Hơn 200.000 người thất nghiệp có trình độ Đại học

Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, cả nước hiện đang có khoảng 200.000 người thất nghiệp có trình độ đại học - đây là một thực trạng đáng lo ngại về vấn đề việc làm ở nước ta.
Hơn 200.000 người thất nghiệp có trình độ Đại học

Chiều 21.9, tại Hà Nội, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 12 cho ý kiến về kết quả thực hiện nhiệm vụ, ngân sách năm 2015, dự toán ngân sách năm 2016 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. 

Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm này có nhiều chuyển biến tích cực, trong 8 tháng đầu năm, cả nước giải quyết việc làm cho trên 1.114 nghìn lao động, ước cả năm sẽ tạo việc làm cho trên 1.600 nghìn người (đạt 101,1%); thực hiện quy định tiền lương tối thiểu vùng đối với các doanh nghiệp năm 2015 đúng quy định từ 1.1.2015, trong đó thu nhập bình quân của người lao động trong các doanh nghiệp quý I.2015 là 4,9 triệu đồng, tăng 0,5 triệu so với quý IV.2014; thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp ưu đãi thường xuyên cho trên 1,4 triệu người có công… 

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ LĐTBXH cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế như, thị trường lao động phát triển chưa đồng bộ, chất lượng lao động còn hạn chế, việc làm chưa ổn định, năng suất và thu nhập thấp. Công tác dạy nghề chưa có chuyển biến căn bản, chất lượng dạy nghề chưa cao. Nguồn lực cho giảm nghèo còn bị phân tán, chính sách còn trùng lặp về đối tượng thụ hưởng, chồng chéo trong quản lý, tổ chức thực hiện nên hiệu quả chưa cao… 

Đặc biệt, qua tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công phát hiện gần 76.000 người chưa được hưởng đầy đủ chính sách và trên 2.900 người hưởng sai chính sách. 

Tại phiên họp, các thành viên UB các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị làm rõ nguyên nhân và giải pháp của những hạn chế tồn tại trong thời gian qua, nhất là về vấn đề việc làm.

 Đáng chú ý, ĐB Lê Thành Nhơn (Bình Dương) có đặt vấn đề về 200.000 người có trình độ đại học bị thất nghiệp, trách nhiệm này thuộc về ai và giải pháp như nào? Ý kiến của ĐB khác còn cho rằng việc dạy nghề cho lao động nông thôn hiện nay có bất cập khi có người học đến 7,8 chứng chỉ mà vẫn không có việc làm… 

Trả lời một số câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, số người thất nghiệp có bằng ĐH-CĐ phần đông rơi vào các ngành học ứng với các vị trí của cơ quan hành chính, chứ rơi vào các ngành đào tạo kỹ thuật là không nhiều. Trong thời gian tới, Bộ sẽ chú trọng vào công tác tạo việc làm, nhất là tạo việc làm cho lao động nông thôn, sinh viên mới ra trường; phát huy, nâng cao năng lực hoạt động của các trung tâm giới thiệu việc làm; ưu tiên giáo dục nghề nghiệp… 

Liên quan đến công tác giảm nghèo, nhiều ý kiến cho rằng, kết quả giảm nghèo chưa bền vững. Chưa có chính sách khuyến khích và hỗ trợ người nghèo, cận nghèo, để giúp họ chủ động vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Một số chính sách ban hành mang tính ngắn hạn, tình thế, nên chưa tập trung đúng mức vào giải quyết nguyên nhân của đói nghèo. 
Bên cạnh đó, hiện nay còn có sự chênh lệch trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo giữa các vùng, miền. Ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn ở mức cao. 

Trong năm 2016, Bộ LĐTBXH hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, phát triển hệ thống trợ giúp xã hội đa dạng, toàn diện, bảo đảm bền vững, công bằng, bình đẳng; phấn đấu tỷ lệ thất nghiệp còn dưới 3%; giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020 từ 1 đến 1,5%; giải quyết việc làm cho 1,5 – 1,6 triệu lao động; phấn đấu để 98,5% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú.

Theo Lao động