Hôm nay, chính thức tắt sóng truyền hình tương tự tại 8 tỉnh

VietTimes -- Vào 0h00 hôm nay (30/12), truyền hình tương tự ở 8 tỉnh thuộc giai đoạn 2 của Đề án Số hóa truyền hình Việt Nam gồm: Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Long, Hậu Giang, Hải Dương, Vĩnh Phúc và Bình Dương đã chính thức tắt sóng.
Đến thời điểm này, Việt Nam đã hoàn thành số hóa truyền hình ở 13 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trước đó, 5 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng đã hoàn thành số hóa truyền hình (ảnh minh họa - Internet)
Đến thời điểm này, Việt Nam đã hoàn thành số hóa truyền hình ở 13 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trước đó, 5 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng đã hoàn thành số hóa truyền hình (ảnh minh họa - Internet)

Để công tác tắt sóng truyền hình tương tự (analog) tại 8 tỉnh được khả thi, ngay từ trước đó, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm đã gửi đề nghị tới các tỉnh: Bắc Ninh, Bình Dương, Hà Nam, Hải Dương, Hậu Giang, Hưng Yên, Vĩnh Long và Vĩnh Phúc về việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất.

Đồng thời, Bộ TT&TT đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo triển khai một số nội dung công việc như ngừng phát kênh chương trình truyền hình tỉnh trên sóng truyền hình tương tự mặt đất từ 0h ngày 30/12/2016; Sau thời điểm 0h ngày 30/12/2016, kênh truyền hình tương tự mặt đất chỉ phát đi bảng thông báo về việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất, thông tin hướng dẫn chuyển sang thu xem truyền hình số mặt đất, cổng thông tin http://sohoatruyenhinh.vn và tổng đài số hóa truyền hình 0511.1022 để các hộ gia đình còn lại nắm được thông tin và chuyển sang thu xem truyền hình số mặt đất. Thời gian duy trì phát bảng thông báo tối thiểu 3 ngày.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cũng đã gửi yêu cầu tới các tỉnh: Bắc Ninh, Bình Dương, Hà Nam, Hải Dương, Hậu Giang, Hưng Yên, Vĩnh Long và Vĩnh Phúc đề nghị tăng cường chỉ đạo tuyên truyền số hóa truyền hình mặt đất tại các địa phương này. Theo đó, các tỉnh tăng cường chỉ đạo tuyên truyền số hóa truyền hình mặt đất tại địa phương tập trung vào một số nội dung chủ yếu. Các Đài PTTH liên tục chạy chữ, phát sóng các đoạn chương trình thông báo ngày, giờ ngừng phát sóng các kênh truyền hình tương tự mặt đất tại địa phương vào các khung giờ có nhiều người xem truyền hình buổi sáng, buổi trưa, buổi tối.

Sau ngày 30/12/2016, tiếp tục duy trì phát sóng trên kênh sóng truyền hình tương tự mặt đất nội dung thông báo thông tin về chuyển đổi số hóa, hướng dẫn thu xem các kênh truyền hình địa phương đã được phát trên sóng truyền hình số mặt đất để đảm bảo người dân không bất ngờ, bị động.

Đồng thời, các Đài PTTH và Sở TT&TT liên tục cập nhật thông tin mới nhất về vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 và kết quả hỗ trợ đầu thu truyền hình số tại 8 tỉnh trên trang thông tin điện tử www.sohoatruyenhinh.vn hoặc www.mic.gov.vn/shth; Bố trí nhân lực trực tại cơ quan để giải đáp thắc mắc của người dân về số hóa truyền hình trước, trong và sau ngày 30/12/2016.

Như vậy, đến thời điểm này, Việt Nam đã hoàn thành số hóa truyền hình ở 13 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trước đó, 5 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng và Hải Phòng đã hoàn thành số hóa truyền hình.

Theo báo cáo của Thường trực Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình, vùng phủ sóng truyền hình số  DVB-T2 về cơ bản đã rộng hơn vùng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất. Tại 8 tỉnh ngưng phát sóng analog giai đoạn này, hầu hết người dân đã thu xem tốt truyền hình trên sóng số DVB-T2.

Cùng với đó, việc hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo, cận nghèo phát sinh tại 8 tỉnh nêu trên sẽ hoàn thành trước ngày 30/12/2016. Trước đó, giai đoạn 1, Qũy Dịch vụ viễn thông công ích  đã hoàn thành hỗ trợ 158.783 bộ đầu thu STB  DVB-T2 cho các hộ nghèo, cận nghèo tại Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Long, Hậu Giang, Hải Dương, Vĩnh Phúc. Hiện tại, Ban Quản lý chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích cũng đang thực hiện hỗ trợ tiếp tục cho 79.922 bộ đầu thu STB DVB-T2 cho các hộ nghèo, cận nghèo phát sinh theo chuẩn mới tiếp cận đa chiều tại Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Long, Hậu Giang, Hải Dương, Vĩnh Phúc.