Huyền tích hóa biểu tượng Đức Thánh Hoàng Mười

VietTimes -- Đức Thánh Hoàng Mười - Nghệ An được xem là một trong những vị thánh thiêng trong lòng dân. Cho đến nay có rất nhiều dị bản, song đó đều là những cách giải thích đượm chất huyền tích hóa một biểu tượng anh hùng xứ Nghệ, gắn với một nam thần tiêu biểu được dung nạp vào hệ thống Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam.
Huyền tích hóa biểu tượng Đức Thánh Hoàng Mười
Huyền tích hóa biểu tượng Đức Thánh Hoàng Mười

Những nội dung này sẽ được bàn thảo chi tiết tại Hội thảo “Giá trị lịch sử, văn hóa của di tích đền Ông Hoàng Mười, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An” do Viện Nghiên cứu Truyền thông Văn hóa Dân tộc – Hội Truyền thông số Việt Nam, Ủy ban nhân dân huyện Hưng Nguyên phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức vào thứ Bảy (10/6) tới đây. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ làm rõ các giá trị lịch sử, văn hóa có liên quan đến Đức Thánh Hoàng Mười ở Nghệ An trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ của người Việt.

Những huyền tích hóa một biểu tượng anh hùng xứ Nghệ

Theo truyền thuyết dân gian, Ông Hoàng Mười (còn gọi là Ông Mười Nghệ An), là con của Vua Cha Bát Hải Động Đình, vốn là thiên quan trên Đế Đình, thần tiên trong chốn Đào Nguyên. Theo lệnh thiên đình, ông giáng trần để giúp dân, giúp nước.

Nhân dân vùng Nghệ Tĩnh thì truyền rằng ông Hoàng Mười đã hóa thân thành Lê Khôi, vị tướng tài, cháu ruột và là người theo Lê Lợi chinh chiến trong mười năm kháng chiến chống quân Minh,  làm đến chức Khâm Sai Tiết Chế Thủy Lục Chư Dinh Hộ Vệ Thượng Tướng Quân triều Lê.

TS. Nguyễn Danh Ngà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thông Văn hóa dân tộc - Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết: “Qua các tài liệu nghiên cứu về thân thế của ông Hoàng Mười thì sự tích ông Mười là tướng Nguyễn Xí- một tướng giỏi dưới thời Vua Lê Thái Tổ, có công giúp vua dẹp giặc Minh, sau được giao cho trấn giữ đất Nghệ An, Hà Tĩnh (cũng chính là nơi quê nhà) đã hết lòng chăm lo cho nhân dân nên được yêu mến vô cùng là hợp lý nhất. Đến nay, vẫn còn có nhiều sáng tác dân gian về thân thế, sự nghiệp cũng như tài năng đức độ của Ông được lưu truyền”.

Cũng theo huyền tích dân gian thì trong một lần đi thuyền trên sông, đến đoạn chân núi Hồng Lĩnh, chợt có đợt phong ba nổi lên, nhấn chìm thuyền của ông và ông đã hóa ngay trên sông Lam.  Trong khi mọi người đang thương tiếc cử hành tang lễ, thì trời quang đãng, nổi áng mây vàng, bỗng thấy thi thể của ông nổi trên mặt nước nhẹ tựa như không, sắc mặt vẫn hồng hào tươi tắn như người đang nằm ngủ, khi vào đến bờ, đột nhiên đất xung quanh ùn ùn bao bọc, che lấy di quan của ông. Lúc đó trên trời bỗng nổi mây ngũ sắc, kết thành hình xích mã (có bản nói là xích điểu) và có các thiên binh thiên tướng xuống để rước ông về trời.

