Hoàng Anh Gia Lai “khát vốn” nuôi bò

Trong chiến lược kinh doanh, lãnh đạo công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (mã: HAG) xác định trọng điểm đầu tư là vào các dự án nuôi bò sữa. Khi liên tục mở rộng quy mô đầu tư, khối nợ của Hoàng Anh Gia Lai cũng tăng mạnh đạt 30.722 tỷ đồng (tương đương 46%).
Hoàng Anh Gia Lai dành tới 3.723 tỷ đồng tiền đi vay để "đảo nợ" trong 9 tháng qua
Hoàng Anh Gia Lai dành tới 3.723 tỷ đồng tiền đi vay để "đảo nợ" trong 9 tháng qua

Chia sẻ với cổ đông, ông Đoàn Nguyên Đức- Chủ tịch HĐQT – từng thổ lộ rằng muốn chia cổ tức “chút xíu” chừng 10% bằng tiền mặt. Thế nhưng, do việc phát sinh đầu tư vốn lớn để nuôi đàn bò, cần khoảng 7.000-8.000 tỷ đồng, nên HĐQT đã phải cân nhắc lại. Sự thật là những khoản đầu tư chưa đem lại hiệu quả như kỳ vọng, cùng chi phí vay vốn, lãi trái phiếu… đã và đang “bào mòn” lợi nhuận của Hoàng Anh Gia Lai.

Khối nợ 1,4 tỷ USD?

Báo cáo tài chính quý III/2015 vừa công bố đã hé lộ tình hình tài chính có nhiều điểm đáng chú ý của Hoàng Anh Gia Lai. Cụ thể, tại thời điểm 30/9/2015, công ty có tổng nguồn vốn lên tới 47.603 tỷ đồng, tăng 32% so với hồi đầu năm. Tổng nợ phải trả lên tới 30.722 tỷ đồng, tăng tới 46% so với đầu năm (chỉ có 20.929 tỷ đồng), gồm 17.646 tỷ đồng nợ dài hạn và 13.076 tỷ đồng nợ ngắn hạn.

Khối nợ phải trả của Hoàng Anh Gia Lai hiện cao gấp hai lần vốn sở hữu của công ty, và gấp hơn 3,89 lần vốn điều lệ. Tài sản của doanh nghiệp chủ yếu hình thành từ nguồn vốn đi vay rất “khủng”, lên tới gần 25.450 tỷ đồng.

Theo thuyết minh chi tiết báo cáo, công ty hiện có tổng nợ trái phiếu lên tới 14.096 tỷ đồng, bao gồm: 1.100 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi, 1.130 tỷ đồng trái phiếu hoán đổi, 9.016 tỷ đồng trái phiếu dài hạn (đầu năm chỉ có 5.537 tỷ đồng trái phiếu dài hạn), 2.850 tỷ đồng nợ trái phiếu dài hạn đến hạn trả.

Hoàng Anh Gia Lai còn có khối nợ vay rất lớn tại các ngân hàng, gồm: 2.960 tỷ đồng vay ngắn hạn, 7.777 tỷ đồng nợ dài hạn…

Do vay nợ quá lớn, nên trong quý III/2015, chi phí lãi vay ngân hàng và trái phiếu tăng gấp đôi, lên mức 290 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng qua, chi phí vay nợ gần 750 tỷ đồng, tăng tới 88,4% so với cùng kỳ năm trước (khoảng 399 tỷ đồng). Ngoài ra, Hoàng Anh Gia Lai còn chịu lỗ chênh lệch tỷ giá ngoại tệ tới 78,5 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 24 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

Những hoạt động vay nợ gia tăng nhanh đã có ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai. Cụ thể, doanh thu hợp nhất luỹ kế 9 tháng đạt 5.203 tỷ đồng, nhưng chi phí tăng kéo giảm lợi nhuận trước thuế xuống còn 1.512 tỷ đồng, lãi sau thuế còn 1.342 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2014.

Lãi cơ bản trên cổ phiếu cũng giảm mạnh từ mức 1.925 đồng/CP cùng kỳ năm trước, xuống còn 1.447 tỷ đồng cuối quý III năm nay. Trên thị trường, giá cổ phiếu HAG hiện giao dịch quanh mức 13.200 đồng/cổ phiếu (phiên ngày 25/11).

8.000 tỷ đồng để nuôi bò

Trong 9 tháng đầu năm nay, Hoàng Anh Gia Lai tập trung đầu tư nuôi bò nên doanh thu bán bò đạt 2.145 tỷ đồng, chiếm 41,2% tổng doanh thu. Nhờ chú trọng đầu tư vào hoạt động chăn nuôi bò nên hàng tồn kho giảm nhanh, xuống 3.448 tỷ đồng.

Với chiến lược đẩy mạnh nuôi bò, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức cho biết ông sẽ đầu tư khoảng 6.300 tỷ đồng vào các dự án nuôi bò. Tổng số lượng đàn bò thịt và bò sữa là 236.000 con. Đến thời điểm này, đàn bò của bầu Đức đã phát triển tới 43.500 con. Dự kiến công ty sẽ có doanh thu 2.575 tỷ đồng từ mảng bò thịt, đóng góp lợi nhuận lớn nhất.

Song, đến ĐHCĐ thường niên vừa qua, Bầu Đức đã bày tỏ tham vọng lớn hơn khi tăng vốn đầu tư vào đàn bò lên tới 7.000-8.000 tỷ đồng. Việc đầu tư phát sinh này khiến cho Bầu Đức phải cáo lỗi với cổ đông vì ông muốn chia cổ “chút xíu” 10% bằng tiền mặt, nhưng đành phải gác lại, dồn vốn nuôi bò.

Trong khi đó, doanh thu từ các mảng kinh doanh chính khác có sự sụt giảm đáng kể. Đơn cử: doanh thu mía đường đạt 717 tỷ đồng (giảm 26% so với cùng kỳ năm trước), doanh thu bán căn hộ giảm đạt 150 tỷ đồng, doanh thu bán mủ cao su đạt 135 tỷ đồng… Riêng doanh thu hợp đồng xây dựng tăng mạnh lên 882 tỷ đồng, doanh thu bán bắp tăng lên 305 tỷ đồng.

Theo giải thích của ông Võ Trường Sơn, Tổng giám đốc công ty, mảng kinh doanh đường đang chịu ảnh hưởng từ giá giảm thấp, không bị lỗ nhưng sẽ giảm lãi. Dự kiến, năm nay công ty sẽ chính thức nhập 50.000 tấn đường về Việt Nam, thặng dư mang lại khoảng 70-80 tỷ đồng.

Hiện, Hoàng Anh Gia Lai vẫn tiếp có nguồn thu rất lớn từ hoạt động tài chính. Tuy nhiên, năm nay doanh thu tài chính đã sụt giảm mạnh, chỉ đạt gần 314 tỷ đồng trong quý III và luỹ kế 9 tháng quả đạt 844 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước là 1.284 tỷ đồng).

Tham vọng đầu tư lớn vào nông nghiệp, nhất là nuôi bò, Hoàng Anh Gia Lai đã và đang cần huy động nguồn vốn rất lớn. Thế nhưng, công ty đang đối mặt với áp lực trả nợ khá căng thẳng.

Trong 9 tháng qua, công ty vay được hơn 10.864 tỷ đồng nhưng lại dành tới 3.732 tỷ đồng (34,3% vốn) để trả nợ gốc vay. Và khi dồn vốn đầu tư đàn bò thì khối nợ vay của công ty sẽ còn tiếp tục “phình” to hơn nữa.

Theo TBKD