Họp báo WHO rạng sáng 25/2: Tổng giám đốc Tedros giải thích vì sao chưa gọi Covid-19 là “đại dịch“!

VietTimes -- Trong cuộc họp báo diễn ra vào rạng sáng 25/2 (giờ VN), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rằng mặc dù có tốc độ lây lan nhanh nhưng COVID-19 vẫn chưa thể được coi là một đại dịch (pandemic).
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (Ảnh: Reuters)
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (Ảnh: Reuters)

Cần tập trung cho công tác chuẩn bị

"Sử dụng cụm từ này giờ chưa phù hợp với thực tế, mà còn gây ra nỗi sợ hãi" - Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.

"Trong thời điểm hiện tại, chúng ta không chứng kiến một sự lây lan toàn cầu ở mức không thể kiềm chế của virus corona chủng mới, cũng không chứng kiến sự chết chóc hoặc bệnh dịch nghiêm trọng ở quy mô lớn." - ông Tedros nói thêm - "Liệu virus này có thể gây ra đại dịch không? Hoàn toàn có thể. Nhưng đã đến mức như vậy chưa? Theo đánh giá của chúng tôi thì chưa".

Mike Ryan, Giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO, giải thích thêm về quan điểm của tổ chức này, nói rằng cách lây lan của loại virus này hiện vẫn chưa được hiểu rõ (poorly understood) - và dường như số lượng các ca nhiễm mới đang giảm dần ở Trung Quốc. Vậy nên theo ông, thay vì quá băn khoăn về cách gọi tên, các nước nên tập trung vào việc điều trị các bệnh nhân, làm giảm tối đa nguy cơ lây truyền virus này từ người sang người.

Theo ông Tedros, mặc dù WHO đã tuyên bố dịch COVID-19 là "Tình trạng Y tế khẩn cấp Quốc tế", nhưng dịch bệnh này vẫn chưa đáp ứng được các tiêu chí cần thiết để được mô tả là "đại dịch" - xét về sự lây lan và tầm ảnh hưởng địa lý.

"Quyết định của chúng tôi về việc có nên sử dụng cụm từ "đại dịch" để mô tả  một bệnh dịch hay không còn dựa vào một quá trình đánh giá về sự lây lan về mặt địa lý của virus, mức độ nghiêm trọng của bệnh mà nó gây ra và tầm ảnh hưởng của nó đối với toàn xã hội" - ông Tedros nói trong cuộc họp báo.

Tổng giám đốc WHO, ông Tedros, cũng nói thêm rằng đây không phải thời điểm để "tập trung vào câu hỏi nên sử dụng cụm từ nào" để mô tả diễn biến dịch bệnh, bởi "việc đó chả ngăn chặn nổi một ca nhiễm mới hay cứu thêm được một mạng người nào cho ngày hôm nay."

"Đây là thời điểm mà mọi quốc gia, mọi cộng đồng, mọi gia đình và cá nhân tập trung cho sự chuẩn bị" - ông Tedros nói - "Chúng ta không sống trong một thế giới nhị phân, đen-và-trắng, hoặc phải là cái này hoặc phải là cái kia. Lúc này chúng ta phải tập trung vào việc kiềm chế [bệnh dịch], trong khi phải làm tất cả những gì có thể để chuẩn bị ứng phó một đại dịch tiềm tàng".

Tính đến ngày 24/2, hơn 79.000 người trên thế giới đã bị nhiễm COVID-19 và hơn 2.600 người tử vong - theo WHO.

Tổng giám đốc WHO cũng thông báo rằng nhóm chuyên gia của họ đã hoàn tất chuyến công tác tại Trung Quốc và đã chuyển báo cáo về tổ chức. Nhóm chuyên gia đã tới làm việc tại nhiều khu vực khác nhau của Trung Quốc, trong đó có cả thành phố Vũ Hán, tâm dịch.

Nhóm chuyên gia phát hiện ra rằng dịch bệnh COVID-19 đạt đỉnh điểm trong khoảng từ ngày 23/1 đến 2/2, sau đó giảm dần. Họ cũng chỉ ra rằng vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể trong mẫu dNa của virus corona chủng mới. Tỷ lệ tử vong của những người nhiễm COVID-19 trong khoảng từ 2 - 4% ở Vũ Hán, và 0,7% ở bên ngoài Vũ Hán.

Theo báo cáo, những người có triệu chứng bệnh nhẹ thường phục hồi trong khoảng thời gian 2 tuần lễ, trong khi những người có triệu chứng nặng hoặc nguy cấp phục hồi trong khoảng 3 - 6 tuần.

Đại dịch là gì?

Số ca nhiễm COVID-19 đang tăng đột biến ở Hàn Quốc trong mấy ngày gần đây (Ảnh: Getty)
Số ca nhiễm COVID-19 đang tăng đột biến ở Hàn Quốc trong mấy ngày gần đây (Ảnh: Getty)

Theo WHO thì một đợt bùng phát dịch được hiểu là sự xuất hiện của nhiều ca nhiễm bệnh vượt quá mức kỳ vọng thông thường. Dịch bệnh là cụm từ được sử dụng khi số lượng người bị nhiễm một loại bệnh, một tình trạng đặc biệt có liên quan tới sức khỏe hay các sự kiện liên quan tới sức khỏe vượt quá con số thông thường.

Còn đại dịch (pandemic) được xác nhận là "sự lây lan trên phạm vi toàn thế giới" của một căn bệnh mới. Lần gần đây nhất mà WHO công bố đại dịch là đại dịch cúm H1N1 năm 2009, từng khiến hàng trăm nghìn người tử vong.

Cụm từ "Pandemic" bắt nguồn từ "Pandemos" trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là mọi người. "Demos" có nghĩa là dân số. "Pan" có nghĩa là mọi người. Bởi vậy "Pandemos" là một khái niệm được sử dụng khi mà người ta tin rằng toàn thể dân số của thế giới đều bị ảnh hưởng từ một căn bệnh, và một phần trong số họ bị nhiễm - ông Mike Ryan lý giải.

"Điều mà chúng tôi vẫn chưa hiểu rõ ở COVID-19 chính là các cơ chế lây nhiễm" - ông Ryan nói.

"Bởi vậy chúng ta đang trong giai đoạn sẵn sàng đối phó với khả năng xảy ra đại dịch" - ông nói - "Hãy cùng tập trung vào những điều mà chúng ta có thể làm và cần phải làm, đó là chuẩn bị".