Học trò, trợ lý, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên kể về Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes - "Ông Nguyễn Cơ Thạch mua sách các loại về bắt chúng tôi đọc và tóm tắt, cũng như dạy chúng tôi cách nghiên cứu, viết đại sử ký. Ông nói ông đã học được từ tướng Giáp", nguyên Ngoại trưởng Nguyễn Dy Niên nói.
Hội thảo tại BNG nhân kỷ niệm 100 ngày sinh cố Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Ảnh Bộ Ngoại giao.
Hội thảo tại BNG nhân kỷ niệm 100 ngày sinh cố Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Ảnh Bộ Ngoại giao.

“Tôi gặp anh Nguyễn Cơ Thạch năm 1954, trong buổi lễ trình Quốc thư của Đại sứ Trung Quốc La Quý Ba lên Chủ tịch Hồ Chí Minh”, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên bắt đầu câu chuyện với phóng viên VietTimes.

Lúc đó, ông Niên còn rất trẻ, chưa đến 19 tuổi, đang là thanh niên xung phong, còn ông Thạch đã 33 tuổi, đang làm Giám đốc Tài chính Khu 3. Ông Niên chợt lưu ý người viết rằng đó là lý do sau này, từ những năm ‘80 của thế kỷ trước, ông Thạch đặc biệt quan tâm đến kinh tế thị trường.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch tiếp người đồng sáng lập Đảng Xã hội Pháp năm 1982. Ảnh: Internet.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch tiếp người đồng sáng lập Đảng Xã hội Pháp năm 1982. Ảnh: Internet.

Trưởng thành nhờ học tướng Giáp

Ông Thạch trước đó là trưởng nhóm bí thư (độ 7-8 người) của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Chính phương pháp làm việc của ông Thạch chịu ảnh hưởng rất rõ của tướng Giáp, vốn trước khi tham gia Cách mạng và trở thành tướng lĩnh là một nhà sử học”, ông Niên nói.

“Từ năm 1956, ông Thạch sang làm Tổng Lãnh sự (TLS) Ấn Độ, tôi cũng sang làm nhân viên bên đó, và tôi chứng kiến cũng như tham gia vào quá trình học tập những điều tướng Giáp ảnh hưởng đến Bí thư Thạch như thế nào”, ông Niên nói tiếp.

“Ông TLS Thạch tự tay mua sách lịch sử, chính trị, kinh tế, triết học và văn hóa về, chia ra cho mỗi anh em trong LSQ đọc và báo cáo với ông tóm tắt ý chính. Chúng tôi cũng được hướng dẫn cách nghiên cứu, cách viết đại sử ký thế nào. Tóm lại, dưới thời TLS Thạch chúng tôi đã được đào tạo thành những nhà ngoại giao chuyên nghiệp”, ông Niên hào hứng kể.

“Khi chúng tôi hỏi ông Thạch là làm sao ông biết những kiến thức này mà dạy chúng tôi, ông nói rằng trong thời gian làm bí thư cho tướng Giáp, chính tướng Giáp đã chỉ tất những điều đó cho ông và các bí thư khác”, ông Niên kết luận.

Ông Niên nói thêm rằng ông Thạch là người đặc biệt thông minh, sang Ấn Độ lúc đầu không biết một từ tiếng Anh nào, nhưng sau một thời gian có thể giao tiếp bình thường với quan chức Ấn Độ, hoặc các nhà ngoại giao các nước khác. “Tuy ngữ pháp hơi lộ cộ, nhưng ý truyền đạt rất rõ ràng, và họ hiểu hết”, ông Niên nói.

Từ 1961 đến 1962, ông Thạch, lúc đó là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao làm Quyền Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Genève về Lào (1961–1962), bởi Bộ trưởng Ung Văn Khiêm lúc đầu là Trưởng đoàn nhưng sau thời gian ngắn được rút về nước.

“Lúc đó, ông Thạch chưa biết gì về luật pháp quốc tế mà vẫn tham gia tranh luận sòng phẳng với các trưởng đoàn của các nước siêu cường, vốn là những nhà ngoại giao sừng sỏ, chứng tỏ ông ấy rất thông minh và chịu đọc trong quá trình đàm phán”, ông Niên thốt lên trong sự bái phục.

Ông Niên kể, khi các ông về nước báo cáo lại tiến trình đàm phán với các vị lãnh đạo, luật sư Trần Công Tường, tiến sĩ luật học ở Sorbonne, đi cùng đoàn với ông Thạch, đã đề nghị thưởng cho ông Thạch bằng tiến sĩ luật học, vì ông Thạch quá giỏi về luật.

Đặc biệt, cựu Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt Virginia Foote đã nói với người viết về tình bạn giữa Đại sứ Bill Sullivan và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, được hình thành từ cuộc đấu trí trên bàn đàm phán ở Geneve (1961-1962) và tiếp tục được củng cố khi hai người lại đấu trí ở cuộc đàm phán marathon tại Hội nghị Hòa bình Paris (1972-1973).

