Hoàn cảnh đáng thương của các ngư dân Việt Nam bị hải quân Thái Lan bắn và bắt giữ

Ngư dân Tô Hồng Ngọc, người được coi là mất tích trong vụ tàu cá của ngư dân tỉnh Bến Tre bị tàu hải quân Thái Lan đâm va, làm 1 tàu bị chìm, 1 tàu bị phá nước xảy ra ngày 7.7 vừa qua đã về đến Cà Mau.
Những chiếc tàu đóng mới trị giá 4 - 5 tỷ đồng, nếu xâm phạm lãnh hải bị Thái Lan bắt giữ thì mất trắng
Những chiếc tàu đóng mới trị giá 4 - 5 tỷ đồng, nếu xâm phạm lãnh hải bị Thái Lan bắt giữ thì mất trắng

Ngày 14.7, theo thượng úy Lê Hoài Sang, Trợ lý Tác chiến Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bến Tre, anh Tô Hồng Ngọc là con ông Tô Hữu Định- chủ tàu quê ở xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Sau khi tát nước con tàu bị phá nước và lái tàu về thị trấn Sông Đốc (Cà Mau), anh Ngọc đã gọi điện cho cha là ông Định và ông Định đã vào Cà Mau gặp con…

Còn ông Phạm Văn Nghĩa, ngụ xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, chủ cặp tàu cào đôi biển số BT-93133 và BT-93023, cũng đã làm việc với các cơ quan chức năng tại địa phương. Ông Nghĩa xác nhận qua thông tin liên lạc trực tiếp với đại diện nhóm ngư dân gặp nạn, ông được biết tài công Nguyễn Văn Quèo (28 tuổi) và thợ máy (tài cải) Nguyễn Văn Linh (25 tuổi) cùng ngụ xã An Hòa Tây (Ba Tri) đã bị bắn trọng thương. Cả nhóm ngư dân đang bị phía Thái Lan tạm giữ, chờ ngày xét xử về hành vi xâm phạm lãnh hải và đánh bắt cá trái phép.

Như các phương tiện truyền thông trong nước đưa tin ban đầu, dẫn nguồn từ Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, cho biết vào lúc 14 giờ ngày 8.7, Hải quân Thái Lan đã nổ súng vào 3 tàu cá Việt Nam đang đánh bắt trên vùng biển Thái Lan, làm chìm 1 tàu. Trên 3 tàu này có 18 ngư dân (1 ngư dân bị mất tích (hiện đã về Cà Mau), 17 ngư dân còn lại đều Hải quân Thái Lan bắt giữ).

Và ông Nguyễn Ngọc Hải, Bí thứ thứ nhất, phụ trách bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam, cho rằng hành động bắn vào tàu cá nước ngoài vi phạm lãnh hải là trái với pháp luật và thông lệ quốc tế!

Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng của nước này, để xác minh thông tin và có các biện pháp bảo hộ cần thiết đối với các ngư dân đang bị tạm giam...

Về phía chủ 2 tàu cá gặp nạn là ông Nghĩa, cho biết các ngư dân kể: sau khi bị hải quân Thái Lan phát hiện rượt đuổi, 1 tàu của ông đã bị bắn gãy bô, cháy bình dầu. Hải quân Thái Lan đã dùng bình chữa lửa chữa cháy và sau đó lùa tất cả các ngư dân trên tàu bị nạn lên tàu hải quân. Một tàu khác của ông Nghĩa bị lực lượng hải quân Thái Lan bắn trúng vào 2 ngư dân. Ngư dân Linh bị 2 vết thương nặng ở vùng bả vai. Riêng anh Quèo bị 1 vết thương xuyên thấu ở vùng đùi.

Phụ nữ, trẻ con ở xóm ngư dân An Hòa Tây đau đáu mong đợi tin chồng, cha sớm thoát khỏi cảnh giam giữ. 

PV đã về xã An Hòa Tây tìm gặp người thân của 2 ngư dân Nguyễn Văn Quèo và Nguyễn Văn Linh, mới biết gia cảnh của 2 ngư dân này quá khó khăn. Quèo và Linh là anh em ruột, căn nhà của họ chật hẹp, nằm kề cận bên nhau. Chị Phạm Thị Uyên (SN 1984), vợ của tài công Quèo, 1 nách 2 con nhỏ (đứa 6 tuổi, đứa 2 tuổi rưỡi). Còn chị Nguyễn Thị Duyên (SN 1992) vợ của anh Linh chỉ mới có đứa có đầu lòng 9 tháng tuổi…

Trước thông tin 2 anh em cùng bị nạn, những ngày qua, nhiều người phụ nữ trẻ là bà con trong gia đình cùng quây quần bên nhau chờ nghe từng cuộc điện thoại ngắt quãng được chuyển tiếp từ người quen (cò) bên Thái Lan. Họ nối máy để các anh chồng trò chuyện đôi câu, chủ yếu là động viên an ủi vợ con.

Chị Duyên kể: “Qua điện thoại, anh Linh than vết thương bị bắn trên vai mấy ngày qua đau nhức dữ lắm. Họ chỉ băng bó chứ không cho thuốc men gì hết”. Và bước đầu, 2 người vợ cũng đã tìm được mối quen gửi sang cho anh được mỗi người 2-2,5 triệu đồng, quy đổi ra tiền Thái để các anh chi xài đỡ trong những ngày bị giam giữ trên đất khách.

2 người vợ của ngư dân Quèo và ngư dân Linh

Bình quân mỗi chuyến đi đánh bắt dài ngày ít nhất 3 tháng, 2 ngư dân có tay nghề như Quèo và Linh chỉ có được vài ba chục triệu đồng. Trung bình 1 năm được khoảng 4 chuyến đi biển như vậy, họ chỉ có khoản thu nhập trên dưới 100 triệu đồng. Tính ra hơn 8 triệu đồng/tháng cũng là cao so với mặt bằng thu nhập chung ở vùng quê nghèo này, nhưng họ phải vật lộn với sóng dữ, bão tố và những nguy hiểm có thể mất mạng như sự cố lần này.

Và số tiền trên, nếu may mắn không đau ốm bệnh tật, các đôi vợ chồng trẻ chỉ vừa đủ chi tiêu cho cuộc sống gia đình trong năm. Gặp rủi ro như lần này, chỉ có nước đi vay nợ nóng để “mua” một sự trở về bình yên, tiếp tục ra biển vật lộn với sóng gió, hiểm nguy mà cày cục tiếp.

Uyên và Duyên cùng nói trong nỗi đau uất nghẹn: Không biết đến chừng nào chồng mới được thả về nhà với vợ con? Nghe người ta nói muốn tự do về nước sớm, không ở tù thì phải có tiền chuộc mà gia cảnh như vầy lấy đâu ra tiền chục triệu, trăm triệu để lo cho chồng?

Điều khiến mọi người nao lòng đó là từ khi tài công Quèo và thợ máy Linh của chiếc tàu BT - 93133 bị bắn gây thương tích nặng đến nay, ông Nghĩa chủ tàu chưa một lần đến chia sẻ động viên người thân của họ. PV cũng đã tìm đến tận nhà của ông Nghĩa. Mặc dù người thân của ông vô tình tiết lộ ông đang có mặt ở nhà, song ông lại nhờ người khác ra báo là từ chối tiếp xúc với lý do… đã đi ra ngoài có việc.

Theo Một thế giới