Hậu đại dịch COVID-19, số người rối loạn sức khỏe tâm thần gia tăng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Đại dịch COVID-19 không chỉ tàn phá kinh tế, mà còn để lại nhiều hậu quả nặng nề về sức khoẻ tâm thần cho rất nhiều người.

Bác sĩ của Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia tư vấn cho bệnh nhân trầm cảm
Bác sĩ của Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia tư vấn cho bệnh nhân trầm cảm

Nhiều người vẫn đang chịu hậu quả về sức khỏe tâm thần sau đại dịch COVID-19. Đó là những người phải chứng kiến sự mất mát quá lớn và quá đột ngột của người thân, hay cán bộ y tế chứng kiến nhiều bệnh nhân tử vong vì COVID-19 đã rơi vào trầm cảm; những cháu bé bị rối loạn cảm xúc sau khi người thân mất; những doanh nhân bị nợ nần hay phá sản do khó khăn sau đại dịch, những người bị mất việc làm, kinh tế khó khăn vv... cũng bị rối loạn tâm thần…

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các nghiên cứu ở Trung Quốc, Đan Mạch, Iran, Ý, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ vv… cho thấy đại dịch COVID-19 đã làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn sức khỏe tâm thần: 6-51% mắc rối loạn lo âu, 15-48% bị trầm cảm, 7-54% bị căng thẳng sau sang chấn, và có khoảng 34-38% số người bị các rối loạn tâm lý không xác định.

Ở Việt Nam, theo đánh giá của WHO và các chuyên gia y tế, tỷ lệ người mắc các rối loạn sức khỏe tâm thần (rối loạn lo âu, trầm cảm, mất ngủ …) và các vấn đề tương tự tăng cao trong và sau đại dịch COVID-19. Điều này là do hậu quả của nhiều vấn đề mà người dân phải đối mặt: lo lắng dịch bệnh, khủng hoảng tinh thần vì mất người thân, mất việc làm và thu nhập, bị kỳ thị/phân biệt đối xử, áp lực công việc quá căng thẳng, lạm dụng rượu bia,…

vt_pgs-tuan--6890326_272020.jpg
PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn - Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia khám và tư vấn cho người bệnh

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, một điều tra gần đây của Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho thấy tỷ lệ mắc các rối loạn tâm thần phổ biến chiếm khoảng 14%. Trong đó, một số rối loạn tâm thần có tỷ lệ mắc cao như liên quan đến sử dụng rượu, bia (5%), trầm cảm (3%) và lo âu (2%).

Nguyên nhân của sự gia tăng này có liên quan đến một số yếu tố nguy cơ phổ biến, bao gồm sử dụng rượu bia, chất gây nghiện, chơi game trực tuyến, áp lực học tập, áp lực công việc căng thẳng, áp lực cuộc sống quá lớn và già hóa dân số.. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 hay các dịch bệnh mới nổi cũng làm gia tăng rối loạn sức khỏe tâm thần.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh rằng các quốc gia từng trải qua đợt bùng phát dịch trước Việt Nam đã dự báo được vấn đề rối loạn sức khỏe tâm thần do đại dịch COVID-19 và đã tích cực triển khai các biện pháp phòng ngừa, tư vấn và điều trị.

Dựa trên kinh nghiệm đó, WHO đã tổng hợp, đánh giá và đưa ra các khuyến nghị, tạo cơ sở cho Việt Nam nghiên cứu và áp dụng trong thực tế. Các khuyến nghị đó bao gồm việc lồng ghép nội dung chăm sóc sức khỏe tâm thần vào thực tế như: lồng ghép nội dung chăm sóc sức khỏe tâm thần vào Kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 cấp quốc gia cũng như ở các địa phương; lồng ghép cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần vào các dịch vụ quản lý bệnh mạn tính vào chăm sóc, điều trị COVID-19, xây dựng kế hoạch, giải pháp chăm sóc sức khỏe tâm thần cho thời kỳ hậu COVID-19.

“Theo khuyến cáo của một số tổ chức quốc tế và thực tiễn dịch bệnh tại Việt Nam, Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Sức khỏe tâm thần cùng các chuyên gia trong nước, quốc tế tiếp tục xây dựng Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tâm thần, trong đó có các hướng dẫn hoạt động để nâng cao sức khỏe tinh thần của người dân; hướng dẫn đánh giá nguy cơ rối loạn tâm thần vv…” - Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin.

vt-bs-loan-8357.jpg
Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhi bị rối loạn cảm xúc

Một trong những khó khăn hiện nay là tỷ lệ bác sỹ chuyên khoa tâm thần còn ít, chưa đáp ứng được thực tế. Vì thế, theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, định hướng trọng tâm giai đoạn tới của ngành y tế là đưa nội dung chăm sóc sức khỏe tâm thần vào chính sách quốc gia, làm cơ sở để triển khai các hoạt động trên toàn quốc. Đồng thời, có kế hoạch củng cố, phát triển các bệnh viện chuyên khoa tâm thần tuyến trung ương và tuyến tỉnh phù hợp với quy mô dân số, để chẩn đoán, điều trị toàn diện, chuyên sâu các rối loạn sức khỏe tâm thần vv….

Để giải quyết vấn đề nhân lực thiếu hiện nay, ngành y tế sẽ tăng cường đào tạo bác sỹ chuyên khoa tâm thần, điều dưỡng ngành tâm thần, cán bộ tâm lý lâm sàng và đào tạo chuyên môn về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho bác sỹ đa khoa. Bên cạnh đó, ngành y tế cũng rà soát, bổ sung, hoàn thiện các chế độ chính sách để khuyến khích cán bộ y tế làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Trả lời câu hỏi của VietTimes về việc ngành y tế sẽ làm gì để tiếp tục ứng phó với căn bệnh này trong tương lai gần, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ hiện ngành y tế mới đang tập trung giải quyết các thể tâm thần nặng như tâm thần phân liệt, động kinh và trầm cảm. Vì vậy, trong giai đoạn tới, bên cạnh việc tăng cường phát hiện, quản lý điều trị các thể tâm thần nặng, ngành y tế sẽ phải triển khai hoạt động phòng, chống các rối loạn sức khỏe tâm thần khác, cũng như kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh.

Theo Ngân hàng thế giới, cứ mỗi một đô la đầu tư cho điều trị bệnh trầm cảm và lo âu sẽ mang lại bốn đô la do sức khỏe và khả năng làm việc tốt hơn. Vì thế, ngành y tế đang xây dựng Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2021-2025, trong đó có các biện pháp để giải quyết các vấn đề nêu trên.

Đó là nâng cao hiểu biết của người dân về phòng, chống rối loạn sức khỏe tâm thần, đặc biệt là xóa bỏ nhận thức sai lệch của người dân về bệnh này. Đồng thời, cần nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp, các ngành để phối hợp cùng ngành y tế phòng, chống các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đảm bảo an sinh xã hội cho người mắc bệnh.

Bên cạnh đó, cần đề ra kế hoạch phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần, bao gồm việc phát triển đồng bộ các cơ sở chuyên khoa tâm thần cùng với mạng lưới cung cấp dịch vụ phát hiện sớm, quản lý điều trị, phục hồi chức năng và chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng.

Một giải pháp khác là tích hợp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần vào các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chung, đặc biệt là ở tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu. Cần triển khai khám, điều trị một số rối loạn sức khỏe tâm thần tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện với các hoạt động quản lý, chăm sóc người bệnh rối loạn sức khỏe tâm thần tại cộng đồng.