Hồ sơ Paradise: Trùng lặp tên nhiều sếp quản lý quỹ tại Việt Nam

VietTimes -- Hồ sơ Paradise được các nhà báo điều tra quốc tế công bố mới đây cho thấy bức tranh sinh động về hoạt động tại các "thiên đường thuế" của giới nhà giàu và các tập đoàn đa quốc gia. Việc xuất hiện một số tên cá nhân, tổ chức tại Việt Nam có liên quan trong hồ sơ cũng cần phải được làm sáng tỏ. 
Nguồn: ICIJ
Nguồn: ICIJ

Theo tờ The Guardian, hồ sơ “Thiên đường” hay hồ sơ Paradise (Paradise Papers) vừa được công bố ngày 5/11/2017, là thành quả từ dự án nghiên cứu của 96 tổ chức truyền thông, 381 nhà báo đến từ 67 quốc gia thông qua Liên hiệp nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ). Trong đó, tiết lộ thêm nhiều cái tên trong giới chính trị gia, hoàng gia, các ngôi sao giải trí và cả các tập đoàn như Apple, Nike và Facebook.  

Hồ sơ Paradise bao gồm 13,4 triệu tài liệu, phần lớn trong số đó (6,8 triệu) tài liệu là có liên quan đến một công ty luật và cung cấp dịch vụ có hoạt động lâu năm tại 10 thiên đường thuế dưới tên gọi Appleby. Năm ngoái, công ty này đã được mua lại và đổi tên thành Estera.

Hồ sơ Paradise: Trùng lặp tên nhiều sếp quản lý quỹ tại Việt Nam ảnh 1Hồ sơ Paradise là dữ liệu lớn thứ 2 chỉ sau hồ sơ Panama (Nguồn: The Guardian)

Đây là tài liệu lớn thứ 2 được các nhà báo điều tra quốc tế công bố, chỉ sau hồ sơ Panama năm 2016. Hồ sơ đã phần nào làm sáng tỏ các phương thức được các cá nhân giàu có, tổ chức đa quốc gia sử dụng nhằm mục đích "tránh thuế" và che giấu tài sản một cách kín đáo.

Ngoài ra, hồ sơ còn tiết lộ chi tiết 19 cơ quan được cấp phép đăng ký kinh doanh được duy trì bí mật mà chính phủ các nước khó với tới, như: Antigua và Barbuda, Aruba, Bahamas, Barbados, Bermuda, Quần đảo Cayman (the Cayman Islands), Quần đảo Cook (the Cook Islands), Dominica, Grenada, Labuan, Li Băng, Malta, Quần đảo Marshall (the Marshall Islands), St Kitts và Nevis, St Lucia, St Vincent, Samoa, Trinidad và Tobago, và Vanuatu.

Sự trùng lặp với danh tính các sếp quản lý quỹ đầu tư tại Việt Nam

Ngày 23/11, theo kết quả tìm kiếm qua bộ lọc các quốc gia, Việt Nam hiển thị 32 thực thể "Offshore" (Offshore Entities), 214 cá nhân (Officers), 23 tổ chức trung gian (Intermediaries) và 205 địa chỉ (Addresses). Trong đó, nguồn dữ liệu trích từ hồ sơ Paradise cho thấy có 13 thực thể, 25 cá nhân và 20 địa chỉ, có liên quan đến Việt Nam.

Trong số các các kết quả, xuất hiện một số cái tên trùng với các nhà quản lý quỹ lớn của Việt Nam tại Dragon Capital và Vina Capital.

Cụ thể, trong hồ sơ Paradise xuất hiện tên “Scriven - Dominic Timothy Charles” trùng với tên Chủ tịch của quỹ Dragon Capital. Nhân vật này được cho là đã làm Giám đốc của quỹ Vietnam Growth Fund Ltd từ ngày 6/7/2004 và Giám đốc của quỹ Vietnam Property Fund Ltd từ ngày 17/10/2007 đến 30/01/2008, địa chỉ tại số “153/6, Nguyen Van Huong, Thao Dien Ward, District 2, Ho Chi Minh City, Vietnam”.

Hồ sơ Paradise: Trùng lặp tên nhiều sếp quản lý quỹ tại Việt Nam ảnh 2Ảnh chụp hồ sơ nhân vật có tên "Scriven - Dominic Timothy Charles" (Nguồn: ICIJ)

Xếp ngay bên dưới kết quả tra cứu là nhân vật tên “John Shrimpton”, trùng với tên người đồng sáng lập Tập đoàn Dragon Capital vào năm 1994 (theo Bloomberg). Nhân vật này cũng được cho là làm Giám đốc tại quỹ “Vietnam Growth Fund Ltd” từ 06/07/2004 – 26/03/2010 và quỹ “Vietnam Property Fund Ltd” từ 14/11/2007 – 26/03/2010, khá trùng hợp với thông tin trên trang tin Bloomberg cung cấp. 

Bên cạnh đó, trong hồ sơ còn có nhân vật tên là “Lam-Don Di” trùng với tên lãnh đạo của quỹ VinaCapital, hiện đang được cho là làm Giám đốc của "Lotus Impact Management Ltd" từ ngày 22/01/2014, có địa chỉ tại “45A Nguyen Van Mai, Phuong 8, Quan 3, TP.HCM, Vietnam”.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, các tài liệu trong hồ sơ Paradise bao gồm tên của 120.000 cá  nhân và tổ chức, là khách hàng của công ty Appleby trong khoảng thời gian từ năm 1993 – 2014. Không phải tất cả khách hàng này đều được kết nối với các công ty "Offshore" và cũng sẽ là "bất khả thi" để kiểm tra khách hàng chỉ liên lạc hay đã sử dụng các dịch vụ của Appleby qua nhiều năm.
Theo tìm hiểu của PV, dạng công ty "Offshore company" được thành lập không phải nhằm mục đích kinh doanh trực tiếp mà để thực hiện các mục đích đầu tư vào một công ty ở nước khác. Do đó, có thể thấy mô hình công ty này được dùng nhiều trong việc mô tả hoạt động của các tổ chức có liên quan đến tài chính, tập đoàn đa quốc và các loại hình quỹ đầu tư có phạm vi xuyên quốc gia. Nếu thành lập ở "thiên đường thuế", công ty Offshore sẽ dễ dàng trở thành nơi ẩn thuế nhanh gọn và kín đáo.

Liên hiệp nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ)

ICIJ được thành lập năm 1997 bởi nhà báo Mỹ tên là Chuck Lewis. Ban đầu, ICIJ được đưa ra như là một dự án của Trung tâm liêm chính công (Center for Public Integrity), tập trung vào các vấn đề xuyên biên giới quốc gia như: tội phạm xuyên quốc gia, các vấn đề tham nhũng và giải trình quyền lực.

Đến tháng 2/2017, ICIJ đã được tách ra để trở thành một tổ chức tin tức hoàn toàn độc lập với mục tiêu mở rộng phạm vi tiếp cận và tác động toàn cầu. ICIJ đã được cấp tư cách phi lợi nhuận 501 (c) (3) của chính phủ Hoa Kỳ vào tháng 7/2017.

Hiện nay, Hiệp hội đã có một mạng lưới toàn cầu gồm hơn 200 nhà báo điều tra, ở 70 quốc gia, thực hiện hợp tác về những cuộc điều tra chuyên sâu.

ICIJ được điều hành bởi ba ủy ban – Ban giám đốc; Ủy ban Cố vấn gồm những người ủng hộ và các nhà báo điều tra có kinh nghiệm; Uỷ ban quản lý hệ thống mạng lưới kết nối.