"Đại chiến" taxi:

Hiệp hội Taxi TP.HCM xin “cứu vãn nguy cơ phá sản” của taxi truyền thống

VietTimes -- Hiệp hội Taxi TP.HCM vừa gửi đơn "đề nghị nhà nước sớm có giải pháp cứu vãn nguy cơ phá sản của hàng trăm doanh nghiệp taxi chính thống trong cả nước".
Ảnh minh họa. Nguồn:Zing
Ảnh minh họa. Nguồn:Zing

Đơn cầu cứu của Hiệp hội Taxi TP. HCM do ông Tạ Long Hỷ, Giám đốc taxi Vinasun, ký tên gửi lên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể "đề nghị nhà nước sớm có giải pháp cứu vãn khả năng phá sản của hàng trăm doanh nghiệp taxi chính thống trong cả nước".

Trong đơn, Hiệp hội Taxi TP.HCM cho biết, loại hình xe hợp đồng điện tử từ 09 chỗ ngồi trở xuống theo quy định tại quyết định số 24/QĐ BGTVT ngày 07/01/2016, quy về bản chất, hoạt động như loại hình taxi chính thống.

Tuy nhiên, Hiệp hội Taxi TP.HCM cho rằng hiện có bất công về mặt chính sách giữa hai loại hình này khi Bộ GTVT đã tạo một cơ chế riêng cho loại hình đang thí điểm trong đó nòng cốt và chủ yếu là Grab và Uber.

Theo đó, để tham gia làm đối tác của Uber hay Grab, các xe phải thuộc các hợp tác xã có chức năng kinh doanh vận tải. Tuy nhiên Hiệp hội cho rằng quan hệ giữa chủ xe, lái xe với doanh nghiệp hợp tác xã chỉ là hình thức, thực tế Uber, Grab chỉ đạo trực tiếp đến các chủ xe và lái xe.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch hiệp hội vận tải TP. Hà Nội cho biết, quy định "để tham gia làm đối tác của Uber hay Grab, các xe phải thuộc các hợp tác xã có chức năng kinh doanh vận tải" được nêu trong Quyết định 24 nhằm kiểm soát số lượng xe. Tuy nhiên, hiện quy định này đang bị biến tướng khi hàng trăm hợp tác xã vận tải lập nên chỉ để cung cấp "lốt" xe cho các xe có nhu cầu nhằm kiếm lợi nhuận.
Đơn cũng cho rằng hầu hết xe chạy cho Grab, Uber đều không có đèn mui, không có đặc điểm nhận dạng thương hiệu, không dán logo, riêng phù hiệu có xe dán xe không từ đó dễ dàng "tàng hình" để giành khách và qua mặt các cơ quan chức năng.

Sự bất công và thiếu công bằng về mặt chính sách đã đẩy hàng trăm hãng taxi chính thống đang lụi tàn, nguy cơ phá sản cao và có thể sẽ bị các hãng vận tải nước ngoài thôn tính thị trường nếu không được Nhà nước kịp thời giải cứu.

Trong khi đó, phán quyết của Tòa án công lý Châu Âu khẳng định loại hình kinh doanh như của Grab, Uber là hoạt động vận tải như taxi và cần quản lý như một doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Vì vậy, Hiệp hội Taxi TP. HCM kiến nghị cần quản lý Grab, Uber như taxi.

Trước đó, 3 Hiệp hội Taxi lớn gồm Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM cũng đồng ký tên trên lá đơn hôm 9/1, gửi Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, nhằm thể hiện sự bất bình với loại hình kinh doanh Grab và Uber với nội dung gần giống được Hiệp hội Taxi TP.HCM nêu như trên.

Theo số liệu các Hiệp hội Taxi đưa ra, lượng xe của Uber, Grab đã lên 50.000 xe, mọi quy hoạch vận tải đang bị phá vỡ.

Ba Hiệp hội Taxi đưa ra nhiều kiến nghị tới Bộ GTVT, trong đó kiến nghị chỉ đạo các địa phương thực hiện thí điểm dừng cấp mới phù hiệu xe hợp đồng cho các phương tiện tham gia,  để rút kinh nghiệm về công tác quản lý. Bộ GTVT cũng cần ban hành ngay quy định về việc nhận diện đối với các phương tiện tham gia thí điểm.

Việc nhận diện này, theo đề xuất của các hiệp hội là trên nóc xe hợp đồng phải gắn hộp đèn đơn vị vận tải giống như taxi.

Khái niệm xe hợp đồng điện tử với ôtô 9 chỗ ngồi trở xuống trong dự thảo nghị định mới thay thế cho Nghị định 86 cũng được kiến nghị loại bỏ. Theo lý giải của Hiệp hội Taxi, việc định danh sai thì không thể có chính sách đúng, không thể góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển mà gây rối loạn thị trường, tạo nên xung đột xã hội.
Văn bản kiến nghị của Hiệp hội Taxi cả 3 miền cũng nhắc đến việc nhiều địa phương quyết liệt phản đối Uber, Grab như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng…