Hồi ức tươi đẹp về chàng lãng tử vẽ phố Hà Nội

VietTimes – Tranh Phố Xương để lại dấu ấn đậm nét trong lòng bạn bè với lối vẽ "ghi cảm xúc". 
Bức "Ô Quan Chưởng" của họa sĩ Lê Văn Xương
Bức "Ô Quan Chưởng" của họa sĩ Lê Văn Xương

Ấn tượng Phố Xương

Nhân kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô 10/10, tại Hà Nội đang diễn ra một cuộc triển lãm được gọi là “giai phẩm” mùa thu, trưng bày tranh của hai họa sĩ Lê Văn Xương và Văn Giao.

Nhớ họa sĩ Lê Văn Xương là nhớ về một thời lòng người Hà Nội mong mỏi đoàn quân giải phóng tiến về thủ đô, hòa lẫn trong tâm thế chung của cả một thời đại ấy, có một chàng lãng tử để lại nét riêng với hình ảnh chuyên mặc đồ trắng, đi chiếc motobecane (xe đạp máy) hiếm hoi của Hà Nội thời trước 1954, vai đeo giá vẽ và còn có cả biệt tài chơi vĩ cầm.

Hồi tưởng về những năm 1935-1939, nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật còn nhớ những tháng ngày ông Xương ngao du với các họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái, Hoàng Lập Ngôn… cùng nhau đi thưởng ngoạn, vẽ tranh.

Không có nhiều tư liệu về họa sĩ Lê Văn Xương, nhưng ngược lại với điều đó, là một dấu ấn đậm nét trong bạn bè giới mỹ thuật về tranh Phố Xương, về ông họa sĩ có biệt danh “Xương truyền thần”.

Ông Xương có vẽ sơn dầu, làm điêu khắc nhưng khá ít ỏi, tranh ông chủ yếu là bột màu, màu nước, phấn tiên. Không phải người ham “tháp ngà” nghệ thuật, Lê Văn Xương hay đi thực tế, bôn ba từ rừng núi đến đồng quê.

Tranh
Tranh "Chùa Quán Sứ"
"Chợ Đồng Xuân" của Lê Văn Xương
"Chợ Đồng Xuân" của Lê Văn Xương
"Ga Long Biên" vào tranh Lê Văn Xương
"Ga Long Biên" vào tranh Lê Văn Xương

Bức “Kéo pháo lên đồi” được ông vẽ năm 1961 được giới mỹ thuật ghi nhận như một bức tranh đặc biệt, bởi đã làm nổi bật không khí lễ hội truyền thống trước một trận đánh căng thẳng. Hơn nữa, bức tranh được đánh giá là có tư duy mỹ thuật tạo hình khác biệt, so với mặt bằng mỹ thuật thời bấy giờ.

Năm 1971, bức “Anh hùng Tây Nguyên” của Lê Văn Xương còn xuất hiện trên báo Liên Xô. Năm 1997, ông được trao Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam.

Những không gian phố sáng sủa, trung thực, đơn sơ, thanh thoát, được vẽ theo phong cách trực họa trong tranh Phố Xương của ông đã để lại một dấu ấn đậm nét về Hà Nội ba sáu phố phường: Hàng Đồng, Hàng Da, Hàng Muối, Gầm Cầu, Hàng Buồm, Chùa Láng, chùa Trấn Quốc, Ô Quan Chưởng, Long Biên…

Nói về lối vẽ ghi cảm xúc của Lê Văn Xương, nhà nghiên cứu mỹ thuật Quang Việt cho rằng: “Thoạt nhìn có vẻ như bất chợt, thoáng qua, trực tiếp, nhưng lại không dễ bị trượt đi, hay nói cách khác, người vẽ đã phải hiểu, phải yêu những cảnh vật ấy lắm phải trải nghiệm tình cảm trước chúng nhiều lắm, mới “chộp” được chúng trong cái vẻ bình thản và đột nhiên đến như vậy”.

"Phố Hàng Buồm"
"Phố Hàng Buồm"
"Hàng Da"
"Hàng Da"
"Phố Hàng Đồng"
"Phố Hàng Đồng"

Họa sĩ Lê Văn Xương sở hữu “tay nghề, bút pháp tả thực và khả năng diễn tả không gian ba chiều vững vàng” – nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Lâm nhận định.

“Hội họa ở đây, thật sáng sủa, mát, là sự trìu mến, là những giai điệu, nhạc âm vang lên từ một  tâm hồn bình dị, dễ rung động, yêu cuộc sống và yêu sự thanh bình của cuộc sống…” – Nhà nghiên cứu mỹ thuật Quang Việt hồi ức.

Tình yêu nhọc nhằn nhưng không có tuổi

Họa sĩ Lê Văn Xương có tới ba đời vợ. Người vợ đầu sinh cho ông 8 người con. Đến năm 1970, bà mất. Ông Xương tục huyền với người vợ thứ – nhà thơ, nhà văn Trần Diệu Tiên. Bà Trần Diệu Tiên sinh cho ông Xương một người con gái duy nhất – Lê Y Lan.

Cuộc tình đẹp như trong cổ tích nhưng hai ông bà cũng chỉ sống với nhau từ năm 1970 đến 1982 thì ly hôn; sau đó ông Xương tái hôn với người vợ thứ ba nhưng không sinh thêm người con nào nữa.

Lê Y Lan từng lọt top 4 Hoa hậu Việt Nam năm 1990. Lê Y Lan là diễn viên, người mẫu thập niên 90, sau này chị làm địa ốc, và sưu tập, lưu giữ tranh Lê Văn Xương.

"Phố Gầm Cầu"
"Phố Gầm Cầu"
"Đường Trần Nhật Duật"
"Đường Trần Nhật Duật"
"Hà Nội năm 1952" qua nét vẽ của họa sĩ Lê Văn Xương
"Hà Nội năm 1952" qua nét vẽ của họa sĩ Lê Văn Xương

Bà quả phụ Trần Diệu Tiên luôn chung tay và chia sẻ với con gái về bộ sưu tập tranh Lê Văn Xương. Hai mẹ con có được sự ủng hộ của các thành viên khác nữa trong đại gia đình đông đúc, cùng nâng niu từng vật phẩm gắn với cái tên họa sĩ quá cố.

Trong lòng người quả phụ, hồi ức về tình yêu với chàng họa sĩ lãng tử vẽ phố Hà Nội vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Bà vẫn ngâm nga những vần thơ, câu hát, hồi tưởng lại quãng thời gian tươi đẹp bên nhau khi đứng trước mỗi bức tranh ông vẽ.

Bà Trần Diệu Tiên kể: “Ngày ông Xương còn sống, ông làm triển lãm nhiều lắm. Tất nhiên triển lãm hồi đó khác với bây giờ, nhưng cũng không phải ai cũng làm được như ông”.

“Hết duyên thì thôi, đừng trách, đừng giận, tình yêu sẽ ở lại mãi mãi trong tim mỗi người, cho dù không sống cùng nhau hay sống cạnh nhau, và thậm chí là không còn sống trên đời” – Bà quả phụ có nét đẹp mặn mà, sang trọng của người học rộng, hiểu nhiều, đi qua không ít thăng trầm nhưng vẫn giữ nguyên điệu cười hồn hậu, nhẹ nhàng nói.

Bức
Bức "Chùa Trấn Quốc" của Lê Văn Xương