Bà Foote kể lại rằng chính tình bạn đó đã khiến ông Nguyễn Cơ Thạch, mùa Thu năm 1988, viết thư mời Đại sứ Sullivan, lúc đó là Chủ tịch Trung tâm Phát triển Quốc tế, vào Việt Nam để cùng nghĩ cách tháo gỡ tình hình bế tắc, khi Mỹ cấm vận Việt Nam đã 10 năm, kinh tế Việt Nam đã kiệt quệ với tỷ lệ lạm phát lên tới 800%.

Ông Nguyễn Dy Niên kể rằng khi ông Nguyễn Cơ Thạch đã mất (1998), ông Niên có sang Đại hội đồng Liên Hợp Quốc họp, và thấy Đại sứ Bill Sullivan, lúc đấy là Cố vấn phái đoàn Mỹ tại LHQ, len ra chỗ ông. “Ông ấy hỏi tôi về người bạn của ông ấy, hỏi ông Thạch mất vì bệnh gì, mặt ông ấy hết sức buồn”, ông Niên kể lại.

JIM1 và JIM2 – nỗ lực đầu tiên thoát khỏi sự thù địch từ Đông Nam Á

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch tại JIM1 (7/1988). Ảnh phóng viên và cameraman Đài THVN Nguyễn Văn Vinh.

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch tại JIM1 (7/1988). Ảnh phóng viên và cameraman Đài THVN Nguyễn Văn Vinh.

Lúc đó, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á có 5 nước gồm Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines và Indonesia. Trong đó, chỉ có Indonesia, vì quan hệ trong quá khứ từ thời Chủ tịch Hồ Chí Minh là còn có cảm tình với Việt Nam.

Còn với các nước còn lại, nhất là ba nước Singapore, Thái Lan và Malaysia, coi Việt Nam như nước thù địch, vì đưa quân vào Campuchia. “Trên các diễn đàn quốc tế, Singapore bảo Việt Nam là “kẻ ăn mày”, đã thế còn đi cướp nước khác”, ông Niên nhớ lại.

Ông Nguyễn Cơ Thạch, lúc đó đã là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (từ tháng 1/1980), và là Ủy viên Bộ Chính trị và Phó Thủ tướng (sau Đại hội 6, cuối năm 1986), đã quyết định “đánh” vào khâu yếu nhất trong dây chuyền ASEAN – Indonesia. Đặc biệt, Indonesia giữ lập trường khá trung lập, không bao giờ lên án Việt Nam.

Ông Thạch mời Ngoại trưởng Mochtar Kusumaatmadja (Indonesia) vào Việt Nam vào cuối tháng 7/1987. Trong buổi tiếp, Ngoại trưởng Mochtar đã yêu cầu Việt Nam rút quân khỏi Campuchia. Ông Thạch đáp lại rằng Việt Nam chỉ đến cứu một dân tộc sắp bị diệt chủng bởi Khmer Đỏ.

“Ông Thạch nói với ông Mochtar rằng cái nạn diệt chủng kinh khủng lắm, nếu các ông chứng kiến nó diễn ra thế nào, chắc chắn các ông cũng hành động như chúng tôi thôi”, ông Niên, người tham dự buổi gặp cùng ông Thạch, kể lại.

Ông Niên nói rằng sau buổi đó, ông Thạch nói với ông Niên: “Phải cho Đông Nam Á nghĩ rằng phải có Việt Nam trong Đông Nam Á thì Đông Nam Á mới ổn định được.”

Indonesia nghe ra, và chính ông Mochtar đã đề nghị mở ra “Jakarta Cocktail” (Tiệc rượu Jakarta), tạo ra cơ hội cho các phe phái chống Khmer Đỏ, nhưng bất đồng quan điểm, ở Campuchia, và các nước Đông Nam Á, cũng bất đồng quan điểm với Việt Nam, ngồi lại với nhau, và lắng nghe quan điểm của nhau.

Sau đó, là các cuộc JIM1 ((The First Jakarta Informal Meeting), tổ chức vào tháng 7/1988, tiếp ngay sau “Tiệc rượu Jakarta”, và JIM2 tổ chức vào tháng 2/1989, đã mở đầu cho các cuộc đối thoại, mà ông Nguyễn Văn Vinh, lúc đó là phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam tham dự và quay phim cả hai hội nghị đã dùng từ “đối thoại thay đối đầu, khơi thông dòng chảy hội nhập”.

Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên chỉ nói rằng “cuộc gặp JIM1 các bên thể hiện quan điểm, còn JIM2, phía Việt Nam bắt đầu rút dần quân khỏi Campuchia, thể hiện rõ quan điểm rút hoàn toàn quân đội Việt Nam khỏi Campuchia, vì vậy các nước ASEAN bắt đầu thay đổi thái độ với Việt Nam.”

Ông Niên nói rằng Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã hoàn toàn đúng khi chọn Indonesia là khâu phải hết sức tận dụng, khi quyết tâm phá vỡ sự đối đầu của các nước ASEAN.

Nghị quyết 13 nhấn mạnh việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc

TBT Đỗ Mười hội đàm với TBT-Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân ngày 6/11/1991 tại Bắc Kinh. Ảnh CAND.

