Học sinh nghỉ hết tháng 3 chống COVID-19: Cần có tầm nhìn xa

VietTimes – Tranh luận trái chiều gay gắt đã nổ ra quanh đề xuất của UBND TP.HCM xin cho học sinh, sinh viên nghỉ hết tháng 3 để chống COVID-19. “Cần có tầm nhìn xa, không thể cứ nghỉ từng tuần một” – Sở GD&ĐT TP.HCM khẳng định.
Học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Ảnh: Hòa Bình)
Học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Ảnh: Hòa Bình)

Tranh luận gay gắt vì nghỉ học dài ngày 

Ngày hôm qua 20/2, UBND TP.HCM vừa có văn bản chính thức gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội; đề nghị cho học sinh, sinh viên được nghỉ học đến hết tháng 3/2020 để phòng chống COVID-19 hiệu quả nhất có thể. Nếu học sinh, sinh viên đi học trở lại ngày 1/4 thì theo đó, thời gian kết thúc năm học cần được điều chỉnh, và kỳ thi THPT quốc gia cũng phải lùi lại đến cuối tháng 7.

Một số cuộc khảo sát online trên nhiều phương tiện truyền thông đã được tiến hành và nhanh chóng thu lại lượng bình chọn khổng lồ. Khoảng 30% ý kiến độc giả của các cuộc bình chọn phản đối gay gắt việc tiếp tục cho học sinh nghỉ học với nhiều lý do. Có người e ngại học sinh quên hết kiến thức của học kỳ một, có người kêu không biết gửi con ở đâu khi đi làm, có người thì cho biết sắp mất việc làm vì không thể nghỉ quá dài để trông con.

Nhưng có tới 70% ý kiến đồng thuận với đề xuất xin cho học sinh, sinh viên được nghỉ hết tháng 3, bởi vì trước những diễn biến phức tạp, khó lường như hiện tại của dịch bệnh COVID-19 thì sức khỏe của trẻ cũng như sự an toàn của cả cộng đồng là điều quan trọng nhất.

Phụ huynh bày tỏ tinh thần trách nhiệm với việc học của con trong thời gian nghỉ dài chống dịch COVID-19
Tiếp xúc trực tiếp là đặc thù của học sinh, nếu hạn chế toàn bộ hoạt động tập thể, học sinh đi học chỉ ngồi yên trong lớp, đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với bạn học?
Tiếp xúc trực tiếp là đặc thù của học sinh, làm sao có thể hạn chế toàn bộ hoạt động tập thể, học sinh đi học chỉ ngồi yên trong lớp, đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với bạn học? (Ảnh: Hòa Bình)

UBND TP.HCM nhận định mặc dù thời gian qua chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh, tính đến hôm nay, sau khi bệnh nhân Tạ Kiến H Việt kiều Mỹ 73 tuổi đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus Corona lần thứ 5, được xuất viện, rời khỏi BV Nhiệt đới chiều hôm nay 21/2, Việt Nam đã chữa khỏi 100% cho tổng số 16 ca nhiễm bệnh tại tất cả các địa phương trên toàn quốc.

Trên mọi khu vực ở cả nước, thời tiết cũng đã ấm dần lên. Tuy nhiên, với những diễn biến còn khá phức tạp của tâm dịch Trung Quốc, cũng như tốc độ lây lan vẫn đang tăng lên, hiện nay số quốc gia và vùng lãnh thổ bị lây nhiễm đã là 32; đặc biệt, số ca nhiễm có xu hướng tăng nhanh ở nhiều nước và vùng lãnh thổ khác ngoài Trung Quốc như Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong, Nhật Bản… UBND TP.HCM nhận định không thể chủ quan.

