“Hình hài” siêu dự án đảo nhân tạo do lấp vịnh Đà Nẵng ra sao?

VietTimes –  Lấn biển, lấp vịnh Đà Nẵng là một trong những nội dung được đưa ra và bàn tại “Hội thảo Quy hoạch Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045”. Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng đã phản biện gay gắt với nội dung này. 
Sau nhiều lần điều chỉnh, dự án được đề xuất xây dựng với quy mô diện tích 1.400 ha, hình thành từ lấp vịnh Đà Nẵng (chấm đỏ là vị trí ý tưởng xây đảo)
Sau nhiều lần điều chỉnh, dự án được đề xuất xây dựng với quy mô diện tích 1.400 ha, hình thành từ lấp vịnh Đà Nẵng (chấm đỏ là vị trí ý tưởng xây đảo)
Tại “Hội thảo Quy hoạch Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045”, cơ quan tổ chức hội thảo - UBND thành phố Đà Nẵng - đã không đề cập trực tiếp tới đề xuất lập dự án lấn biển, hay lấp vịnh Đà Nẵng làm đảo nhân tạo.
Thay vào đó, trong lời giới thiệu để lấy ý kiến chuyên gia, nhà tổ chức chỉ nói chung chung các nội dung về quy hoạch thành phố, và có đề cập tới nội dung lấn biển, lấp vịnh Đà Nẵng để phát triển đô thị tương lai.  
Tất nhiên, nếu không có ý kiến chuyên gia nào được mời đề cập tới vấn đề lấn biển, lấp vịnh Đà Nẵng, thì cũng có thể hiểu nội dung này đã được các chuyên gia tán thành, hoặc không bàn tới. 
Theo tìm hiểu của VietTimes, tại Đà Nẵng, đề án lấp vịnh Đà Nẵng xây đảo là một vấn đề thời sự, nhưng xuất hiện với mật độ thông tin khá mỏng.
Đề án này do nhóm các nhà đầu tư gồm Tập đoàn Pavilion (Malaysia), Quỹ Bamboo Capital và Công ty CP lương thực Đà Nẵng (Danafood) đề xuất, từ trước khi diễn ra “Hội thảo Quy hoạch Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045”.
Nhóm doanh nghiệp này đã có văn bản gửi cơ quan chức năng Đà Nẵng, đề xuất lấn vịnh Đà Nẵng để thực hiện dự án đảo Hoa Sen - Lotus Island.
Những thông tin liên quan đến việc xây dựng dự án đảo nhân tạo trên vịnh Đà Nẵng xuất hiện tại cuộc họp của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa với các sở, ngành liên quan tháng 3/2018.
Có ý kiến tại cuộc họp này đề nghị không lấn biển theo kiểu dàn hàng ngang, mà phải có điểm nhấn, điển hình là như nhà xương cá ở Dubai, để đảm bảo bài toán thủy động học.
Theo ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở KHĐT đề xuất UBND TP thi tuyển kiến trúc, thuê chuyên gia quốc tế quy hoạch vịnh Đà Nẵng để hình thành địa điểm đầu tư mới cho TP...
Thời điểm đó, Bí thư Trương Quang Nghĩa lưu ý cần phải có khảo sát, đánh giá cụ thể về tình trạng bồi lấp vịnh Đà Nẵng, đặc biệt “quy luật lấn chỗ này, chỗ khác sẽ bị xâm thực”.
Ông Nghĩa cũng chỉ đạo Sở Xây dựng khi điều chỉnh quy hoạch chung của Đà Nẵng cần thuê tư vấn lên phương án khai thác vịnh Đà Nẵng.
Theo nội dung đề xuất ban đầu, dự án có vị trí tại vịnh Đà Nẵng, cách bờ chừng 1km, quy mô lấp biển tạo lập một đảo nhân tạo có diện tích 2.371ha, tổng đầu tư dự kiến khoảng 4,3 tỷ USD (tương đương 98.000 tỷ đồng).
