Tình hình Biển Đông mới nhất ngày hôm nay:

Hội phóng viên Trung Quốc đang bàn bạc, toan tính chống lại kết quả trọng tài Biển Đông

VietTimes -- Ngô Sĩ Tồn, chuyên gia vấn đề Biển Đông, Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển Đông Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc sẽ tiến hành đánh giá kết quả trọng tài, xem nó gây tổn hại thế nào đối với cái gọi là "quyền lợi chủ quyền" của Trung Quốc.
Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển Đông Trung Quốc.
Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển Đông Trung Quốc.

Tờ Đại Công báo Hồng Kông ngày 28/5 cho hay, ngày 27/5 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, Hiệp hội phóng viên Trung Quốc đã tổ chức tọa đàm có tên gọi là "Tình hình Biển Đông hiện nay và thách thức của Trung Quốc".

Trung Quốc sẽ chống lại phán quyết của Tòa trọng tài

Đối với khả năng Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc đưa ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc và khả năng Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp đáp trả, ông Ngô Sĩ Tồn, chuyên gia vấn đề Biển Đông, Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển Đông Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc sẽ tiến hành đánh giá kết quả trọng tài, xem nó gây tổn hại thế nào đối với cái gọi là "quyền lợi chủ quyền" của Trung Quốc.

Trên cơ sở đó, theo Ngô Sĩ Tồn, Trung Quốc chắc chắn "sẽ triển khai các biện pháp đáp trả cần thiết", hơn nữa, những biện pháp "đáp trả" này cũng có thể nhằm vào "quốc gia cụ thể". Ông Tồn nói vậy có lẽ là nhằm vào các nước như Philippines…

Bài báo tỏ lo ngại rằng việc Philippines kiện Trung Quốc lên Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa, làm cho các nước xung quanh Biển Đông tích cực làm theo, "đồng loạt tấn công" Trung Quốc.

Đối với vấn đề này, Ngô Sĩ Tồn buông lời đe dọa, cho rằng, các nước tranh chấp khác sẽ đánh giá, nếu làm theo Philippines, cái giá phải trả và lợi ích thu được sẽ như thế nào. Kết luận mà họ đưa ra chắc chắn sẽ là "không thu được gì", không chỉ làm xấu đi quan hệ với Trung Quốc, mà còn không thể giải quyết từng vấn đề như vấn đề trên biển, tranh chấp lãnh thổ, quản lý vùng biển. 

Vì vậy, theo Ngô Sĩ Tồn, "giẫm lên vết xe đổ" của Philippines không phải là một phương án lựa chọn hợp lý của họ. 

Gắp lửa bỏ tay người

Luật pháp quốc tế không cho phép Trung Quốc thích làm gì cũng được.
Luật pháp quốc tế không cho phép Trung Quốc thích làm gì cũng được.

Theo thói quen đổ lỗi cho người khác của Bắc Kinh, Ngô Sĩ Tồn cho rằng: "Vấn đề Biển Đông đi đến ngày hôm nay, Mỹ là thủ phạm lớn nhất". Cuối cùng, bất kể người của Đảng Cộng hòa hay Đảng Dân chủ vào Nhà Trắng, Mỹ đều sẽ không từ bỏ chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương, mà sẽ chỉ tăng cường.

Ngô Sĩ Tồn nhận định, nếu bà Hillary Clinton lên nắm quyền, thách thức của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông sẽ lớn hơn hiện nay. Quản lý, kiểm soát bất đồng, ngăn chặn xung đột leo thang vẫn là "đồng thuận" giữa Trung-Mỹ.

Về khả năng vấn đề Biển Đông nóng lên sẽ ảnh hưởng đến xây dựng "một vành đai, một con đường" do Bắc Kinh chủ trương, Ngô Sĩ Tồn cho rằng, xây dựng con đường tơ lụa trên biển là một sáng kiến hợp tác kinh tế, vấn đề Biển Đông lại là một chuyện khác. Trung Quốc chưa từng gắn chúng với nhau.

Hơn nữa, Trung Quốc cũng chưa từng có kế hoạch "thông qua thúc đẩy xây dựng con đường tơ lụa trên biển để tìm kiếm lợi ích địa-chính trị ở Biển Đông, tiến tới ép buộc các nước khác phải nhượng bộ trong vấn đề Biển Đông".

“Con đường duy nhất” theo cách áp đặt của Trung Quốc

Ngô Sĩ Tồn còn tuyên truyền, cho hay, chính sách Biển Đông của Trung Quốc bao gồm: (1) Bảo vệ hòa bình, ổn định Biển Đông. (2) Bảo vệ an toàn và tự do đi lại ở Biển Đông. (3) Thông qua đối thoại, hiệp thương để giải quyết tranh chấp Biển Đông. (4) Gác lại tranh chấp, cùng khai thác. (5) Tư duy song song.

Trung Quốc ra sức tiến hành quân sự hóa bất hợp pháp ở quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Nguồn ảnh: Người quan sát, Trung Quốc
Trung Quốc ra sức tiến hành quân sự hóa bất hợp pháp ở quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Nguồn ảnh: Người quan sát, Trung Quốc.

Theo Ngô Sĩ Tồn, một số chính sách trước đã có từ lâu, còn “tư duy song song” tức là: Một là các nước đương sự tranh chấp đàm phán, hiệp thương giải quyết. Hai là Trung Quốc và các nước ASEAN cùng bảo vệ hòa bình, ổn định Biển Đông. 

Ngô Sĩ Tồn còn cho rằng, vấn đề Biển Đông liên quan tới diện tích vùng biển rộng lớn, đảo đá nhiều, trong ngắn hạn không thể giải quyết, sự lựa chọn khả thi “duy nhất” chính là đàm phán và đối thoại giải quyết. 

Như vậy, Ngô Sĩ Tồn tiếp tục tuyên truyền các quan điểm do Bắc Kinh đưa ra trước đây, vẫn tìm cách áp đặt cách thức giải quyết tranh chấp bằng con đường đàm phán song phương có lợi cho Trung Quốc. Trung Quốc sẽ tiếp tục tìm cách sử dụng thực lực, bẻ từng chiếc đũa, từng bước áp đặt yêu sách vô lý, phi pháp ở Biển Đông.

Ngô Sĩ Tồn còn nhắc lại quan điểm của Trung Quốc đối với vụ kiện Biển Đông của Philippines, cho rằng, Trung Quốc sẽ “không chấp nhận, không tham gia” vụ kiện này. Sau khi có kết quả phán quyết của tòa, Trung Quốc cũng sẽ “không thừa nhận, không thực hiện”.

Theo Ngô Sĩ Tồn, đây không phải là thách thức đối với luật pháp quốc tế, trật tự quốc tế. Ông lấy lý do là, trên thế giới cũng có rất nhiều tiền lệ không thực hiện phán quyết của tòa.
Hiến chương Liên hợp quốc đã làm rõ phương pháp giải quyết hòa bình tranh chấp quốc tế, đó là đàm phán, điều tra, hòa giải, trọng tài, giải quyết tư pháp. 

Trong đó, Ngô Sĩ Tồn coi việc đàm phán được “ưu tiên” trong quá trình giải quyết hòa bình tranh chấp quốc tế. Trung Quốc thấy loại này phù hợp nhất với Bắc Kinh, có thể áp đặt yêu sách của mình cho nước khác, nên đã lựa chọn cách giải quyết này.