Hệ thống chống “can thiệp bầu cử từ Nga” của EU...không phát hiện ra điều gì

VietTimes -- Hệ thống Cảnh báo nhanh (RAS) của Liên minh châu Âu (EU), được thiết kế để ngăn chặn khả năng "Nga can thiệp bầu cử", đã không phát hiện được bất cứ điều gì trong suốt 6 tháng hoạt động - Hãng RT của Nga dẫn một báo cáo mới đây cho biết.
RAS được thiết kế nhằm ngăn chặn khả năng Nga can thiệp các cuộc bầu cử ở EU (Ảnh: RT)
RAS được thiết kế nhằm ngăn chặn khả năng Nga can thiệp các cuộc bầu cử ở EU (Ảnh: RT)

Mới đây, tờ New York Times đã có bài viết nói về một câu đùa phổ biến trong giới chính trị gia ở Brussels về hệ thống đầy tham vọng của EU, ngay trước kỳ bầu cử Nghị viện EU hồi tháng 5 vừa qua rằng: "Nó chả nhanh. Chả có báo động nào cả. Và chả có hệ thống nào cả".

Theo bài viết mà New York Times đăng tải, hệ thống RAS chưa từng đưa ra bất kỳ cảnh báo nào. Hệ thống này được thiết kế trong bối cảnh Mỹ cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, và trước thông tin một số nước đưa ra cho rằng Điện Kremlin "thao túng" bê bối chính trị ở Áo.

RAS đi vào hoạt động từ đầu năm 2019, nó là mạng lưới kỹ thuật số để các nước thành viên EU chia sẻ thông tin tình báo và đưa ra cảnh báo về các hoạt động mà giới chức châu Âu coi là "bất chính" của Nga, sau khi bị Washington thuyết phục rằng Nga chính là vấn đề của họ trong các cuộc bầu cử.

Tuy nhiên, sau khi được kích hoạt, có tới 2/3 các nước tham gia RAS không hề đóng góp bất cứ thứ gì cho hệ thống này, trong khi những bên đóng góp thì chỉ chia sẻ các thông tin hoặc báo cáo mà các tổ chức phi chính phủ cung cấp. Không có tiêu chuẩn nào được đặt ra trong việc đăng tải dữ liệu, trong khi không có bên nào chịu trách nhiệm phân tích các dữ liệu thu thập được và đưa ra kết luận...những yếu tố này khiến cho RAS gần như vô năng trong việc xác thực các nguồn tin có giá trị.

"RAS đang có nguy cơ phải ngừng hoạt động" - tờ New York Times dẫn lời báo cáo của Chính phủ Cộng hòa Séc, nói - "Nếu chúng ta muốn đổ các nguồn lực vào một nền tảng mà chỉ đôi lúc chia sẻ các nghiên cứu của các tổ chức phi chính phủ hay gửi lời mời tới các hội thảo, chúng ta cần phải tính toán lại chiến lược".

Báo cáo cũng phàn nàn rằng, các bộ luật tự do ngôn luận của EU đã hạn chế tính năng của RAS, do các bộ luật này ngăn chặn "các chuyên gia" dập tắt nguồn thông tin trên các website và mạng xã hội của châu Âu mà họ tin là đến từ Moscow.

Cả New York Times và giới chuyên gia "dập tin của Nga" đều coi RAS là một hệ thống hợp pháp, có tính năng tốt trong việc triệt hạ những âm mưu can thiệp của Kremlin... dù cho hệ thống này chưa từng đưa ra được cảnh báo nào về việc Moscow can thiệp bầu cử EU. Dù các chuyên gia này đổ lỗi cho các nước thành viên không hỗ trợ đầy đủ cho RAS, nhưng trên thực tế, như giới chuyên gia Séc đã chỉ ra, hệ thống này không thể thu được bằng chứng về các "hoạt động nham hiểm" của Nga.

Theo RT