Hơn 500 cặp đôi thoát khỏi hiếm muộn nhờ kỹ thuật y học hiện đại hội ngộ tại Hà Nội

VietTimes – Cuộc hội ngộ của hơn 500 cặp vợ chồng từng hiếm muộn diễn ra ở Hà Nội sáng nay, 12/7, thật đông vui, vì họ đều mang theo những thiên thần của họ là những đứa trẻ dễ thương – những “món quà” đặc biệt sau nhiều năm tháng khó khăn mới có được, nhờ sự can thiệp của các công nghệ y học hiện đại.
Em bé ra đời từ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho môt cặp vợ chồng hiếm muộn
Em bé ra đời từ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho môt cặp vợ chồng hiếm muộn

Trái ngọt

Vợ chồng anh chị Nguyễn Thị Minh và Mẫn Xuân Minh (Hiệp Hòa, Bắc Giang). là một trong 500 cặp đôi từng hiếm muộn nay đã được làm cha mẹ có mặt tại hội thảo kỷ niệm 8 năm thành lập Khoa Hỗ trợ Sinh sản (Bệnh viện Nam học – hiếm muộn Hà Nội). Gần 50 tuổi, trải qua 20 năm chạy chữa, nay anh chị mới lần đầu được làm cha mẹ, nên dễ hiểu vì sao, chị luôn cười trong niềm xúc động nghẹn ngào khi đứng bên cạnh chồng và cậu con trai 9 tháng tuổi, bụ bẫm và giống bố như đúc.

Chị Minh kể: Vợ chồng chị nên duyên vào năm 2000, nhưng chị mang thai ngoài tử cung 2 lần, phải cắt bỏ vòi tử cung, lại có tiền sử lạc nội mạc tử cung. Năm 2008, vợ chồng chị đã làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tại một bệnh viện lớn nhưng không thành công, nên từng có ý định không điều trị tiếp.

Sau 20 năm chạy chữa, gia đình anh chị Minh - Minh đã có đứa con đầu lòng
Sau 20 năm chạy chữa, gia đình anh chị Minh - Minh đã có đứa con đầu lòng

Mặc dù gia đình 2 bên đều rất yêu thương, thông cảm với chị, nhưng 20 năm qua, chị luôn cảm thấy những áp lực vô hình mỗi khi có ai hỏi chuyện con cái. Sau nhiều năm tháng, gom góp được tiền, anh chị quyết định tìm đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội lúc cả 2 đều không còn trẻ nữa, với hy vọng mong manh.

 Chị đã trải qua những tháng ngày hồi hộp như sống trên đống lửa, sau khi các bác sĩ thực hiện IVF cho hai vợ chồng chị. Đến khi kết quả khẳng định chị có thai, chị lập tức gọi điện cho chồng. Anh bảo lúc đó, anh chỉ muốn hét lên với tất cả mọi người rằng “vợ tôi có thai rồi”!

Cuối 2019, anh chị đón cậu con trai đầu lòng giống bố như đúc. “Không thể nói hết niềm hạnh phúc của chúng tôi. Giờ thì chúng tôi không còn ao ước gì lớn hơn là con trai mau lớn và mạnh khỏe” – Anh Minh xúc động.

Niềm vui hạnh phúc
Niềm vui hạnh phúc

Những câu chuyện được chia sẻ ở hội thảo đều vô cùng cảm động. Mỗi gia đình  là một câu chuyện riêng, không ai giống ai nhưng điểm chung là họ đã có được niềm hạnh phúc, là những thiên thần nhỏ sau tháng ngày chạy chữa nhờ những kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện đại tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.

Gia đình chị Lê Thị Xuân và anh Nguyễn Minh Thắng ở Sóc Sơn, Hà Nội kết hôn năm 2006, đến năm 2007, chị sinh bé gái khỏe mạnh bình thường. Nhưng đến năm 2012, khi sinh bé trai thứ hai, bé chẳng may bị bệnh do bố mẹ đều mang gen Thalassemia (tan máu bẩm sinh) và mất khi vừa 1 tuổi. Năm 2018, hai vợ chồng tìm đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội và được các bác sĩ tư vấn thực hiện thụ tinh ống nghiệm với sự hỗ trợ của kỹ thuật sàng lọc di truyền tiền làm tổ. Kết quả, chị đã được chuyển phôi thành công ngay từ lần đầu can thiệp và rồi, cặp sinh đôi 1 trai một gái đã chào đời vào đầu năm 2019. Niềm vui còn lớn hơn khi cả hai bé hoàn toàn khỏe mạnh, không mang gen Thalassemia như bố mẹ.

Gia đình anh chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt và anh Nguyễn Văn Luân
Gia đình anh chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt và anh Nguyễn Văn Luân

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt và anh Nguyễn Văn Luân (Bắc Ninh) đều cùng mang gen Thalassemia. Sau 7 năm điều trị không kết quả, họ vào Sài Gòn để thụ tinh nhân tạo (IUI) và có cậu con trai đầu lòng vào năm 2014. Không may, bé bị Thalassemia nên hàng tháng phải vào Viện Huyết Học và Truyền máu Trung ương để truyền máu. Đến tháng 6/2018, hai vợ chồng thực hiện IVF tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Các bác sĩ đã thực hiện kỹ thuật PGT kết hợp xét nghiệm HLA (tìm sự tương thích giữa phôi xét nghiệm với em bé đã sinh ra), kiểm tra thì có một phôi chuyển được. Chị Nguyệt sinh bé gái vào năm 2019. Nhờ sự tư vấn của bác sĩ, anh chị đã sử dụng cuống rốn của con gái vừa sinh, để cấy ghép tế bào gốc cho con trai mắc Thalassemia. Nhờ đó đến nay đã hơn 6 tháng, bé trai chưa phải truyền máu lần nào như trước.

