạng mục phụ trợ xây dựng và dây chuyền máy móc thiết bị sản xuất thuộc dự án đầu tư mở rộng nhà máy của VTF tại Lai Vung trị giá 376,6 tỷ đồng, toàn bộ tìa sản của VTF hình thành trong tương lai từ dự án đầu tư trại giống công nghệ cao có giá trị 231 tỷ đồng của VTF, và Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của HVBT.

Chưa hết, còn có thêm 440,1 tỷ đồng khác được BIDV tài trợ cho HVG thông qua việc đầu tư trái phiếu của HVG phát hành. Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, nợ gốc và lãi thanh toán 6 tháng/lần, và ngày đáo hạn sau cùng là 14/11/2017; Lãi suất 10,5%/năm; Được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất tại số 765 Hồng Bàng, Quận 6, Tp. Hồ Chí Minh (thuộc sở hữu của Công ty TNHH An Lạc); 19 triệu cổ phiếu AGF, 5,1 triệu cổ phiếu FMC và 4,2 triệu cổ phiếu VTF sở hữu bởi HVC. Tính đến 30/9/2016, giá trị đến hạn trả của lô trái phiếu này là 170 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Viecombank) cũng là một chủ nợ nghìn tỷ khác của HVG. Có điều, khác BIDV, Vietcombank chỉ cấp tín dụng ngắn hạn, bao gồm 1.318,1 tỷ đồng và 29.868.611 USD (quy đổi ra VND là 667,2 tỷ đồng). Trong đó, khoản vay VND có kỳ trả nợ từ 5/10/2016 – 30/6/2017, lãi suất từ 4,7 – 7%/năm; Còn khoản vay bằng USD có kỳ trả nợ từ 16/12/2016 – 27/2/2017. Hình thức đảm bảo khoản vay là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, máy móc và thiết bị của HVC; nhà máy sản xuất thức ăn và quyền sử dụng đất tại các Lô II-1, II-2 và II-3, Khu Công nghiệp Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp của VTF; nhà xưởng, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải của FMC; và quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của TFC.

Ngoài ra, danh sách chủ nợ của HVG còn có sự xuất hiện của các nhà băng: Saigonbank, Techcombank, VIB, PGBank, OCB, Agribank, Indovina, United Overseas, ACB, TPBank. Các ngân hàng này hiện cũng tài trợ tổng cộng hành nghìn tỷ đồng khác cho CTCP Hùng Vương.

CTCP Hùng Vương gắn liền với tên tuổi của đại gia Dương Ngọc Minh – Chủ tịch HĐQT kiêm CEO đương nhiệm của công ty này. Chính HVG đã đưa ông Minh – một người vừa trở về sau thời gian thụ án 6 năm tại Trại giam Xuân Lộc (vụ án của ông Minh cũng bắt nguồn từ một kết quả kiểm toán) – tái xuất thương trường và dần trở thành một trong những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tính đến 30/9/2016, người đàn ông được mệnh danh là “vua cá tra” Việt Nam hiện nắm giữ 86,9 triệu cổ phiếu HVG, tương ứng tỷ lệ sở hữu 38,27%./.