An Thanh
An Thanh

Nhà báo

Hãy xã hội hóa biên soạn và xuất bản sách giáo khoa!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes -- Đến giờ, sắp khai giảng năm học nhưng phụ huynh vẫn đôn đáo đi lùng mua sách giáo khoa đầu cấp (lớp 1,6,10) cho con em mình. Ông Vũ Xuân Dương, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần sách và thiết bị trường học Hà Nội cho biết đơn vị đã 3 lần điều chỉnh kế hoạch nhưng sách vẫn khan hiếm. Nếu vẫn tình trạng để Nhà xuất bản giáo dục độc quyền phát hành sách giáo khoa (SGK) thì chúng ta chưa thể giải quyết tận gốc vấn đề này.

Trước hết phải nói rằng, trước ta chẳng có quốc gia nào còn độc quyền SGK và sau ta cũng chả nước nào Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) lại đứng ra tổ chức biên soạn SGK cả. Thông thường Bộ giáo dục các nước chỉ thông qua "danh sách SGK được duyệt" ("Approved Textbook List", viết tắt là "ATL"). Nhà trường và giáo viên căn cứ ATL là danh sách các SGK, sách bài tập của các nhà xuất bản (NXB) khác nhau được Bộ Giáo dục phê duyệt để dạy học. Thời hạn sử dụng mỗi SGK thường là 5 năm, sau đó Bộ Giáo dục sẽ đánh giá, phê duyệt lại. Chất lượng SGK vì vậy cũng tốt hơn và chắc chắn không đơn vị nào dám để xẩy ra tình trạng “cung không đủ cầu” như năm học này.

Thực tế, Nghị quyết 88 của Quốc hội nêu rõ: “Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông”, nhưng đến nay không một tổ chức, cá nhân nào dám “thi đấu” với Bộ GD&ĐT khi chính bộ cũng đứng ra biên soạn một bộ SGK. Đơn giản là Bộ GD&ĐT có lợi thế sử dụng khoản khi phí 77 triệu USD do Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cam kết tài trợ cho để thực hiện mục tiêu của dự án. Trong đó, kinh phí dành cho biên soạn một bộ SGK do Bộ GD&ĐT tổ chức thực hiện là 16.068.150 USD, kể cả việc biên soạn sách song ngữ (tiếng Việt - tiếng một số dân tộc thiểu số có chữ viết) của một số môn học ở tiểu học, biên soạn và thử nghiệm SGK điện tử..., cấp SGK cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn là 4,5 triệu USD.

Cần xã hội hóa khâu biên soạn và xuất bản sách giáo khoa để chấm dứt tình trạng khan hiếm sách
Cần xã hội hóa khâu biên soạn và xuất bản sách giáo khoa để chấm dứt tình trạng khan hiếm sách

Ngoài ra Bộ GD&ĐT có lợi thế đầu ra khi áp đặt cho Sở, phòng và nhà trường phải sử dụng bộ SGK cho đơn vị này tổ chức biên soạn. Nếu một tổ chức, cá nhân và NXB “liều lĩnh” biên soạn và phát hành SGK thì cầm chắc lỗ vốn nặng vì không có đầu ra tiêu thụ. Việc “độc quyền” và “khép kín từ sản xuất đến phát hành” nên khi công ty sách - thiết bị trường học địa phương năm nay đặt kế hoạch thấp để tránh tồn kho đã nảy sinh tình trạng khan hiếm. Có phụ huynh đã phải mua đắt gấp 5 lần giá bìa, gây bức xúc lớn trong dư luận.

Phía Bộ GD&ĐT và cơ quan thẩm tra của Quốc hội thì lý giải việc quyết định để Bộ GD-ĐT đứng ra tổ chức biên soạn một bộ SGK đầy đủ từ lớp 1 đến lớp 12 là để chủ động được trong việc đảm bảo đủ SGK cho học sinh học tập, tránh trường hợp có những bộ hoặc cuốn SGK không có NXB nào đứng ra biên soạn và phát hành, gây bị động cho việc dạy và học ở các nhà trường. Nhưng các chuyên gia giáo dục lại cho rằng, nếu chỉ thế thì Bộ GD&ĐT không cần ôm trọn vẹn bộ SGK đầy đủ từ lớp 1 đến lớp 12. Sau khi “xã hội hóa”  Bộ chỉ đảm nhiệm tổ chức (hoặc chỉ định NXB nào đó) viết những cuốn SGK cần thiết cho học sinh nhưng chưa được các NXB và nhóm tác giả khác lựa chọn. Cùng với đó thực sự giao quyền lựa chọn SGK cho giáo viên vì nội dung cuốn sách ấy phù hợp với học sinh mà họ đang dạy.

Để chấm dứt tình trạng khan hiếm sách, phụ huynh phải mua đắt gấp đôi, gấp ba giá bìa, không còn cách nào khác là “xã hội hóa” việc biên soạn sách giáo khoa và trao quyền tự chủ chọn sách dạy và học cho các trường phổ thông.