Vợ chồng chị Bùi Thị Loan (1990) và anh Bùi Tiến Mạnh (1987) ở Lương Sơn, Hòa Bình lại rơi vào hoàn cảnh khác. Anh chẳng may bị chấn thương tinh hoàn, dẫn đến vô tinh. Sau hơn 9 năm chạy chữa hiếm muộn, tháng 5/2018, vợ chồng tìm đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội và được các bác sĩ mổ lấy tinh trùng, thực hiện IVF ICSI (thụ tinh trong ống nghiệm với phương pháp tiêm tinh trùng vào bào tương noãn). Kết quả, chị Loan đã sinh 2 bé trai khỏe mạnh, đến nay được 15 tháng.

Hy vọng cho người hiếm muộn

Những người cha, người mẹ đã mang đến những câu chuyện vô cùng cảm động về hành trình điều trị hiếm muộn và đã thành công, góp phần thắp lên hy vọng cho những người hiếm muộn có mặt ở hội thảo. Tại hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về hiếm muộn, BSCKII. Nguyễn Khắc Lợi – Giám đốc Bệnh viện – còn truyền thêm niềm hy vọng cho họ, khi cho biết đến nay, Bệnh viện đã thực hiện thành công cho hàng ngàn ca, trong đó không ít ca khó. Đây là kết quả của đội ngũ y bác sĩ được đào tạo bài bản trong và ngoài nước, nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị bệnh lý hệ sinh sản nam và nữ, đặc biệt là hỗ trợ sinh sản.

Ca phẫu thuật điều trị hiếm muộn
Ca phẫu thuật điều trị hiếm muộn

Chia sẻ với chúng tôi, BSCKII. Nguyễn Khắc Lợi cho biết, hiện Bệnh viện đã cập nhật những kỹ thuật mới nhất giúp điều trị thành công nhiều ca khó, cũng như tăng tỷ lệ thành công khi thực hiện các phương pháp hỗ trợ sinh sản như kỹ thuật vi phẫu MicroTESE (vi phẫu tìm tinh trùng từ mô tinh hoàn) còn khá mới tại Việt Nam, nhưng đã được Bệnh viện áp dụng thành với tỷ lệ tìm thấy tinh trùng rất cao, ít tổn thương mô tinh hoàn, ít biến chứng. Kỹ thuật này dùng để điều trị nhóm không có tinh trùng (vô tinh), kể cả khi tinh hoàn bị teo hay tổn thương nặng do biến chứng của quai bị.

Bên cạnh đó là kỹ thuật nuôi phôi dài ngày kết hợp chẩn đoán di truyền tiền làm tổ giúp cho tỷ lệ có thai, tỷ lệ thai trên 10 tuần, tỷ lệ em bé chào đời cao hơn, hạn chế khả năng đa thai, loại bỏ nguy cơ thai nhi bị dị tật bẩm sinh, tăng cơ hội có con khỏe mạnh cho các cặp vợ chồng vô sinh - hiếm muộn. Sàng lọc di truyền tiền làm tổ (PGT) được sử dụng giúp tránh việc chuyển phôi mang các bất thường nhiễm sắc thể nghiêm trọng vào tử cung người mẹ. Kỹ thuật này đã được Bệnh viện thực hiện cho những trường hợp bố mẹ cùng mang gen Thalassemia, Hemophilia (bệnh máu khó đông); vợ chồng bất thường nhiễm sắc thể, phụ nữ lớn tuổi…, giúp các cặp vợ chồng sinh con khỏe mạnh. Mặt khác, sự thành công của chẩn đoán PGT cũng mở ra hy vọng cho phụ nữ sảy thai nhiều lần, những cặp vợ chồng bị thất bại nhiều lần trong thụ tinh ống nghiệm nhưng không rõ nguyên nhân.

Các trường hợp hiếm muộn rất khó khăn đã được điều trị thành công
Ths.Bs. Lê Thị Thu Hiền – Phó Giám đốc Bệnh viện và các trường hợp hiếm muộn khó khăn được điều trị thành công

“Sự ra đời của các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện đại, đặc biệt là kỹ thuật IVF cùng nhiều phương pháp hỗ trợ khác đã giúp nhiều trường hợp hiếm muộn tưởng chừng vô vọng, đã có được đứa con mà họ mơ ước. Tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, tỷ lệ thành công của các chu kỳ IVF khá cao và tăng dần theo từng năm, hiện tại là khoảng từ 50-70%”. BSCKII. Nguyễn Khắc Lợi cho biết.

Ths.Bs. Lê Thị Thu Hiền – Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: Chương trình Tuần lễ và ươm mầm hạnh phúc 2020 do Bệnh viện tổ chức từ ngày 28/6 đã kết thúc vào 12/7. Bệnh viện đã tặng 5000 suất tư vấn, khám, siêu âm, xét nghiệm miễn phí. Bệnh viện tiếp tục tặng 10 suất thụ tinh ống nghiệm miễn phí (70-100 triệu đồng/ca) cho 10 cặp vợ chồng hiếm muộn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Danh sách sẽ công bố vào ngày 26/07/2020 tại Bệnh viện. Ngoài ra, Bệnh viện sẽ  hỗ trợ thêm 20 ca mổ nội soi thăm dò buồng tử cung miễn phí (nữ) và 20 ca mổ MicroTESE miễn phí (nam) với giá trị tương đương 14 triệu đồng/ca.