Apple ngày nay là công ty có giá trị nhất thế giới. Có được thành công đó một phần lớn là nhờ vào tầm nhìn của người đồng sáng lập và cố CEO công ty Steve Jobs. Đó là sự thật không có gì phải bàn cãi. Những công lao của Jobs với Apple được phản ánh qua nhiều sách báo, thậm chí là được dựng thành phim. Thế nhưng, tất cả vẫn mới chỉ là một nửa của câu chuyện. Người ta thường nói về những phát minh, sáng tạo mà Jobs đã áp dụng vào các sản phẩm, nhất là trên iPhone, iPad; thế nhưng, trước khi có được những thành công ban đầu, Apple từng rơi vào thảm cảnh đứng trước nguy cơ phá sản, liên tục đổi CEO và lỗ triền miên quý này sang quý khác.
Năm 1996, CEO Apple lúc đó là Gil Amelio hiểu rằng, ông cần làm một cái gì đó đột phá nhằm cứu vãn tình hình. Amelio đã đàm phán mua lại NeXT, công ty máy tính do Steve Jobs lập ra và sở hữu sau khi ông bị Apple sa thải trước đó (vào năm 1985); với hy vọng rằng Jobs sẽ có một số định hướng cần thiết cho công ty.
Tuy nhiên, sau khi về lại với Apple, Jobs đã tác động vào Hội đồng quản trị để khiến Amelio bị sa thải. Ông quyết định rằng, nếu muốn cứu Apple, ông sẽ là người duy nhất làm việc đó bằng mọi giá, ngay cả bằng việc kêu gọi sự giúp đỡ từ đối thủ Microsoft.
Cuối 1996, Aple công bố kế hoạch đưa Steve Jobs trở về sau 11 năm ông rời công ty, thông qua việc mua lại startup do Jobs sở hữu là NeXT với giá 429 triệu USD. Thời điểm thâu tóm này cũng kịp lúc để Steve Jobs cùng với CEO hiện tại của Apple Gil Amelio bước lên sân khấu phát biểu bài keynote tại hội nghị Macworld Expo - một hội nghị dành cho các fan của dòng máy tính Mac.
Những công lao của Jobs với Apple được phản ánh qua nhiều sách báo, thậm chí là được dựng thành phim. Thế nhưng, tất cả chỉ là một nửa của câu chuyện...
NeXT của Steve Jobs thời điểm đó cũng tìm được cho mình một phân khúc thị trường. Họ sản xuất và bán các mẫu máy tính chuyên làm đồ hoạ với công nghệ màn hình tiên tiến cho các trường đại học và ngân hàng. Apple hy vọng rằng, Jobs sẽ đem lại sức sống mới cho Mac và cho cả Apple vốn lúc này đang trải qua giai đoạn khủng hoảng: giá cổ phiếu xuống thấp nhất trong vòng 12 năm kể từ khi Amelio lên làm CEO.
Vào 4/7/1997, Jobs thuyết phục Hội đồng quản trị của Apple để lật đổ Amelio và để ông làm CEO tạm thời, sau đó là chính thức. Tháng 8/1997, Jobs lên sân khấu tại một hội nghị Macworld Expo khác và công bố rằng, Apple đã nhận 150 triệu USD đầu tư từ đối thủ lâu đời Microsoft. "Chúng tôi cần tất cả những sự giúp đỡ mà chúng tôi có thể có được" - Jobs đáp lại những tiếng la ó từ phía những khách mời trong khán phòng.
Trên thực tế, vào năm 1997, tình hình tài chính của Apple thảm khốc tới nỗi CEO và nhà sáng lập của Dell là Michael Dell, một trong những đối tác lớn của Microsoft, nói rằng nếu ông ở vai trò của Jobs, ông sẽ đóng cửa công ty và trả lại tiền cho cổ đông.
