Hiệp hội Truyền hình trả tiền nói gì về Dự thảo sửa đổi Nghị định 06 về Truyền hình và Nội dung số?

VietTimes -- Trong khuôn khổ hội thảo "Chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền hình và dịch vụ nội dung số - Kinh nghiệm quốc tế và góp ý cho xây dựng pháp luật đối với Việt Nam", đại diện Hiệp hội Truyền hình trả tiền (VNPayTV) cho rằng Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 06/2016/NĐ-CP "đang đi theo một hướng rất tích cực".

PV: Theo ông, công cuộc chuyển đổi số đã mang lại những cơ hội và thách thức như thế nào đối với các doanh nghiệp làm truyền hình?

Như chúng ta đã biết, khi chuyển dịch vụ truyền hình trả tiền sang dịch vụ truyền hình số, trước hết phải nói đây là một cơ hội, bởi vì cuộc cách mạng 4.0 trên toàn thế giới đang phát triển rất mạnh. Những thành tựu thu được đã được rất nhiều ngành, đặc biệt là ngành truyền hình, viễn thông khai thác triệt để nhằm phục vụ lợi ích của cuộc sống.

Vì vậy nên khi chuyển đổi từ dịch vụ truyền hình trả tiền truyền thống sang dịch vụ truyền hình số thì trước hết phải nói là cơ hội. Thứ hai là trong quá trình chuyển đổi đó, nhất là đối với thị trường Việt Nam, trước đây là hoạt động với truyền hình tương tự, sau đó chuyển một số sang truyền hình số, sang nền tảng internet. Nhưng chúng ta chưa chuẩn bị kịp về hạ tầng cũng như phương tiện để phục vụ cho chuyển đổi này. Nội dung là điều kiện cơ bản nhưng các thiết bị, phương tiện phục vụ công cuộc chuyển đổi số lại rất quan trọng.

Tôi cho là cơ hội xuất hiện nhiều hơn và thuận lợi hơn. Tuy nhiên những khó khăn thách thức trước mắt với ngành truyền hình rất lớn. Đây là điều ai cũng nhận ra, đặc biệt những người làm trong lĩnh vực này đang phải chuẩn bị rất tích cực để có thể khai thác thuận lợi trong công cuộc chuyển đổi, đồng thời vượt qua được những thử thách hiện tại.

Video: Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền (VNPayTV), ông Lê Đình Cường trả lời phỏng vấn VietTimes về ý nghĩa của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp truyền hình.

PV: Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp, những quy định trong dự thảo sửa đổi Nghị định 06/2016/NĐ-CP sẽ thúc đẩy hay kìm hãm sự phát triển của các doanh nghiệp làm truyền hình?

Trong vòng hơn một năm nay, Bộ Thông tin Truyền thông là cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 06 này. Nhà nước cũng như các doanh nghiệp làm truyền hình đã tham gia vào quá trình thảo luận đến nay đã gần 2 năm. Hội nghị cuối cùng do Bộ Tư pháp chủ trì cùng các bộ ngành và đơn vị doanh nghiệp truyền hình, các đài phát thanh truyền hình tham gia đóng góp ý kiến.

Tôi cho rằng đến nay, nếu nội dung sửa đổi Nghị định 06 chính thức được ban hành thì chắc chắn sẽ mang lại rất nhiều thuận lợi. Bởi vì quá trình thực tiễn đã có, kể cả chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp truyền hình trong nước và những chính sách cho các doanh nghiệp truyền hình qua OTT. Họ có năng lực về mặt tài chính, năng lực về sản xuất nội dung thì chắc chắn sẽ phải hòa nhập và trao đổi hợp tác với các doanh nghiệp truyền hình truyền thống để thực hiện đúng luật pháp cũng như các chế tài ở Việt Nam. Đồng thời, họ cũng có cơ hội để phát triển, còn doanh nghiệp trong nước thì cũng tạo cho mình những động lực để phấn đấu, tăng cường chất lượng nội dung và công nghệ truyền dẫn cũng có hiệu quả cho người dùng.

PV: Có ý kiến cho rằng các quy định trong bản dự thảo có nhiều thủ tục, giấy phép rườm rà gây tốn kém. Quan điểm của cá nhân ông như thế nào?

Dự thảo sửa đổi Nghị định 06 cũng chưa biết có được áp dụng hay không, nhưng bản thân tôi cũng đã tham dự nhiều hội thảo về vấn đề này, Hiệp hội Truyền hình trả tiền cũng tổ chức hội thảo cùng với Bộ Thông tin Truyền thông tại Đà Nẵng tháng 8/2018. Tôi cho rằng tất cả quy định đó đang đi theo một hướng rất tích cực, tạo thuận lợi cho những hãng truyền hình xuyên quốc gia như Netflix hay Amazon… có thể vào Việt Nam và cung cấp các chương trình phù hợp với phong tục tập quán của Việt Nam, đặc biệt là phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Tôi tin rằng Dự luật sửa đổi Nghị định 06 nếu ra đời trong hoàn cảnh này cùng với tính khách quan và phát triển của công nghệ số sẽ được ủng hộ rất nhiều.