Hé lộ về hiệp định hòa bình gồm 15 điểm mà Nga và Ukraine bước đầu đạt được

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo các nguồn tin và tiết lộ của hai bên, cuộc đàm phán Nga - Ukraine đã mở ra bước ngoặt với việc đã bước đầu đạt được một bản dự thảo hiệp định hòa bình gồm 15 điểm.
Cuộc đàm phán hòa bình Nga-Ukraine đã có bước tiến triển quan trọng (Ảnh: AFP).
Cuộc đàm phán hòa bình Nga-Ukraine đã có bước tiến triển quan trọng (Ảnh: AFP).

Nga và Ukraine sẽ tiếp tục một vòng đàm phán hòa bình mới, nhưng tờ Financial Times của Anh hôm thứ Tư (16/3) dẫn lời một số quan chức thạo tin cho biết hai bên hai bên đã có vẻ đạt được một hiệp ước hòa bình gồm 15 điểm, trong đó yêu cầu Ukraine cam kết không bao giờ gia nhập NATO và duy trì địa vị trung lập, nhưng có thể tìm kiếm sự đảm bảo an ninh từ Mỹ và các nước khác để đổi lấy việc Nga ngừng bắn và rút quân. Đây được coi là bước tiến triển lớn trong cuộc đàm phán Nga-Ukraine.

Theo trang tin Hồng Kông Dongfang (Đông Phương) ngày 17/3, các nhà đàm phán Nga và Ukraine hôm thứ Hai (14/3) đã lần đầu tiên đàm phán về phiên bản đầy đủ của hiệp ước. Các điều khoản này bao gồm việc Ukraine vĩnh viễn không bao giờ gia nhập NATO, nước này sẽ không triển khai các căn cứ quân sự hoặc vũ khí nước ngoài trên lãnh thổ, thừa nhận Bán đảo Crimea thuộc về Nga và công nhận Luhansk và Donetsk ở phía đông Ukraine là các quốc gia độc lập, đảm bảo quyền nói tiếng Nga cho người Ukraine, v.v. Nếu Kiev đồng ý với các điều kiện trên, quân đội Nga sẽ ngừng tấn công Ukraine và rút quân, đồng thời Kiev cũng có thể tìm kiếm sự đảm bảo an ninh từ các đồng minh như Mỹ, Anh và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, người dẫn đầu đoàn đàm phán Ukraine (Ảnh: newsreadonline).

Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, người dẫn đầu đoàn đàm phán Ukraine (Ảnh: newsreadonline).

Các quan chức thông thạo về vấn đề này cho biết, tính chất của các đảm bảo an ninh của phương Tây ở Ukraine, trình tự chấp nhận của Moscow, cũng như vấn đề Crimea, là những trở ngại lớn đối với việc đạt được một hiệp định hòa bình. Các quan chức Ukraine cũng nghi ngờ liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có bất kỳ ý định ký hiệp ước hòa bình nào hay liệu ông chỉ câu giờ để tập hợp lại lực lượng, tiếp tục tấn công. Họ nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán có thể chỉ là một trò lừa và một màn khói, và rằng Ukraine cần gây áp lực với Nga cho đến khi họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc ký một hiệp ước hòa bình. Các nguồn tin Nga thì nói rằng nếu thỏa thuận trên đây được thông qua, cả hai bên đều có thể tuyên bố chiến thắng.

Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, nói rõ rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải bao gồm việc rút toàn bộ quân đội Nga khỏi các vùng lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng sau cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24/2, tức là các khu vực phía nam ven Biển Azov và Biển Đen, khu vực phía đông và phía bắc thủ đô Kiev. Ông nói thẳng rằng hiện tại không có một hệ thống an ninh châu Âu hiệu quả và ông chế nhạo NATO vì đã khoanh tay đứng nhìn trong khi chiến sự lớn diễn ra. Ukraine đã đề ra “mô thức Ukraine” để bảo đảm an ninh, yêu cầu xác định ngay lập tức và hợp pháp một số quốc gia là những nước bảo đảm an ninh cho Ukraine và Ukraine cũng sẽ giữ được lực lượng quân sự của mình.

Tờ ZN.UA Зеркало недели (Tuần báo Tấm Gương) của Ukraine đưa tin phía Nga đã đề xuất 6 điều kiện đình chiến với Ukraine, trong đó 5 điều kiện đầu tiên phải được ghi trong hiến pháp Ukraine. 6 điều kiện này là:

1. Ukraine từ bỏ yêu cầu gia nhập NATO và giữ địa vị trung lập. Nga sẽ đảm bảo an ninh cho Ukraine.

2. Đưa tiếng Nga trở thành ngôn ngữ chính thức thứ hai của Ukraine và xóa bỏ mọi hạn chế đối với tiếng Nga.