TS. Nguyễn Danh Ngà cho biết thêm, tất cả các truyền thuyết dân gian nói trên về Ông Hoàng Mười đều là những cách giải thích đượm chất huyền tích hóa một biểu tượng anh hùng xứ Nghệ, gắn với một nam thần tiêu biểu được dung nạp vào hệ thống Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, GS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cũng cho biết, trong tín ngưỡng thờ Mẫu, sự hiện diện của các nam thần là nét đặc sắc. Thực tế có bốn vị quan nên còn gọi là Tứ phủ Quan Hoàng hay Tứ phủ Thánh Hoàng là ông Hoàng Triệu, Hoàng Bơ, Hoàng Bảy và Hoàng Mười. Cho đến nay, ông Hoàng Mười đã và đang được tôn lên vị trí quan yếu và là biểu tượng khá phổ biến trong tín ngưỡng thờ Mẫu và các nghi lễ thực hành tín ngưỡng, đặc biệt là hầu đồng ở nhiều tỉnh, thành phố trong toàn quốc…

Hàng trăm năm nay, biểu tượng này càng ngày càng được tôn sùng và  phổ cập do sức sống và sự lan tỏa mãnh liệt của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Hội đền được tổ chức vào ngày 10 tháng 10 âm lịch thu hút hàng triệu lượt khách tham dự. Đền Chợ Củi là nơi thờ chính của ông Hoàng Mười đã được Bộ Văn hoá Thông tin ra Quyết định số 57/QĐ-VH ngày 18/1/1993 xếp hạng là Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia.

Năm 2016, Đức Thánh Hoàng Mười được biết đến như một nhân vật quan trọng trong hệ thống thần điện tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ của người Việt đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Chung tay bảo vệ và phát huy giá trị khu di tích

Đền ông Hoàng Mười ở làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An với kiến trúc đặc trưng thời Nguyễn trên mảnh đất bằng phẳng với diện tích 10.615m². Riêng đền thờ chính của ông lại là Đền Chợ Củi tại được truyền tụng linh thiêng, cách đó 6km theo hướng QL1A về phía nam, ở xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, cách thành phố Vinh chừng 10km, hoặc từ Hà Tĩnh trở ra 40km theo quốc lộ 1.
Huyền tích hóa biểu tượng Đức Thánh Hoàng Mười ảnh 1Đền Chợ Củi thờ ông Hoàng Mười tại Xuân Hồng, Nghi Xuân, Hà Tĩnh
Ngày ông giáng sinh 10/10 âm lịch được coi là ngày hội chính của đền. Vào ngày này, du khách thập phương nô nức đến chiêm bái cửa đền rất tấp nập, trải dài đến tận đôi bờ sông Lam.

Theo ghi chép của GS.TS Nguyễn Thị Yên, Viện Nghiên cứu Văn hóa, tương truyền Ông Hoàng Mười thường phù hộ cho việc học hành thi cử nên mỗi khi ông nhập đồng các con nhang thường dâng tiền và lễ vật xin ông ban lộc học hành và thi cử cho con em được đỗ đạt khoa cử, thành tài để làm rạng danh tổ tông.

Lễ hội đền ông Hoàng Mười có nhiều hoạt động hấp dẫn như rước sắc bằng thuyền từ nhà thờ họ Nguyễn ra đền, hát chầu văn, thi chọi gà, đánh cờ người… thu hút đông đảo khách thập phương từ mọi miền của đất nước. Đây được xem như một hoạt động tâm linh không thể thiếu đối với người dân Nghệ - Tĩnh nói riêng mà còn là hoạt động tín ngưỡng được người dân cả nước hướng tới mỗi dịp lễ đến.

Trước nhu cầu ấy, chiến lược kết nối các điểm du lịch, đặc biệt là du lịch tâm linh giữa hai tỉnh Nghệ An -  Hà Tĩnh cần tập trung chú ý hơn trong việc hoạch định, xây dựng

các tuyến điểm du lịch tâm linh không chỉ trong nội bộ tỉnh mà nên theo hướng gắn kết trong một phạm trù của khái niệm văn hóa du lịch tâm linh xứ Nghệ, phục vụ hiệu quả hơn tính năng của ngành du lịch trong thực tại và tương lai.

Hội thảo “Giá trị lịch sử, văn hóa của di tích đền Ông Hoàng Mười, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An” sẽ diễn ra vào 8h ngày 10/6/2017 tại Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam (số 25, phố Tông Đản, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) với sự đồng hành của Hội truyền thông số Việt Nam, Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Sở văn hóa thể thao tỉnh Nghệ An, Đài tiếng nói Việt Nam.