Nhưng đầu năm 1998, tại một triển lãm Macworld Expo nữa diễn ra ở San Francisco, Jobs kết thúc bài phát biểu của mình bằng một câu nói về sau mang tính "biểu tượng": "One More Thing" (tạm dịch: Và cuối cùng là…): Nhờ sự định hướng của Jobs và sự giúp đỡ của Microsoft, Apple cuối cùng lại có lãi.
Cũng vào năm 1998, Jobs thuê về một lãnh đạo tên Tim Cook để giúp Apple mở rộng tầm hoạt động ra toàn thế giới. Cook về sau trở thành COO của công ty.
Jobs cần sự giúp đỡ. Ở thời điểm này, ông vừa làm CEO Apple lẫn CEO của Pixar Studios, công ty mà ông làm Giám đốc đầu tư với số vốn 10 triệu USD bỏ ra. Jobs trên thực tế còn là Giám đốc sản xuất của phim hoạt hình nổi tiếng "Toy Story".
Phía sau hậu trường, Jobs tạo ra những thay đổi lớn cho nhân viên Apple. Dưới thời Steve Jobs, nhân viên được ăn uống ngon hơn. Nhân viên bị cấm mang thú cưng đến công sở bởi ông muốn mọi người tập trung vào công việc.
Gần tròn 1 năm sau khi có tiền đầu tư từ Microsoft, vào tháng 8/1998, Apple ra mắt chiếc iMac đầu tiên, một mẫu PC all-in-one hiệu năng cao được Jobs và tài năng mới là Jonathan Ive đồng thiết kế.
iMac có nhiều tuỳ chọn màu sắc và đây cũng là lần đầu tiên thế giới được biết đến tài năng thiết kế của Ive. Chiếc iMac đầu tiên bán rất tốt với doanh số 800.000 chiếc trong 5 tháng đầu tiên lên kệ.
Jobs ban đầu đặt tên "MacMan" cho chiếc Mac mới. Tuy nhiên, Ken Segall, lãnh đạo agency quảng cáo của Apple thời điểm đó đã gợi ý đặt tên là "iMac". Chữ "i" theo ông nghĩa là internet", khi mà với iMac, người dùng chỉ cần 2 bước để kết nối với web. Tuy nhiên, Apple cũng nói rằng chữ "i" nghĩa là "individuality" (cá nhân) và "innovation" (cách tân).
Cách đặt tên này về sau được Apple giữ lại. Năm 1999, Apple giới thiệu iBook, một chiếc PC tân thời với tham vọng lặp lại thành công của iMac nhưng dưới dạng một chiếc laptop tầm thấp, giá rẻ.
Thế nhưng bước đi đột phá tiếp theo của Apple chỉ đến vào năm 2001, khi Mac OS X được phát hành. Công ty không thu được mấy thành công với Mac OS 8 và 9, nhưng OS X thì ngược lại nhờ việc hệ điều hành này được thiết kế lại hoàn toàn, dựa chủ yếu vào các công nghệ Unix và BSD vốn là "hạt nhân" của các máy tính mà công ty NeXT của Jobs phát triển.
Từ đây, những điều tốt đẹp liên tiếp đến với Apple. Vào cuối 2001 hãng mở các cửa hàng bán lẻ đầu tiên của mình ở Virginia và California.
Sang tháng 10, Apple của Jobs mở rộng ra các lĩnh vực ngoài Mac, với việc tung ra iPod, một chiếc máy nghe nhạc số giúp "lưu trữ 1.000 bài hát trong túi quần". Ban đầu iPod bán khá chậm, chủ yếu do có giá cao lên tới 399 USD và chỉ tương thích với Mac.
Năm 2003, Apple ra mắt iTunes Music Store với mô hình giá bán 0,99 USD cho mỗi bài hát. Cùng lúc này, cả iTunes và iPod đều đã hỗ trợ các máy tính chạy Windows, giúp các sản phẩm âm nhạc của Apple được dịp bùng nổ.
