Hết Thông tư 36 lại đến Thông tư 07, dòng tiền vào TTCK liệu có bị ảnh hưởng?

Tính từ phiên giao dịch 15/3 tới nay, chỉ số VnIndex biến động khá giằng co theo hướng điều chỉnh và không ít nhà đầu tư cho rằng Thông tư 07 ra đời là một trong những nguyên nhân dẫn tới điều này.
Hết Thông tư 36 lại đến Thông tư 07, dòng tiền vào TTCK liệu có bị ảnh hưởng?

Trước đây, hoạt động hợp tác cho vay đầu tư chứng khoán 3 bên giữa CTCK, nhà đầu tư và bên thứ 3 diễn ra khá phổ biến, đặc biệt tại các CTCK có ngân hàng mẹ đứng sau.

Tuy vậy, mới đây, Bộ tài chính đã ban hành Thông tư số 07/2016/TT-BTC (gọi tắt là Thông tư 07) trong đó có nội dung về việc CTCK sẽ không được dùng tiền, tài sản của công ty hoặc của khách hàng để bảo đảm nghĩa vụ thanh toán cho bên thứ 3.

Thông tư 07 chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/3/2016 và điều này đang gây lo ngại dòng vốn vào TTCK sẽ bị siết chặt lại như những gì đã diễn ra vào năm ngoái khi Thông tư 36 ra đời.

Tính từ phiên giao dịch 15/3 tới nay, chỉ số VnIndex biến động khá giằng co theo hướng điều chỉnh và không ít nhà đầu tư cho rằng Thông tư 07 ra đời là một trong những nguyên nhân dẫn tới điều này.

Có đáng lo ngại?

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Minh, trưởng phòng phân tích khối khách hàng cá nhân- CTCK Bản Việt cho rằng Thông tư 07 sẽ không tác động quá mạnh tới TTCK bởi lượng margin sử dụng hợp đồng 3 bên hiện chỉ chiếm lượng nhỏ trên tổng dư nợ margin toàn thị trường.

Về lo ngại thị trường sẽ chịu áp lực bán mạnh từ các ngân hàng, CTCK khi Thông tư 07 có hiệu lực, ông Minh cho rằng điều này còn phụ thuộc vào lượng margin đáo hạn.

“Thông thường, lượng margin này được cho vay trong vòng 3 tháng nên các ngân hàng chưa thể bán ra ngay khi chưa đáo hạn các khoản vay, nghĩa là hiện tượng bán tháo cùng lúc có thể sẽ không xảy ra. Nhưng điều này sẽ khiến cho các khoản vay mới không được thực hiện, gây cản trở dòng tiền vào thị trường trong ngắn hạn. Do đó, các công ty chứng khoán sẽ có thời hạn 1-3 tháng tới để xử lý các khoản vay cũ”.

Ông Minh cũng cho biết thời gian qua, lượng margin tăng mạnh trên thị trường nhưng chủ yếu tập trung vào các hợp đồng Repo (nhà đầu tư tạm chuyển quyền sở hữu sang cho CTCK và nhận tiền) nên áp lực bán tháo sẽ được hạn chế do khả năng xoay nguồn từ các tổ chức là khá dễ dàng.

Hàng loạt CTCK tăng vốn rầm rộ

Từ đầu năm tới nay, hoạt động tăng vốn tại các CTCK, đặc biệt tại các CTCK có vốn trung bình và thấp diễn ra khá rầm rộ.

Có thể kể tới như Chứng khoán Sài Gòn- Hà Nội (SHS), Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mới đây đã thông qua việc phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu để phục vụ hoạt động cho vay ký quỹ. Hay như Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cũng thông qua nghị quyết chào bán 11,74 triệu cổ phần với giá phát hành tối thiểu 10.000đ/cp cũng với mục đích tương tự.

Có thể thấy, những động thái trên của các CTCK không chỉ đón đầu đà phục hồi của thị trường mà còn để bù đắp sự thiếu hụt dòng tiền do tác động của Thông tư 36 hay mới đây là Thông tư 07.

Ông Nguyễn Thế Minh đánh giá tác động Thông tư 07 sẽ không quá mạnh như Thông tư 36 nhưng sẽ có những tác động tiêu cực nhất định tới tâm lý nhà đầu tư ngắn hạn. Tuy nhiên, quá trình này được dự báo sẽ không kéo dài quá lâu.

Theo Trí thức trẻ