Cần có tầm nhìn, có kế hoạch

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết chỉ riêng chiếc tàu Diamon Princess ngày hôm nay đã phát hiện số ca lây nhiễm đã lên tới 634, Hàn Quốc 156, Nhật Bản 97, Singapore 85, Hong Kong 68…

Theo thống kê, tính đến sáng nay, Hàn Quốc đã xác nhận thêm 52 người nhiễm mới, có kết quả dương tính với virus Corona, nâng tổng số người nhiễm ở nước này lên tới 156 người. Thị trưởng Seoul hôm nay ngày 21/2 vừa ra chỉ thị cấm tổ chức các cuộc tụ hội trước quảng trường trung tâm. Trường hợp số bệnh nhân nhiễm tăng quá nhanh ở Hàn Quốc mấy ngày qua, từ vài chục người bỗng chốc đã tăng lên đến con số 156 hiện tại, được các chuyên gia đánh giá nguyên nhân chính là do các hoạt động có đông người tham gia.

Học sinh nghỉ hết tháng 3 chống COVID-19: Cần có tầm nhìn xa ảnh 2

Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM, ông Nguyễn Thành Trung (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trả lời VietTimes, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM, ông Nguyễn Thành Trung phân tích: “Từ số liệu và diễn biến của dịch bệnh ở Trung Quốc và các nước xung quanh, có thể khẳng định rằng không thể chủ quan trong lúc này. Chỉ cần một trẻ bị nhiễm virus Corona thì tốc độ lây lan sẽ là chóng mặt, bởi mỗi lớp học đã là mấy chục học sinh, đi theo đó là vài chục gia đình, nghĩa là hàng trăm con người.

Trong khi đó, chỉ riêng TP.HCM có hơn 2 triệu học sinh, sinh viên. Tính trên cả nước, sẽ có tổng số hơn 22 triệu học sinh, sinh viên.

Hơn nữa, với đặc thù của dạy và học là tiếp xúc trực tiếp, hoạt động cạnh nhau với thời gian rất dài, nhiều hoạt động tập thể, các trẻ em lại chưa đủ ý thức để có thể yêu cầu các em tuyệt đối tuân thủ những nguyên tắc sát khuẩn chặt chẽ. Vả lại, cho dù có tập huấn cho các em thực hiện được hết các bước cần thiết thì chi phí xã hội cho toàn bộ vật tư y tế là quá lớn, rất lãng phí. Nhiều trường trên cả nước sẽ không đáp ứng được về cơ sở vật chất cho khoản chi phí này. Với tất cả các lý do đó, chúng tôi cho rằng phải hết sức thận trọng, không thể chủ quan”.

Ảnh hưởng nặng nề của COVID-19 lên rất nhiều ngành kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục không chỉ của Trung Quốc mà còn của nhiều nước khác thì đã nhìn thấy rõ. Các chuyên gia đều nhận định thế giới sẽ rất khó hồi phục sau ca bệnh nghiêm trọng mang tên COVID-19. Tuy nhiên, vẫn không thể vội vàng, vì bất cứ lý do gì khác cũng không quan trọng bằng tính mạng con người.

“Rất nên có chủ trương sớm, có kế hoạch cụ thể thì giáo viên và nhà trường không bị động trong lộ trình đưa kiến thức tới cho học sinh phù hợp nhất có thể. Phía các gia đình cũng sẽ chủ động hơn để sắp xếp kế hoạch công việc cũng như chăm sóc con cái cho hợp lý. Cứ ngồi đợi lịch nghỉ theo từng tuần một, nghĩa là cả xã hội cùng bị động, và chắc chắn sẽ phát sinh nhiều thiệt hại hơn nữa chứ không chỉ là đình trệ một số công việc” – ông Nguyễn Thành Trung nói thêm.

Được biết, chiều nay 21/2, Bộ GD&ĐT sẽ nêu quan điểm chính thức sau cuộc họp với lãnh đạo Chính phủ và các ban, ngành liên quan.

Học sinh Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong tham gia hoạt động tập thể hồi chưa có dịch bệnh (Ảnh: Hòa Bình)
Học sinh Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong tham gia hoạt động tập thể hồi chưa có dịch bệnh (Ảnh: Hòa Bình)