Hệ luỵ từ vụ FBI khám xét khu nhà riêng Mar-a-Lago của ông Trump

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bằng vụ khám xét vừa qua, Bộ trưởng Tư pháp Merick Garland đã đưa nước Mỹ đi vào một con đường nguy hiểm, theo nhận định của Wall Street Journal.

Vụ FBI đột kích khám xét khu tư dinh Mar-a-Lago của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi đầu tuần này đã làm dậy sóng dư luận và dấy lên nhiều luồng ý kiến khác nhau trong giới chính trị Mỹ. Ban Xã luận của Wall Street Journal đã có bài viết bình luận, thể hiện rõ luận điểm của họ về sự việc này. VietTimes trân trọng gửi quý độc giả nội dung đã được chuyển ngữ của bài viết.

Khu biệt thự Mar-a-Lago của cựu Tổng thống Donald Trump bị FBI khám xét (Ảnh: Scotsman)

Khu biệt thự Mar-a-Lago của cựu Tổng thống Donald Trump bị FBI khám xét (Ảnh: Scotsman)

Vụ khám xét không báo trước của FBI nhằm vào khu biệt thự Mar-a-Lago của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump không phải là khoảnh khắc đáng mừng cho bất cứ ai. Bộ Tư pháp đang giải phóng cơn phẫn nộ mà họ không thể kiểm soát và có thể không nhận thức được, và nguy cơ mà cả cơ quan này, đất nước này phải đối mặt cũng lớn như nguy cơ mà ông Trump phải hứng chịu.

Như mọi người đều biết, kiểu thực thi luật pháp này của FBI nhằm vào một cựu Tổng thống Mỹ là chưa từng có tiền lệ. Vụ khám xét hôm đầu tuần này cần có trát của tòa án. Bộ Tư pháp chỉ cung cấp rất ít chi tiết, ngoài những thông tin đã bị rò rỉ cho phóng viên, bởi vậy rất khó để nắm được FBI đang tìm kiếm thứ gì.

Những thông tin rò rỉ mà giới truyền thông đăng tải cho hay, vụ khám xét này liên quan tới khả năng xử lý không đúng quy trình các tài liệu mật hoặc vi phạm Đạo luật Bảo vệ hồ sơ lưu trữ của Tổng thống (Presidential Records Act). Nếu điều này là thật, vậy thì vụ khám xét nhìn giống như một hành động quá đáng của bên công tố và một sai lầm tệ hại. Các tranh chấp về hồ sơ thường được giải quyết bằng đàm phán, và đây cũng là cách mà tranh chấp giữa ông Trump với Cơ quan Lưu trữ Quốc gia đang được xử lý.

Ông Trump đã trả lại 15 thùng đựng tài liệu, nhưng Cơ quan Lưu trữ Quốc gia lại muốn biết liệu cựu Tổng thống có lưu lại những tài liệu mật mà ông không nên giữ hay không. Điều này có thể là nguyên nhân khiến FBI thực hiện vụ khám xét, nhưng vẫn không rõ tại sao vấn đề này lại không được giải quyết theo hướng hợp tác, hay ít nhất là bằng trát của tòa án.

Chả lẽ không có ai ở Bộ Tư pháp hiểu được rằng vụ khám xét vừa qua sẽ khiến người ta so sánh với vụ bà Hillary Clinton xử lý sai thông tin mật vào thời điểm trước chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016? Bà Clinton chưa từng bị khởi tố, như ông Trump đã từng nêu ra. Trừ khi sự phản kháng của ông Trump gây ra rủi ro nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia, một nửa người dân Mỹ vẫn sẽ xem vụ khám xét tư dinh của ông Trump vừa qua như một ví dụ về sự bất công.

***

Đây có thể chưa phải là câu chuyện đầy đủ về FBI. Nhiều báo cáo của giới truyền thông cho rằng Bộ Tư pháp đã mở một cuộc điều tra lớn nhằm vào sự kiện trong ngày 6/1/2021, và ông Trump có thể là một mục tiêu của cuộc điều tra đó. Ủy ban của Hạ viện điều tra sự kiện ngày 6/1 đã ủng hộ việc khởi tố ông Trump, trong khi sức ép chính trị và sức ép truyền thông đè nặng lên vai Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland khiến ông phải tìm cách luận tội ông Trump. Vụ khám xét của FBI có thể là là biện pháp để tìm ra chứng cứ liên quan tới sự kiện ngày 6/1.

