Hoa Lâm – Shangri-la lên tiếng về dự án Khu Y tế Kỹ thuật cao

VietTimes -- Sáng 13/9, tại buổi Giao ban báo chí TP. Hồ Chí Minh định kỳ (từ 6/9/2019 đến 13/9/2019), lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin Truyền thông và Hội Nhà báo Thành phố cùng đại diện Ban Biên tập các cơ quan báo chí của Thành phố đã lắng nghe ý kiến, kiến nghị của Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm – Shangri-la (gọi tắt là Công ty HLSL) về việc một số cơ quan báo chí đăng bài về công ty.
Khu y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm – Shangri-la. (Ảnh: Internet)
Khu y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm – Shangri-la. (Ảnh: Internet)

HLSL cho rằng các thông tin trong các bài viết đó là sai sự thật, làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu Công ty HLSL và cá nhân nhà đầu tư.

Cụ thể, Công ty HLSL (70% vốn Singapore) là chủ đầu tư dự án Khu y tế kỹ thuật cao tại số 532A Kinh Dương Vương, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân theo Giấy Chứng nhận Đầu tư số 411022000279 do Ủy ban Nhân dân TP.HCM cấp lần đầu ngày 10/7/2008.

Theo chính sách xã hội hóa quy định tại Nghị định 69/2008/NĐ – CP thì công ty HLSL được miễn tiền thuê đất. Tuy nhiên, công ty HLSL có văn bản số 51 ngày 22/01/2009 từ chối quyền miễn nộp và xin đóng tiền thuê đất một lần cho toàn bộ thời gian thuê (69 năm) cho 196.800 m2, trong đó có 6 bệnh viện với quy mô 1.750 giường bệnh.

Ngày 07/8/2015, Bộ Tài chính có văn bản trả lời rằng nếu Công ty HLSL đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê thì được bán căn hộ theo pháp luật về nhà ở.

Tuy nhiên, do nhu cầu của dự án, công ty này đã đề nghị điều chỉnh cụm từ “phục vụ…” thành “ưu tiên bán cho bác sỹ, y tá, điều dưỡng, cán bộ, công nhân viên làm việc tại Khu Y tế kỹ thuật cao” và được Ủy ban nhân dân Tp. Hồ Chí Minh kính trình Thủ tướng Chính phủ theo Công văn số 5594/UBND-DA ngày 08/9/2017 và Văn phòng Chính phủ có văn bản số 10028/VPCP – KGVX ngày 21/9/2017 xác định là thẩm quyền của Ủy ban nhân dân Tp. Hồ Chí Minh.

“Theo phản ánh của Công ty HLSL thì một số báo, trang tin điện tử đã đưa thông tin không khách quan, không tiếp xúc công ty để đối chiếu, xác thực nên thông tin. Bên cạnh đó, có tờ báo còn dẫn dắt dư luận với tính chất quy chụp, bôi nhọ chính quyền địa phương và nhà đầu tư. Đại diện Công ty HLSL cho rằng, các bài báo sử dụng nhiều từ ngữ gây hoang mang, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của công ty”, Trung tâm Báo chí Tp. HCM thông tin.

Cũng theo trung tâm này, trước đó Công ty HLSL đã có văn bản gửi Ban Tuyên giáo Trung ương phản ánh tình trạng nêu trên. Liên quan vấn đề này, Vụ Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương trong văn bản chỉ đạo Công tác Báo chí tuần vừa qua cũng có đề cập.

Vụ này cho biết, thời gian qua, số lượng đơn thư khiếu nại về thông tin trên báo chí có chiều hướng gia tăng, có hiện tượng nhiều cơ quan báo chí phản ánh cùng một vấn đề, thiếu khách quan, thiếu kiểm chứng, có dấu hiệu “đánh hội đồng”, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của đơn vị, doanh nghiệp.

“Vụ Báo chí – Xuất bản đề nghị các cơ quan báo chí nghiêm túc xem xét, quản lý tốt nội dung và phóng viên, biên tập viên, cán bộ hợp đồng; tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động và uy tín của các tổ chức, đơn vị”, trích thông cáo của Trung tâm Báo chí Tp. HCM./.