Theo nhóm doanh nghiệp này, đảo nhân tạo Hoa Sen - Lotus Island sẽ được quy hoạch cơ sở hạ tầng phù hợp, hệ thống giao thông phức hợp gồm khu dân cư, thương mại, văn hóa, casino, khu bán hàng miễn thuế, bến du thuyền và khu vực giải trí…
Sau nhiều lần điều chỉnh, đề án được đề xuất xây dựng với quy mô diện tích 1.400 ha, hình thành từ việc bồi lấp biển tại khu vực vịnh Đà Nẵng, với vật liệu lấp biển lấy từ vùng biển thuộc quận Liên Chiểu và quận Thanh Khê, xây dựng trong thời gian 6 năm, chia làm 2 giai đoạn.
Đáng chú ý, giảm diện tích nhưng tổng đầu tư của dự án lại tăng gần gấp đôi, lên tương đương 8 tỷ USD.
Dự án được quy hoạch gồm nhiều đảo nhỏ nhân tạo kết nối thành hình hoa sen. Đảo nhân tạo này sẽ được kết nối với đất liền bằng 4 cầu vượt biển. Trên đất liền, dự án sẽ bồi lấp lấn biển tạo thành không gian quảng trường với diện tích hơn 100 ha. 
Với đề xuất này, nhóm doanh nghiệp nêu trên cho rằng sẽ tạo được thay đổi tích cực cho phát triển và diện mạo của TP Đà Nẵng trong thời gian từ 20-30 năm tới. Đưa TP Đà Nẵng trở thành đô thị mới hiện đại và phát triển phức hợp hoàn thiện. Đồng thời sẽ mang lại nhiều lợi ích, cơ hội việc làm cho người dân, thu hút được nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, cũng như công nhân có tay nghề cao về đây sinh sống.
Tuy nhiên, khi phóng viên VietTimes tiếp cận tìm hiểu thông tin về dự án, ông Phạm Tấn Củng, Tổng giám đốc Công ty CP Lương thực Đà Nẵng - Danafood (thành viên trong nhóm đề xuất dự án) cho biết, phía Danafood chưa có công bố hay cung cấp bất cứ thông tin gì về ý tưởng dự án này.
Ông Củng cho biết không thể cung cấp thông tin cụ thể về đề án.
Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng đã phản biện gay gắt về tính khả thi cũng như những nguy cơ tác động lâu dài đến tự nhiên và an ninh quốc phòng khi triển khai dự án lấp vịnh Đà Nẵng xây đảo nhân tạo.
Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng đã phản biện gay gắt về tính khả thi cũng như những nguy cơ tác động lâu dài đến tự nhiên và an ninh quốc phòng khi triển khai dự án lấp vịnh Đà Nẵng xây đảo nhân tạo. 
Tuy nhiên trước đó, trả lời báo giới, cũng ông Phạm Tấn Củng đã từng thông tin, việc tính toán xây dựng lấn biển sẽ áp dụng công nghệ quốc tế. Và mức đầu tư 8 tỷ USD mới là chi phí để tạo mặt bằng cảnh quan dự án.
“Mục tiêu của dự án là thu hút 100 tỷ USD đầu tư vào Đà Nẵng trong tương lai” - ông Củng từng hùng hồn thông tin cho báo Thanh Niên như vậy.
Về diện tích, đề xuất lấp vịnh Đà Nẵng lập đảo Hoa Sen - Lotus Island có diện tích gấp 3 lần đảo Cây Cọ nổi tiếng của Dubai.
Đây là điều đáng lo ngại, và là lý do khiến ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng (nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng) phải lên tiếng phản biện gay gắt về tính khả thi cũng như những nguy cơ tác động lâu dài đến tự nhiên và an ninh quốc phòng nếu dự án này triển khai. 
“Phương án hút cát tại chỗ để bồi lấp đảo nhân tạo chắc chắn cũng ảnh hưởng đến bờ biển, có thể gây sạt lở. Đó là mới chỉ kể những tác hại về môi trường. Chưa kể đến nguy cơ về quốc phòng an ninh, cũng không quá khó để nhận ra” - ông Bùi Văn Tiếng nói.