Hoả tốc: Việt Nam dừng khai báo y tế về COVID-19 tại tất cả các cửa khẩu từ 0h ngày 27/4/2022

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bộ Y tế vừa có công văn hoả tốc về việc tạm dừng áp dụng khai báo y tế về COVID-19 đối với người nhập cảnh tại tất cả các cửa khẩu của Việt Nam, kể từ 0h ngày 27/4/2022.
Khai báo y tế tại chốt kiểm dịch Hải Phòng (Ảnh: Hoà Bình)
Khai báo y tế tại chốt kiểm dịch Hải Phòng (Ảnh: Hoà Bình)

Dừng khai báo y tế về COVID-19 tại tất cả các cửa khẩu

Chỉ một ngày sau khi Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin sẽ bỏ khai báo y tế nội địa về COVID-19, sáng nay, 27/4, Bộ Y tế cho biết đã có công văn hoả tốc về vấn đề này.

Theo Bộ Y tế, hiện nay, dịch COVID-19 đã ghi nhận tại hầu hết các nước trên thế giới, bệnh đã có vắc xin phòng đặc hiệu và có hiệu quả với các chủng virus SARS- CoV-2 hiện đang lưu hành; thời gian gần đây, dịch đã có xu hướng giảm cả số mắc và tử vong trên phạm vi toàn cầu. Tại Việt Nam, dịch COVID-19 đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc với tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng COVID-19 cao.

Các tỉnh, thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Kon Tum, Khánh hòa, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Tây Ninh, Bình Thuận, Thừa Thiên Huế, Điện Biên, Tiền Giang, Quảng Bình, Quảng Nam, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bình Định, Thanh Hóa, Long An, Đắc Nông, Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng tàu, Phú Yên, Kiên Giang, Lai Châu, Nghệ An, Đồng Tháp, Nam Định, Bình Phước, Sơn La, Cà Mau, Cao Bằng, Hà Giang, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Gia Lai, Đắc Lắc, Bình Dương, Trà Vinh, Vĩnh Long.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, căn cứ tình hình dịch COVID-19 và Nghị định số 89/2018/NĐ-CP ngày 25/6/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan tạm dừng việc áp dụng khai báo y tế với COVID-19 tại tất cả các cửa khẩu của Việt Nam đối với người nhập cảnh kể từ 0h ngày 27/4/2022. Tuy nhiên, vẫn duy trì giám sát hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu theo quy định tại Nghị định số 89/2018/NĐ-CP ngày 25/6/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới.

Bộ Y tế cũng chỉ đạo các địa phương chủ động cập nhật các tài liệu truyền thông, khuyến cáo phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình hiện nay và chủ động đưa tin kịp thời.

Công văn hoả tốc của Bộ Y tế về việc dừng khai báo y tế với COVID-19

Công văn hoả tốc của Bộ Y tế về việc dừng khai báo y tế với COVID-19

Bộ Y tế cũng cho biết sẽ tiếp tục cập nhật, cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước để có các biện pháp phòng chống dịch phù hợp.

Ứng dụng PC-Covid đã hoàn thành "sứ mệnh lịch sử"

Hôm qua, tại hội nghị trực tuyến quán triệt việc "làm sạch" dữ liệu tiêm chủng COVID-19 và hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ của Tổ công tác triển khai Đề án 06, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Việt Nam không khai báo y tế nữa vì không còn áp dụng truy vết dịch tễ và cuộc sống đang trở lại bình thường. Trường hợp nhập cảnh chỉ khai báo theo đúng điều lệ y tế quốc tế, trong đó, chỉ yêu cầu thông tin cơ bản để phục vụ cho nhiều mục đích khác.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng khẳng định ứng dụng PC-Covid (khai báo y tế) đến nay đã gần hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị Bộ TT&TT sớm báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để chấm dứt sử dụng ứng dụng này và chuyển đổi các dữ liệu thông tin về chung một nền tảng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam không còn áp dụng truy vết dịch tễ và đang trở lại cuộc sống bình thường

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam không còn áp dụng truy vết dịch tễ và đang trở lại cuộc sống bình thường

Trước đó, ngày 15/4, Bộ Y tế đã ban hành văn bản về việc điều chỉnh định nghĩa ca bệnh COVID-19 và biện pháp y tế đối với ca bệnh COVID-19 và người tiếp xúc gần (F1).

Theo hướng dẫn, các trường hợp F1 không còn phải cách ly nhưng phải bảo đảm biện pháp phòng tránh lây nhiễm: Đeo khẩu trang; thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch/dung dịch sát khuẩn tay nhanh; hạn chế tiếp xúc gần với người khác, nhất là tránh tiếp xúc người có nguy cơ cao, người mắc bệnh nặng; không dùng chung vật dụng trong sinh hoạt, làm việc, học tập; hạn chế đến những nơi tập trung đông người… Các trường hợp F0 vẫn phải thực hiện cách ly.