Hé lộ sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá vào chính sách kiểm soát thuốc lá tại Việt Nam

VietTimes – Ngành công nghiệp thuốc lá đang tìm cách đạt được lợi nhuận, trực tiếp hoặc gián tiếp từ các sản phẩm thuốc lá và tìm đủ mọi cách để thuốc lá được tiêu thụ thông qua sự can thiệp vào các chính sách. Thông tin này được BS. Nguyễn Tuấn Lâm (Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam) chia sẻ tại hội thảo “Thúc đẩy cách tiếp cận tổng thể nhằm thực thi hiệu quả Luật phòng chống tác hại thuốc lá” do Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD), tổ chức điều phối Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) phối hợp với Viện Nghiên cứu Lập pháp - Quốc hội tổ chức sáng 31/5 tại Hà Nội.
Hội thảo “Thúc đẩy cách tiếp cận tổng thể nhằm thực thi hiệu quả Luật phòng chống tác hại thuốc lá”. Ảnh: Minh Thúy.
Hội thảo “Thúc đẩy cách tiếp cận tổng thể nhằm thực thi hiệu quả Luật phòng chống tác hại thuốc lá”. Ảnh: Minh Thúy.

Ngành công nghiệp thuốc lá không như “vẻ bề ngoài”

Theo BS. Nguyễn Tuấn Lâm, để đạt được lợi nhuận và tiêu thụ thuốc lá, ngành công nghiệp thuốc lá đã can thiệp vào các chính sách bằng cách: mua chuộc ngầm hay công khai trong  quá trình xây dựng chính sách, pháp luật; thổi phồng vai trò kinh tế của ngành công nghiệp thuốc lá; bóp méo các luồng ý kiến công chúng nhằm tạo hình ảnh doanh nghiệp tốt; tìm cách hăm dọa các chính phủ bằng các vụ kiện thương mại ở cấp quốc tế,…

Cùng với đó, ngành này cũng mời các nhà hoạch định chính sách tham dự sự kiện bên lề nhân hội thảo quốc tế về y tế công cộng, đồng thời, sử dụng các hoạt động tài trợ để đánh bóng hình ảnh và gây ảnh hưởng. Thực tế cho thấy, ngành công nghiệp thuốc lá luôn đặt lợi nhuận lên trên tính mạng con người, nên có sự mâu thuẫn về bản chất giữa lợi ích của họ với lợi ích của các chính sách y tế công cộng.

BS. Nguyễn Tuấn Lâm (Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam). Ảnh: Minh Thúy
BS. Nguyễn Tuấn Lâm (Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam). Ảnh: Minh Thúy

BS. Nguyễn Trọng An - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển Cộng đồng (RTCCD), Điều phối viên Liên minh NCDs-Việt Nam - đã phân tích những bằng chứng can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá vào các chính sách kiểm soát thuốc lá tại Việt Nam.

Điều được ông An chỉ ra đầu tiên về sự can thiệp là đã có nhiều quan chức của ngành thuốc lá trở thành cán bộ quản lý cao cấp của Bộ Công thương và gây tác động tới quá trình xây dựng chính sách. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp thuốc lá còn tìm cách gặp gỡ với các cơ quan nhà nước để đề xuất, kiến nghị các chính sách có lợi và tăng vị thế cho ngành công nghiệp thuốc lá. Sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá còn có thể thấy qua việc lợi dụng cơ chế góp ý kiến xây dựng chính sách để đưa ra các ý kiến của mình, đồng thời, tham gia vào các đoàn đàm phán Công ước Khung của Tổ chức Y tế Thế giới về Kiểm soát Thuốc lá.

BS. Nguyễn Trọng An - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển Cộng đồng (RTCCD), Điều phối viên Liên minh NCDs-Việt Nam. Ảnh: Minh Thúy
BS. Nguyễn Trọng An - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển Cộng đồng (RTCCD), Điều phối viên Liên minh NCDs-Việt Nam. Ảnh: Minh Thúy

Kiến nghị giải pháp kiểm soát thuốc lá

Theo TS.Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển Cộng đồng (RTCCD), Trưởng Ban điều phối NCDs-VN, Điều 5.3 Công ước Khung của Tổ chức Y tế Thế giới về Kiểm soát Thuốc lá: “Khi xây dựng và áp dụng các chính sách y tế công cộng liên quan đến kiểm soát thuốc lá, các bên tham gia Công ước sẽ hành động để bảo vệ những chính sách đó khỏi những sự tác động tiêu cực do tác động từ lợi ích thương mại và lợi ích riêng của ngành công nghiệp thuốc lá và tuân theo quy định của luật pháp quốc gia”, đã thúc đẩy hành động của các quốc gia để bảo vệ chính sách y tế công cộng khỏi sự tác động tiêu cực của ngành công nghiệp thuốc lá.

TS.BS. Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển Cộng đồng (RTCCD), Trưởng ban điều phối NCDs-VN (Ảnh: Minh Thúy)
TS.BS. Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển Cộng đồng (RTCCD), Trưởng ban điều phối NCDs-VN (Ảnh: Minh Thúy)

Để thực hiện có hiệu quả Công ước Khung của Tổ chức Y tế Thế giới về Kiểm soát Thuốc lá, TS.BS. Trần Tuấn nhấn mạnh: Cần nâng cao nhận thức về bản chất có hại của các sản phẩm đã được khoa học chứng minh có hại cho sức khỏe công cộng (thuốc lá, rượu bia, amiang, nhiệt điện than, hóa chất cần dùng trong nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm). Xây dựng các chính sách và các văn bản dưới luật để: Từ chối quan hệ đối tác với ngành công nghiệp phi nhân bản; yêu cầu thông tin cần cung cấp từ ngành công nghiệp phi nhân bản một cách minh bạch và thường xuyên; tiến tới xóa bỏ và không đối xử ưu đãi với ngành công nghiệp (thuốc lá, rượu bia, nhiệt điện than, amiang, hóa chất cấm). Xây dựng các chính sách cho cán bộ nhà nước (qui tắc ứng xử) để tránh mâu thuẫn lợi ích, xung đột về quyền lợi và cấm/hạn chế tương tác với ngành công nghiệp phi nhân bản. Ngoài ra, cần phải phi bình thường hóa hoạt động gọi là “trách nhiệm xã hội” của các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp phi nhân bản.

Kết thúc hội thảo, ông Hoàng Văn Tú - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp – Quốc hội cho biết, các ý kiến tại hội thảo ngày hôm nay sẽ được gửi tới các đại biểu Quốc hội, để hướng tới việc thực thi hiệu quả Luật Phòng chống tác hại thuốc lá.