Hồ Ngọc Đại - “Galileo trong khoa học giáo dục ở Việt Nam”?

VietTimes -- Trong những ngày qua, Giáo sư-tiến sỹ khoa học Hồ Ngọc Đại-người có công trong việc khai phá con đường cho một phương pháp dạy học mới ở Việt Nam đã từng khẳng định có hiệu quả, bỗng nhiên trở thành tâm điểm hai luồng dư luận ủng hộ và phản đối dữ dội, thậm chí có người coi Hồ Ngọc Đại như là một “Galileo trong khoa học giáo dục Việt Nam”.  
Giáo sư Hồ Ngọc Đại
Giáo sư Hồ Ngọc Đại

Hồ Ngọc Đại-“Galileo trong khoa học giáo dục ở Việt Nam”

Trong những ngày qua, do nhiều nguyên nhân khác nhau, Giáo sư-tiến sỹ khoa học (GSTSKH) về khoa học tâm lý Hồ Ngọc Đại-người có công trong việc khai phá con đường cho một phương pháp dạy học mới, gọi là công nghệ giáo dục (CNGD) đã được thử nghiêm thành công trong 40 năm qua khẳng định có hiệu quả tốt ở Việt Nam, trở thành tâm điểm của “cơn bão dư luận” liên quan tới phương pháp mới dạy Tiếng Việt do ông khởi xướng. Hiện tượng chưa từng có này đã khiến không ít người so sánh ông Hồ Ngọc Đại như là một “Galileo trong khoa học giáo dục Việt Nam” [1].

Sự tương đồng giữa Galileo và Hồ Ngọc Đại

Có nét tương đồng rất đáng chú ý giữa Galileo và Hồ Ngọc Đại mặc dù hai người hoạt động trong hai lĩnh vực khoa học khác nhau: Galileo hoạt động trong lĩnh vực khoa học tự nhiên (vật lý, thiên văn…), còn Hồ Ngọc Đại hoạt động trong lĩnh vực khoa học xã hội (khoa học tâm lý và phương pháp dạy học).

Nhà khoa học Galileo (1564-1642) không phải là người đầu tiên xây dựng nên luận thuyết khoa học rất nổi tiếng được gọi là Thuyết nhật tâm do nhà khoa học Copernicus (1473-1543) phát minh, nhưng là người kiên quyết bảo vệ luận thuyết này bởi ông cho rằng luận thuyết của Copernicus là đúng. Theo Thuyết nhật tâm của Copernicus, Mặt Trời là trung tâm của vũ trụ, còn Trái Đất và các thiên thể khác như Mặt Trăng, các ngôi sao và những hành tinh có thể quan sát được bằng mắt thường đều quay quanh Mặt trời. Như vậy, Thuyết nhật tâm đã hoàn hoàn bác bỏ Thuyết địa tâm tồn tại từ thời Hy Lạp cổ đại (vào khoảng những năm 384-322 trước Công Nguyên). Ngày nay, sau nhiều thể kỷ, khoa học hiện đại đã chứng minh Thuyết nhật tâm là hoàn toàn đúng đắn.

Tương tự như Galileo, Hồ Ngọc Đại cũng không phải là người phát minh ra công nghệ giáo dục (CNGD) nhưng khi được tiếp cận công nghệ này, ông tin rằng đó là công nghệ giáo dục đúng và tốt. Mọi chuyện bắt đầu từ năm 1968, khi Hồ Ngọc Đại theo học ngành khoa học tâm lý học tại Đại học tổng hợp quốc gia Matxcơva mang tên nhà khoa học Nga  M.Lomonosov.

Dưới sự hướng dẫn của các nhà khoa học tâm lý hàng đầu thế giới, năm 1976 Hồ Ngọc Đại hoàn thành luận văn tiến sĩ về những vấn đề tâm lý trong giảng dạy toán học hiện đại cho học sinh cấp 1. Năm 1978, khi trở về nước, được phép của Chính phủ Việt Nam, Hồ Ngọc Đại sáng lập Trung tâm công nghệ giáo dục để tiến hành thực nghiệm cả về lý thuyết lẫn thực tiễn về giáo dục phổ thông dành cho cấp tiểu học, trong đó có công trình thực nghiệm giảng dạy Tiếng Việt.

Ông Hồ Ngọc Đại đã cùng với các đồng nghiệp dày công nghiên cứu biên soạn và hoàn thiện sách giáo khoa Tiếng Việt dành cho học sinh tiểu học. Mãi tới năm 2013, Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam quyết định áp dụng đại trà giảng dạy đại trà sách giáo khoa Tiếng Việt 1 do ông Hồ Ngọc Đại và các cộng sự chủ biên. Theo Hồ Ngọc Đại, sách do ông ký tên nhưng đó là công sức của hàng trăm, hàng nghìn người.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, căn cứ kết quả nghiên cứu và áp dụng thí điểm dạy học môn Tiếng Việt ở lớp 1 tại trường Thực nghiệm Giảng Võ và một số cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT đồng ý cho địa phương có nhu cầu và đảm bảo điều kiện được áp dụng dạy sách này (nhất là ở những vùng khó khăn) từ năm học 2008-2009 đến năm học 2016-2017 trên tinh thần tự nguyện [2].

