Hội Truyền nhiễm Việt Nam làm gì để ứng phó với biến chủng mới của SARS-CoV-2?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Sáng 14/1, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội truyền nhiễm Việt Nam khoá VI, nhiệm kỳ 2022-2027, đã được tổ chức, nhằm đưa ra các biện pháp ứng phó với biến chủng mới của SARS-CoV-2.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (Ảnh - Minh Thuý)
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (Ảnh - Minh Thuý)

Tại Đại hội, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Hội Truyền nhiễm Việt Nam đã có 40 năm trưởng thành, phát triển. Hội là sự hội tụ của các nhà khoa học hàng đầu để tăng cường công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân.

Trong nhiệm kỳ 2016-2021, Hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc đào tạo liên tục cho hội viên, hoàn thành tốt công tác phòng, chống dịch, hợp tác quốc tế, quy tụ được các giáo sư, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm.

Trước sự xuất hiện biến chủng mới của SARS-CoV-2, Hội Truyền nhiễm Việt Nam đã tham gia hoạt động phòng, chống dịch, phối hợp với Bộ Y tế để đưa ra các biện pháp chống dịch triệt để.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên - Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam - Thời gian qua, Tổng hội Y học Việt Nam cùng Hội Truyền nhiễm Việt Nam đã tập huấn cho các cơ sở y tế về điều trị cho bệnh nhân COVID-19, tư vấn chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân. Nhờ sự chỉ đạo, phối hợp của Hội Truyền nhiễm Việt Nam với các bệnh viện, nhiều người bệnh tưởng chừng như không thể qua khỏi đã được cứu sống.

GS. TS. Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam khoá V (Ảnh - Minh Thuý)

GS. TS. Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam khoá V (Ảnh - Minh Thuý)

Thông tin về hoạt động phòng, chống dịch của Hội Truyền nhiễm Việt Nam, GS. TS. Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam khoá V - chia sẻ: Hội Truyền nhiễm Việt Nam gắn bó với công tác phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Hội đã liên tục phát triển các chi hội ở địa phương. Khi dịch bệnh tạm lắng xuống, Hội đã thành lập Liên chi hội miền Tây để tăng cường công tác phòng chống, dịch COVID-19 tại các tỉnh miền Tây.

"2 năm qua, Hội luôn muốn tổ chức hội nghị khoa học toàn quốc. Tuy nhiên, dịch COVID-19 khiến Hội không thể tổ chức rộng rãi. Hôm nay, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Truyền nhiễm Việt Nam được tổ chức để tổng kết kinh nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Từ đó, viết thành sách chuyên khảo để các đơn vị tham khảo" - ông Kính nói.

Trong 5 năm tới, Hội Truyền nhiễm Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia phòng, chống các dịch bệnh mới nổi, tái nổi, dịch COVID-19, sàng lọc, chăm sóc, điều trị các bệnh truyền nhiễm ở các cơ sở y tế; củng cố, kiện toàn mạng lưới hoạt động chuyên ngành truyền nhiễm từ trung ương đến cơ sở nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn cho tuyến dưới, giảm quá tải người bệnh tuyến trên.

Chủ tịch danh dự Hội Truyền nhiễm Việt Nam, GS. TS. Nguyễn Văn Kính, tặng hoa chúc mừng tân Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam TS. BS. Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh - Minh Thuý)

Chủ tịch danh dự Hội Truyền nhiễm Việt Nam, GS. TS. Nguyễn Văn Kính, tặng hoa chúc mừng tân Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam TS. BS. Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh - Minh Thuý)

Trước đó, từ 2016-2021, Hội Truyền nhiễm Việt Nam đã đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật kiến thức khoa học chuyên ngành truyền nhiễm, nhiệt đới, HIV/AIDS, phòng, chống dịch COVID-19 cho 5.000 hội viên. Hàng năm, Hội tổ chức hội nghị thường niên Ban Chấp hành Hội Truyền nhiễm Việt Nam.

Hội Truyền nhiễm Việt Nam đã được Bộ Y tế công nhận là đơn vị đủ điều kiện đào tạo liên tục cho cán bộ y tế về các nội dung liên quan đến lĩnh vực truyền nhiễm với mã cơ sở đào tạo liên tục là B76.

Ngoài ra, Hội còn tích cực tuyên truyền, vận động, phát triển các chi hội. Đến nay đã có tổng cộng 20 chi hội. Hội cũng đã duy trì, phát triển Tạp chí Truyền nhiễm Việt Nam cơ quan ngôn luận của Hội và kênh truyền tải thông tin khoa học chuyên ngành đến các hội viên.