3. Công nhận chủ quyền của Nga đối với Bán đảo Crimea.

4. Công nhận nền độc lập của hai nước cộng hòa Donetsk và Luhansk.

5. Phi phát xít hóa Ukraine. Cấm các đảng phái chính trị theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, phát xít và tân phát xít, bãi bỏ các luật hiện hành tôn vinh chủ nghĩa phát xít và tân phát xít.

6. Phi quân sự hóa Ukraine. Ukraine từ bỏ hoàn toàn vũ khí tấn công và trở thành một quốc gia phi quân sự.

Ông Putin phát biểu trên truyền hình hôm 16/3 (Ảnh: AP).

Ông Putin phát biểu trên truyền hình hôm 16/3 (Ảnh: AP).

Chiến tranh Nga-Ukraine có vẻ đã mở ra bước ngoặt? Theo các nguồn tin, Nga và Ukraine đã chuẩn bị kế hoạch ngừng bắn và rút quân có điều kiện. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có một bài phát biểu quan trọng khác về hoạt động quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), kênh truyền thông của nhà nước Trung Quốc đưa tin, ngày 16/3 theo giờ địa phương, Nga và Ukraine đã dự thảo một kế hoạch ngừng bắn và rút quân trên cơ sở duy trì sự trung lập và giải trừ quân bị ở Ukraine.

Thư ký Báo chí Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết còn quá sớm để công bố đã đạt được sự nhất trí trong các cuộc đàm phán.

Cũng vào ngày 16/3 theo giờ địa phương, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tham dự Hội nghị cứu trợ Kinh tế và Xã hội Liên bang và có bài phát biểu trên truyền hình.

Theo hãng thông tấn TASS của Nga, ông Putin cho biết, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đang tiến triển thuận lợi và được thực hiện theo đúng kế hoạch. "Chiến dịch đang diễn ra suôn sẻ và đúng theo kế hoạch đã được phê duyệt từ trước", ông Putin nói.

Ông chỉ ra rằng mặc dù quân đội Nga đã tiếp cận Kiev và các thành phố khác ở Ukraine, nhưng họ không có kế hoạch hoặc mục đích chiếm đóng Ukraine.

Ông Medinski, Trưởng đoàn đàm phán của Nga gặp gỡ báo chí sau đàm phán (Ảnh: AP).

Ông Medinski, Trưởng đoàn đàm phán của Nga gặp gỡ báo chí sau đàm phán (Ảnh: AP).

Ông Putin nói: “Sự hiện diện của quân đội Nga ở Kiev và các thành phố khác không có nghĩa là Moscow có kế hoạch chiếm đóng Ukraine. Tôi đã nói rõ điều này trong phát biểu hôm 24/2”.

Ông Putin cũng nói, nếu quân đội Nga chỉ tác chiến ở Donbass, mối đe dọa sẽ không bị loại bỏ và từ đó sẽ xuất hiện một mặt trận mới.

Ông Putin lần đầu tiên nhấn mạnh rằng khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, để tránh đổ máu, phía Nga đã yêu cầu chính quyền Kiev không tham gia và có các hoạt động thù địch mà chỉ rút quân khỏi Donbass. "Nhưng họ không muốn làm như thế, đó là quyết định của riêng họ. Tình hình thực tế không thể tránh khỏi đã xuất hiện."

Ông Putin cảnh báo rằng chính quyền thân phát xít ở Kiev có thể sở hữu vũ khí hạt nhân trong tương lai gần và Nga sẽ là mục tiêu của họ.

Theo trang tin Dwnews ngày 17/3, ông Vladimir Medinsky, Trưởng đoàn đàm phán Nga, cho biết trong quá trình đàm phán chính phủ Ukraine đã đề xuất Ukraine trở thành một quốc gia trung lập có quân đội tương tự như Thụy Điển hoặc Áo. Một quốc gia trung lập có nghĩa là, trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang, quốc gia này không có hành động thù địch chống lại bất kỳ bên nào. Trong Liên minh châu Âu (EU) Áo, Thụy Điển, Malta, Ireland và Phần Lan đều là các quốc gia trung lập.

Ông Medinsky nói, tiến độ đàm phán Nga-Ukraine tiến triển gian nan và chậm chạp, nhưng Nga hy vọng sẽ sớm đạt được hiệp nghị hòa bình với Ukraine. Nga muốn đạt được "hiệp nghị nhiều thế hệ" với Ukraine, nhưng nói mục đích đàm phán của Nga không thay đổi, Nga cần một nước Ukraine hòa bình, tự do, trung lập và độc lập.

Ngoài Medinski, các nhà ngoại giao Nga khác cũng bày tỏ quan điểm tương tự. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 16/3 cho biết các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine không hề dễ dàng, nhưng vẫn có một số hy vọng về một thỏa hiệp và vấn đề trung lập của Ukraine đang được thảo luận một cách nghiêm túc.

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dimitry Peskov nói Nga cho rằng mô hình trung lập của Thụy Điển do Ukraine đề xuất có thể được coi là một sự thỏa hiệp.