Do kiên quyết bảo vệ Theo Thuyết nhật tâm của Copernicus, Galileo đã bị các thế lực Giáo hội vốn tin vào Thuyết địa tâm, giam lỏng. Còn Hồ Ngọc Đại do khai phá con đường cho phương pháp giáo dục mới ở Việt Nam, tuy được nhà nước Việt Nam ủng hộ, nhưng cũng đã bị không ít người “ném đá”. Thậm chí, có người nhận định, nếu nhà bác học Galileo còn sống ở Việt Nam, ông ấy cũng sẽ bị ném đá đến chết [1,3]

Triết lý giáo dục của Hồ Ngọc Đại

Bất kỳ một nền giáo dục nào muốn thành công đều phải bắt đầu từ xây dựng triết lý. Ồng Hồ Ngọc Đại cũng không phải là ngoại lệ. Sản phẩm khoa học thực nhiệm Sách Tiếng Việt 1 của GSTSKH Hồ Ngọc Đại được xây dựng từ triết lý giáo dục mới. Triết lý CNGD được thể hiện trong những phát ngôn ấn tượng của ông:

“Cần có một nền giáo dục mới. Một nền giáo dục buộc phải mới tận nguyên lý của nó. Một nền Giáo dục tất yếu phải trở thành sự cứu nguy cho dân tộc, nơi trẻ em là những anh hùng thời đại”.

"Nền giáo dục của chúng ta phải là nền giáo dục mà mỗi cá nhân được là chính mình. Chúng ta sống thật hơn, tạo ra sự thật xứng đáng hơn, chứ không phải sự thật trong tưởng tượng".

“Triết lý giáo dục là mỗi người phải được là chính mình. Tôi mong muốn nền giáo dục mà mỗi người được là chính mình, không so sánh với ai cả. Mỗi cá nhân có bản sắc riêng. Hãy để trẻ được tự xác lập cuộc sống của mình theo cách của các em” 

“Tôi luôn hình dung, tôi sẽ tạo ra những đứa trẻ mà tự chúng nó phải trở thành chính mình, không giống một ai, vì nó là một, là riêng, là duy nhất, không giống bất cứ ai trên đời này từ ADN đến cách nghĩ. Ở trường tôi cũng không có thi đua, xếp hạng, không có khen thưởng, không có chấm điểm. Ở đó, thầy trò chúng tôi dạy và học theo một phương pháp hoàn toàn khác với những ngôi trường khác bên ngoài”.

“Trước đây chỉ có 5% người dân đi học, 95% người nai lưng ra làm để nuôi những người này. Giờ 100% người đi học, ai nuôi ai? Trước đây, học để làm quan, vùi đầu vào học. Giờ, trẻ con đi học hàng ngày, phải vui vẻ, hạnh phúc. Hai thời đại hoàn toàn khác”.

“Ngô Bảo Châu có lẽ là một trong những học trò nổi tiếng và thành đạt nhất của Trường thực nghiệm. Nhưng Ngô Bảo Châu không phải là học sinh khiến tôi tự hào nhất, ưng ý nhất. Niềm tự hào lớn nhất của tôi là một cậu học trò hiện giờ đang làm nghề sửa xe! Cậu ấy đi du học, có hai bằng đại học ở nước ngoài. Nhưng đến khi về nước, cậu ấy không làm việc văn phòng máy lạnh, mà mở một quán sửa xe. Tôi hài lòng vô cùng, vì thế là tôi đã giáo dục thành công, để học trò của tôi trở thành chính nó chứ không phải trở thành ai khác, biết mình muốn gì, biết mình thích gì, chứ không bận tậm đến áp lực của bố mẹ hay sức ép của người đời”.

Một số biện pháp của Hồ Ngọc Đại thực thi triết lý giáo dục

Để thực hiện được mục đích giáo dục trên đây, Hồ Ngọc Đại áp dụng nhiều biện pháp, trong đó có các biện pháp đã được ông nói rõ trong những phát biểu rất đáng chú ý: 

“Tôi hoàn toàn hoan nghênh chủ trương bỏ chấm điểm ở cấp tiểu học. Bởi không chấm điểm thường xuyên mà trẻ con vẫn ham học, vẫn thích học chứng tỏ nội dung, phương pháp này đúng. Phương pháp đánh giá chấm điểm gây ra một loạt tiêu cực như chạy theo thành tích, học không thực chất, chạy điểm, giả dối. Tôi không chấm điểm học trò, vì tôi nghĩ rằng quan trọng là tụi nhỏ thích môn học đó, chứ điểm cao hay điểm thấp không có ích gì. Nếu nó thấy đó là môn học nó thích và có ích cho nó, nó sẽ tự khắc học”.

