Hơn 19.000 tỷ xây đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh

Công trình đường sắt dài 128,2 km từ ga Dĩ An đến cửa khẩu Hoa Lư sẽ là một phần quan trọng của xuyên Á kết nối ASEAN với Trung Quốc, châu Âu.
Đường sắt Sài Gòn – Lộc Ninh sẽ cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa chi phí thấp từ Tp.HCM đi các đô thị vệ tinh thuộc khu vực Đông Nam Bộ
Đường sắt Sài Gòn – Lộc Ninh sẽ cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa chi phí thấp từ Tp.HCM đi các đô thị vệ tinh thuộc khu vực Đông Nam Bộ

Theo đề nghị của Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT), tuyến đường sắt Sài Gòn – Lộc Ninh dài 128,2 km, bao gồm 17 ga đi qua địa bàn Bình Dương, Bình Phước sẽ bắt đầu từ tim ga Dĩ An (Km0 – tương ứng với Km1707 +010 lý trình đường sắt Thống Nhất), điểm cuối tại điểm nối ray biên giới Việt Nam – Campuchia (cửa khẩu Hoa Lư).

Các hạng mục chính của Dự án bao gồm việc xây dựng 61,4 km đường đôi khổ 1434mm cho đoạn ga Dĩ An – ga Chơn Thành và 66,8 km đường đơn cho đoạn ga Chơn Thành – cuối tuyến. Tốc độ hành trình của đoàn tàu trên tuyến đường sắt này là khoảng 120 km/h, cao hơn khá nhiều tốc độ của các đoàn tàu Thống Nhất hiện nay.

Dự kiến Dự án vay vốn ODA nước ngoài để đầu tư theo 4 phương án sau: vay 85% tổng mức đầu tư và 15% vốn đối ứng ngân sách – tổng mức đầu tư khoảng 20.684 tỷ đồng; vay 70% ODA và 30% còn lại vay tín dụng ưu đãi người mua – tổng mức đầu tư là 20.836 tỷ đồng; vay 50% ODA và 50% còn lại vay tín dụng bên mua – tổng mức đầu tư là 20.938 tỷ đồng; sử dụng 100% vốn nhà nước – tổng mức đầu tư là 19.039 tỷ đồng.

Được biết, đường sắt Sài Gòn – Lộc Ninh không chỉ cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa chi phí thấp từ Tp.HCM đi các đô thị vệ tinh khu vực Đông Nam Bộ mà còn là một phần của tuyến đường sắt xuyên Á, kết nối khu vực Asean với Trung Quốc, Châu Âu qua Seberi.

Hiện Ban quản lý dự án đường sắt đang đề nghị Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư, để dự án nói trên có thể triển khai thực hiện từ năm 2016 – 2020.

Theo Đầu tư