Trách nhiệm chính trị không giống với trách nhiệm hình sự. Theo quan điểm của chúng tôi, bằng chứng đó cần phải chứng minh được rằng ông Trump có hành vi đồng lõa trái pháp luật trong vụ bạo lực xảy ra trên Đồi Capitol vào ngày hôm đó.

Xét về bản chất đậm tính chính trị của vụ việc, sức nặng của bằng chứng lại đặc biệt cao mới có thể kết tội một cựu Tổng thống. Bằng chứng cần phải áp đảo – không chỉ đủ để thuyết phục bồi thẩm đoàn 12 người của khu vực Columbia, mà còn phải đủ để thuyết phục phần lớn người dân Mỹ.

Và rồi phải nói tới lịch sử đầy duyên nợ giữa ông Trump, FBI và Bộ Tư pháp. Vụ điều tra Nga can thiệp bầu cử từng được xem là một thất bại của FBI trong việc lợi dụng quy trình và đánh lừa dư luận. Giám đốc hiện tại của FBI Christopher Wray từng là người được ông Trump lựa chọn để thay thế cho “thảm họa” James Comey, nhưng cơ quan này vẫn còn vấn đề nghiêm trọng về uy tín.

Vụ khám xét Mar-a-Lago xảy ra vào thời điểm cách kỳ bầu cử có 90 ngày, càng làm tăng sự ngờ vực về chính trị. Đảng Dân chủ muốn giữ ông Trump là tâm điểm của chiến dịch tranh cử giữa kỳ.

Bất cứ ai nghĩ rằng việc luận tội và xét xử ông Trump sẽ diễn ra một cách suôn sẻ chắc chắn sẽ phải bất ngờ. Hàng triệu người ủng hộ ông Trump sẽ xem hành động này như sự xác minh cho những cáo buộc mà ông từng tung ra về “nhà nước ngầm,” và ai mà biết được họ sẽ phản ứng như thế nào. Ông Garland đã tính đến tất cả điều này chưa?

***

Nếu xét về dài hạn, thì điều tồi tệ nhất về vụ khám xét vừa qua là nó đã đặt ra một tiền lệ và cả đòn trả đũa có thể tiếp nối. Một khi giới hạn về việc khởi tố một cựu Tổng thống bị xâm phạm – đặc biệt là nếu tội danh và bằng chứng chưa đầy đủ - mọi vị Tổng thống Mỹ trong tương lai đều có thể trở thành mục tiêu. William Barr, vị Tổng chưởng lý thứ hai dưới thời Trump, đã có lựa chọn thông thái khi kháng lại sức ép luận tội các chính trị gia khi chưa có đủ bằng chứng mạnh mẽ. Nhưng người kế nhiệm ông đến từ đảng Cộng hòa, lại không thận trọng như vậy.

Đảng Dân chủ cũng có thể đã sai lầm khi tính toán về việc một khởi tố sẽ ảnh hưởng tới tương lai của ông Trump như thế nào. Chỉ riêng vụ khám xét của FBI cũng đã khiến ông Trump quyết tâm hơn trong việc tranh cử Tổng thống một lần nữa, dù chỉ là để chứng minh bản thân.

Tất cả những điều này có nguy cơ làm phức tạp thêm những tai họa đã xảy ra trong 6 năm qua. Ông Trump bị cáo buộc vi phạm các nguyên tắc chính trị, trong khi bên còn lại cũng vi phạm những nguyên tắc trong lúc phản ứng. Sự phân cực tăng lên, và niềm tin của người dân vào các tổ chức, vào sự dàn xếp hòa bình nhằm xóa nhòa sự khác biệt về chính trị...sẽ tiếp tục suy giảm.

Vụ đột kích khám xét nhà riêng cựu Tổng thống của FBI cho thấy rằng ông Garland có thể quyết tâm theo đuổi việc truy tố ông Trump. Nếu như vậy, ông ta đang đưa đất nước đi trên một con đường nguy hiểm. Có nhiều sự phá hoại bên trong một quốc gia, nhưng không ai lại muốn thử đi đến giới hạn của sự phá hoại ở nước Mỹ.

Theo Wall Street Journal