“Tôi không ép lũ trẻ phải viết theo những bài văn mẫu. Chúng tôi ra một đề bài và học sinh có thể trả bài theo cảm nhận. Đôi khi chúng viết một bài văn, đôi khi chúng làm thơ, đôi khi chúng nộp một bức tranh chúng vẽ. Và đều được chấp nhận”.

 “Tôi cho rằng mọi đứa trẻ đều phải được yêu thương và tôn trọng, được hạnh phúc. Nên tôi không chấp nhận mọi hành vi bạo lực của người khác dành cho học trò mình”.

“Tôi quan niệm rằng, thời gian là thứ duy nhất trên đời này không lấy lại được, nên mọi khoảnh khắc trôi qua với lũ trẻ, tôi đều không muốn lãng phí. Tôi muốn để lũ trẻ cảm nhận cuộc sống theo mọi cách”.

“Ở Trường thực nghiệm, tôi chỉ treo duy nhất một khẩu hiệu và cũng là kim chỉ nam “Học tập là hạnh phúc”. Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui" [4,5].

CNGD sẽ tồn tại vĩnh viễn?

Trả lời câu hỏi "Tương lai của CNGD sẽ ra sao khi đã thử nghiệm hàng chục năm nay nhưng vẫn chưa được áp dụng chính thức? Trong khi đó. Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Chủ biên Chương trình phổ thông mới, cho rằng CNGD sẽ không có trong chương trình mới này, ông Hồ Ngọc Đại khẳng định:“Công nghệ giáo dục sẽ tồn tại vĩnh viễn vì đó là tiến trình lịch sử” [6].

Theo ông Hồ Ngọc Đại, tính vĩnh viễn của CNGD thể hiện trong chính tương lai của dân tộc: “Tôi nghĩ rằng sự phát triển của một dân tộc sẽ bắt đầu từ chính những đứa trẻ lớp 1 đó. Giấc mơ của tôi là tạo thành một dân tộc Việt Nam từ chính những đứa trẻ cấp 1 ấy. Thế nên người ta nghĩ chức vụ là quan trọng, làm Bộ trưởng, Thứ trưởng mới là quan trọng, còn tôi, tôi nghĩ rằng dạy trẻ con mới là quan trọng”.

Tuy nhiên, khác với quy luật tự nhiên tồn tại vĩnh viên, thí dụ như quy luật Trái Đất quay quanh Mặt Trời theo Thuyết nhật tâm mà Galileo kiên quyết ủng hộ và bảo vệ, CNGD phải tuân theo quy luật phát triển kinh tế-xã hội của loài người theo từng nấc thang lịch sử tiến hóa và phải được xã hội công nhận./. 

Tài liệu tham khảo

[1] Nếu nhà bác học Galileo còn sống ở Việt Nam, ông ấy cũng sẽ bị ném đá đến chết. https://www.facebook.com/banoibunbo3B/posts/10156939033809172

[2]Hội đồng thẩm định quốc gia đã thông qua sách của GS Hồ Ngọc Đại'.  https://baomoi.com/hoi-dong-tham-dinh-quoc-gia-da-thong-qua-sach-cua-gs-ho-ngoc-dai/c/27639044.epi

[3] GS Hồ Ngọc Đại:“Nhiều người lấy câu chữ vớ vẩn để phê phán tôi”. https://news.zing.vn/gs-ho-ngoc-dai-nhieu-nguoi-lay-cau-chu-vo-van-de-phe-phan-toi-post875413.html

[4] Công nghệ giáo dục và những điều “lạ lùng” của GS. Hồ Ngọc Đại. https://viettimes.vn/cong-nghe-giao-duc-va-nhung-dieu-la-lung-cua-gs-ho-ngoc-dai-302997.html

[5] GS Hồ Ngọc Đại: "Người học trò tôi tự hào nhất không phải Ngô Bảo Châu, mà là một cậu sửa xe".http://soha.vn/gs-ho-ngoc-dai-ngo-bao-chau-khong-phai-hoc-tro-toi-tu-hao-nhat-ma-la-mot-cau-sua-xe-20180910150318991.htm

 [6] GS Hồ Ngọc Đại: 'Công nghệ giáo dục sẽ tồn tại vĩnh viễn'. http://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/gs-ho-ngoc-dai-cong-nghe-giao-duc-se-ton-tai-vinh-vien-791491.html