TBT Đỗ Mười hội đàm với TBT-Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân ngày 6/11/1991 tại Bắc Kinh. Ảnh CAND.

Ngày 20/5/1988, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua Nghị quyết 13 về đối ngoại. Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên cho rằng soạn giả chính của nghị quyết ấy là Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. GS-TS Vũ Dương Huân, người nghiên cứu lịch sử ngoại giao số 1 Việt Nam, cũng chia sẻ điều đó.

“Rõ ràng Bộ Ngoại giao soạn ra, trình lên, và Bộ Chính trị duyệt, chứ không có một hội nghị Trung ương nào diễn ra trước đó để soạn thảo và thông qua trước”, GS-TS Vũ Dương Huân khẳng định.

“Theo tìm hiểu của tôi, có một nhóm soạn thảo, còn ông Thạch là người chỉ đạo, và sửa từng chữ trước khi trình lên Bộ Chính trị”, GS-TS Vũ Dương Huân nói.

Theo nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên, ý nghĩa của Nghị quyết 13 rất lớn, trong bối cảnh các nước XHCN Đông Âu chuẩn bị tan vỡ, Việt Nam phải tiến hành đa phương hóa, đa dạng hóa trong đối ngoại, chuẩn bị các bước để bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Mỹ.

GS- TS Vũ Dương Huân bổ sung thêm những ý cần thiết. Theo ông, đây chính là bước ngoặt trong toàn bộ chính sách đối ngoại của Việt Nam.

“Cuối tháng 12/1986, Việt Nam kết thúc Đại hội 6, chủ yếu đổi mới về kinh tế - xã hội, chưa có mới bao nhiêu về đối ngoại. Về đối ngoại chỉ có 2 câu này: phải kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, và phải giữ được hòa bình ở Đông Dương và Đông Nam Á, rất chung chung, chưa có chủ trương cụ thể, chưa có đổi mới tư duy”, GS-TS Vũ Dương Huân nói.

GS-TS Vũ Dương Huân nói thêm rằng ngày 8/7/1986, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 32. Nghị quyết 32 đã đánh giá rất trúng về tình hình thế giới, chủ trương giữ vững hòa bình ở Đông Dương và Đông Nam Á, tạo thế xây dựng, tập trung phát triển kinh tế, xây dựng Đông Nam Á thành khu vực ổn định, với nhiệm vụ cấp bách là giải quyết vấn đề Campuchia. Muốn giải quyết vấn đề Campuchia, trước hết phải giải quyết vấn đề quan hệ với Trung Quốc.

Nhưng rất tiếc rằng Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị năm 1986 đã không được thi hành. GS-TS Vũ Dương Huân tìm mãi không ra lý do.

Nghị quyết 13 đã khẳng định phải giữ vững hòa bình ổn định ở Đông Dương và Đông Nam Á, tức là phải giải quyết trọn gói vấn đề Campuchia. Muốn giải quyết vấn đề Campuchia, trước hết phải giải quyết vấn đề Trung Quốc. Và sau đó là Mỹ.

“Đây là chính sách ngoại giao mới, ưu tiên giữ vững hòa bình và tham gia phát triển kinh tế, từ đó nâng cao vị trí của Việt Nam, và mở rộng quan hệ Quốc tế”, GS-TS Vũ Dương Huân khẳng định.

Nghị quyết 13 cũng xác định Việt Nam phải “thêm bạn bớt thù, đa dạng hóa quan hệ”, cũng như chỉ ra những nhiệm vụ cụ thể cho ngành ngoại giao Việt Nam. Trong đó, quan trọng nhất là bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc.

(Còn tiếp)

Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên trả lời phỏng vấn phóng viên Tạp chí Điện tử VietTimes. Ảnh Huỳnh Phan.

Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên trả lời phỏng vấn phóng viên Tạp chí Điện tử VietTimes. Ảnh Huỳnh Phan.

Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên tiếp phóng viên VietTimes vào một ngày giữa tháng 5/2021. Được biết phóng viên là con của cố Nhà giáo Hoàng Túy, một người có uy tín trong sự nghiệp đào tạo cán bộ ngoại giao, ông đã nhận lời. Cuối buổi phỏng vấn, ông nói với phóng viên: “Chú nhận lời vì cháu là con của bố Hoàng Túy.”

Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên là người đã theo cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch từ năm 1954, và được theo ông trong hầu hết các sự kiện ông Thạch tham gia, với tư cách học trò và người giúp việc, đến tận khi Bộ trưởng Thạch về hưu (sau Đại hội 7 của Đảng Cộng sản năm 1991).

“Chỉ có mỗi thời gian tôi sang làm Đại biện Lâm thời tại Úc (1973-1976) là xa anh Thạch thôi, nhưng cũng giúp anh ấy mời được GS Carl Thayer vào Việt Nam sau này”, ông Nguyễn Dy Niên nói.

Trong phần cuối của loạt bài về cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên sẽ giải thích vì sao ông Thạch làm đơn xin không tham gia ứng cử lãnh đạo trong Đại hội 7, cùng với các lý giải khác của những người mà phóng viên Viettimes có may mắn phỏng vấn được.