Ho gần nửa lít máu tươi/lần vì u phổi và xơ gan do rượu, bệnh nhân thoát chết ngoạn mục

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes - Các bác sĩ tại Bệnh viện Phổi Trung ương vừa tạo nên kỳ tích khi phẫu thuật cứu sống cụ ông 61 tuổi bị ho ra máu nhiều lần.
Bác sĩ chăm sóc ông N. sau phẫu thuật (Ảnh: Quỳnh Hương)
Bác sĩ chăm sóc ông N. sau phẫu thuật (Ảnh: Quỳnh Hương)

Ông V.T.N., 61 tuổi, sống ở Đức Phú, Thạch Trung, Hà Tĩnh đã từng điều trị lao phổi cách đây 2 năm, nghiện rượu nhiều năm, bị xơ gan lách to, phải điều trị giãn vỡ tĩnh mạch thực quản.

1 tuần gần đây, ông N. bị ho ra máu nhiều lần, mỗi lần 20ml. Do ông N. ho ra lượng máu ngày càng nhiều nên gia đình đã chuyển bệnh nhân từ bệnh viện tỉnh sang Bệnh viện Phổi Trung ương để điều trị.

Khi ông N. nhập viện, các bác sĩ tại Bệnh viện đã nhanh chóng làm xét nghiệm, chẩn đoán ông N. ho ra máu nặng do có u nấm thùy trên phải, phình động mạch phổi, xơ gan vì rượu. Sau đó, tình trạng của ông N. diễn biến nặng hơn, ho ra máu 300 - 500 ml/lần dẫn tới tình trạng thiếu máu nặng, rối loạn đông cầm máu. Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn cấp cứu phẫu thuật cắt thùy trên phổi phải cho bệnh nhân. Tình trạng trước mổ của bệnh nhân cực kỳ nguy kịch nên bác sĩ phải truyền máu và đưa bệnh nhân vào phòng mổ vừa hồi sức vừa gây mê để mổ cấp cứu.

Bác sĩ khám bệnh cho ông N. sau phẫu thuật (Ảnh: Quỳnh Hương)

Bác sĩ khám bệnh cho ông N. sau phẫu thuật (Ảnh: Quỳnh Hương)

Quá trình phẫu thuật khẩn cấp cho bệnh nhân Nhu là một cuộc chiến căng thẳng từng phút để giành giật sinh mạng từ tay thần chết của các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Lồng ngực và Khoa Gây mê hồi sức.

Ngay từ khi bắt đầu tiến hành phẫu thuật, người bệnh luôn được cô lập phổi bệnh, thông khí phổi lành. Tuy nhiên máu từ lá phổi bị bệnh vẫn tiếp tục chảy, các bác sĩ đã hút qua ống nội khí quản khoảng 1.500 ml máu. Khi thực hiện phẫu thuật màng phổi bóc tách cuống phổi, bệnh nhân lại mất thêm khoảng 1.600ml máu.

Chính vì thế, khó khăn lớn nhất khi các bác sĩ thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân là máu ngập tràn đường thở, phải khẩn trương đặt nội khí quản cô lập phổi khai thông bơm rửa hút máu ra ngoài. Lượng máu mất lớn với tốc độ nhanh đã khiến bệnh nhân mất tổng cộng hơn 3 lít máu kèm rối loạn đông cầm máu nặng, xơ gan do rượu, cơ thể suy kiệt.

Cùng với đó, các bác sĩ đã phải xử lý tổn thương nấm sau lao phổi dính bám chặt thành ngực và các mạch máu lớn cho bệnh nhân vì mạch phình vỡ dẫn đến tình trạng chảy máu trong.

Sức khoẻ ông N. đang dần hồi phục (Ảnh: Quỳnh Hương)

Sức khoẻ ông N. đang dần hồi phục (Ảnh: Quỳnh Hương)

Theo ThS. BS. Nguyễn Viết Nghĩa - Phó Trưởng Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Phổi Trung ương - sau phẫu thuật, sức khỏe người bệnh đang dần hồi phục, tỉnh táo, có thể giao tiếp được với mọi người và vận động nhẹ nhàng.

BS. CKII. Khiếu Mạnh Cường - Khoa Phẫu thuật Lồng ngực, Bệnh viện Phổi Trung ương - chia sẻ: “Chúng tôi chưa từng thực hiện một ca phẫu thuật phức tạp với tình trạng người bệnh rối loạn đông máu như thế này, ca phẫu thuật đòi hỏi vừa phải thực hiện phẫu thuật xử lý tổn thương phình mạch phổi, nấm sau lao phổi bám dính vừa phải gây mê hút máu chảy từ nhu mô phổi ra với số lượng lớn. Sau gần 5 tiếng thực hiện, ca phẫu thuật đã thành công. Thành công của ca bệnh này là sự kết hợp chặt chẽ những kỹ thuật gây mê tiên tiến nhất và kỹ thuật phẫu thuật cao. Với các trường hợp người bệnh bị phình mạch phổi, việc tốt nhất là phẫu thuật sớm, giảm nguy cơ tử vong”.

Anh V.T.S. – con trai của ông N. xúc động nói: “Nhờ có sự tận tình và trình độ chuyên môn cao của các bác sĩ tại Bệnh viện Phổi Trung ương mà bố tôi đã qua cơn nguy kịch. Trong suốt 5 tiếng chờ phẫu thuật, gia đình chúng tôi rất hồi hộp, lo lắng. Khi biết bố tôi được cứu sống, gia đình tôi vô cùng vui mừng và cảm động trước sự tận tâm của các bác sĩ”.