Hậu cơ chế giá FIT, thị trường năng lượng tái tạo sẽ đón 'làn sóng' M&A mới?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hậu cơ chế giá FIT, thị trường năng lượng tái tạo sẽ tập trung vào các 'tay chơi' lớn có lợi thế cả về quy mô và nguồn vốn.
Bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối phân tích CTCP Chứng khoán VNDirect
Bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối phân tích CTCP Chứng khoán VNDirect

Đó là quan điểm của bà Trần Thị Khánh Hiền – Giám đốc khối phân tích CTCP chứng khoán VNDirect - tại buổi tọa đàm “Trung Nam Investor Day 2022” do Trungnam Group tổ chức chiều nay (3/11).

Theo bà Hiền, nếu tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt từ 6 – 7% thì tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện sẽ ở mức hơn 8% trong giai đoạn 2021 – 2030.

Bên cạnh đó, phát triển năng lượng tái tạo không chỉ để đáp ứng nhu cầu đảm bảo an ninh năng lượng.

"Hiện nay, cường độ carbon của sản xuất xuất khẩu tại Việt Nam đang nhiều gấp 2 lần của Trung Quốc và lớn hơn rất nhiều với các thị trường cạnh tranh như Philippines hay Thái Lan. Điều đó có nghĩa, nếu nước ta chậm trễ trong việc chuyển đổi năng lượng sẽ làm suy yếu năng lực xuất khẩu và độ cạnh tranh của sản phẩm trong nước", bà Hiền nói.

Theo vị chuyên gia này, Việt Nam hiện đang dẫn đầu cuộc đua năng lượng tái tạo (NLTT) ở Đông Nam Á và nằm trong số 20 nước có công suất NLTT lớn nhất trên thế giới. Với xuất phát điểm từ năm 2019 chỉ ở mức dưới 1GW NLTT thì đến nay, nước ta đã sản xuất hơn 20GW điện tái tạo.

"Động lực dẫn dắt sự tăng trưởng thần tốc trong những năm gần đây là các doanh nghiệp tư nhân. Nếu không có sự tham gia nhiệt tình của các doanh nghiệp tư nhân thì chắc chắn Việt Nam khó có thể đạt được vị trí cao trong bản đồ NLTT”, bà Hiền chia sẻ.

Thị trường năng lượng tái tạo sắp đón 'sóng' M&A?

Đại diện VNDirect cho rằng, cơ chế giá FIT là yếu tố tạo nên thành công của thị trường điện NLTT. Sau khi cơ chế giá FIT chấm dứt, hai yếu tố chi phối thị trường này là cạnh tranh về giá và cạnh tranh về chi phí đầu tư.

“Chỉ có một số doanh nghiệp có ưu thế về quy mô công suất, có năng lực vận hành tốt và đa dạng hóa được nguồn vốn vay thì mới được hưởng lợi hậu cơ chế giá FIT”, bà Hiền nhận định.

Dù trong hai năm qua cơ chế này đã khuyến khích số lượng lớn doanh nghiệp tham gia vào thị trường, nhưng không thể bỏ qua hệ lụy của nó là khiến doanh nghiệp tham gia đầu tư chỉ có quy mô vốn nhỏ.

Theo ước tính của VNDirect, 10 doanh nghiệp đầu tư lớn nhất chỉ chiếm khoảng 40% quy mô toàn thị trường.

"Sau giai đoạn khuyến khích về giá, thị trường sẽ chứng kiến sự sôi động của hoạt động M&A, khi các doanh nghiệp lớn sử dụng lợi thế về quy mô, nguồn vốn để thâu tóm lại các đơn vị nhỏ khác", bà Hiền dự báo.

Tuy nhiên, để doanh nghiệp tham gia vào mảng này cần nguồn vốn rất lớn, nhưng thị trường trong nước, tài chính xanh chưa phát triển và rất khó tiếp cận với nguồn vốn nước ngoài, còn vốn trong nước thì lại không cung cấp đủ, không những thế lại có lãi suất lớn.

Với lợi thế về mặt địa lý, Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển mảng điện gió. Nhiều doanh nghiệp phát triển điện gió đã hiện diện ở trong nước để tìm kiếm cơ hội rộng mở này. Bất chấp những lo ngại về kinh tế thế giới thì những thương vụ M&A trong ngành vẫn ghi nhận tăng trưởng nhanh, gấp đôi năm ngoái.

Dù trong nước chưa nhiều quỹ đầu tư tài sản. Trong những tháng đầu năm 2022, dòng vốn ESG cũng ghi nhận tăng mạnh. Khi nước ngoài tích cực mua lại những dự án NLTT của Việt Nam đã giúp đẩy giá những dự án này lên rất cao./.