Nhưng năm 2003, Jobs nhận được một thông tin xấu liên quan tới sức khoẻ của mình: Ông bị ung thư tuyến tuỵ. Jobs giữ bí mật điều này và chỉ chia sẻ cho nhân viên biết vào năm 2004.
Trong chỉ 6 năm, Apple từ vị thế chỉ là "trò cười" cho các ông lớn trong làng công nghệ đã trở thành ông lớn đúng nghĩa. Và từ 2003 đến 2006, giá cổ phiếu công ty tăng từ 6 USD/cổ phiếu lên tới 80 USD. Apple vẫn kém xa Microsoft về giá trị thị trường, thế nhưng rõ ràng công ty đã làm ra được những khoản tiền khổng lồ.
Theo năm tháng, "Táo khuyết" đứng trước áp lực phát triển thiết kế để tạo ra các thiết bị toàn màn hình cảm ứng. Năm 2004, Jobs thành lập dự án "Project Purple" do Ive phụ trách còn mình làm giám sát nhằm phát triển một thiết bị như thế. Ban đầu, Jobs đã hình dung về việc ra mắt một chiếc tablet song cuối cùng sản phẩm ra lò lại là concept một mẫu điện thoại.
Thời điểm này, dòng iPod cũng chỉ có tốc độ phát triển chậm. Đến 2005, Apple có các mẫu iPod, iPod Mini, iPad Nano và iPod Shuffle, với kích thước theo thứ tự giảm dần. Cùng năm này chiếc iPod đầu tiên hỗ trợ phát video ra đời, và Apple lúc này bắt đầu cho phép mua phim, video trên iTunes.
Năm 2005, Motorola giới thiệu ROKR, một chiếc điện thoại do hãng và Apple phối hợp phát triển. Đây là điện thoại đầu tiên có thể chơi nhạc từ iTunes Music Store, tuy nhiên hạn chế về phần mềm mà nó chỉ lưu được 100 bài hát.
Năm 2006, Jobs đã có một quyết sách giúp cứu rỗi tương lai máy tính Mac. John Sculley, cựu CEO Apple trước đó chọn mua những mẫu vi xử lý PowerPC đắt đỏ để dùng cho Mac, ngược lại các nhà sản xuất PC chạy Windows dùng chip Intel. Điều này khiến giá Mac vừa đắt vừa gây khó cho các nhà phát triển trong việc làm phần mềm cho nó. Nhưng sang 2006, Apple giới thiệu chiếc MacBook Pro đầu tiên cùng với iMac mới, và cả 2 đều dùng chip của Intel.
Điều đó cũng có nghĩa là lần đầu tiên người dùng có thể cài Windows lên máy tính Mac của Apple.
"Táo khuyết" lúc này tiếp tục ăn nên làm ra. Cùng năm 2006, cửa hàng Apple Store cao cấp được mở ở Midtown Manhattan. Cấu trúc khối thuỷ tinh độc nhất của cửa hàng này đã giúp nó trở thành một điểm nhấn đáng chú ý tại New York City.
Tuy nhiên, cũng ở thời điểm này, sức khoẻ của Jobs đã bắt đầu kém đi. Nhìn vào bức ảnh ông bắt tay với CEO Disney là Bob Iger tại 1 sự kiện năm 2006 để thấy Jobs đã gầy đi trông thấy.
2006 đánh dấu một chiến thắng cá nhân đối với Steve Jobs. Ông đã gửi cho nhân viên một email với nội dung rằng: "Các bạn, hoá ra Michael Dell không giỏi trong việc dự đoán tương lai. Dựa trên giá giao dịch cổ phiếu, giá trị của Apple giờ đây đã lớn hơn Dell. Giá cổ phiếu lên xuống liên tục và bất kỳ điều gì cũng có thể thay đổi vào ngày mai, nhưng tôi nghĩ rằng hôm nay là một ngày đáng để suy ngẫm lại mọi thứ. Steve".
Sau nhiều năm chỉ "tồn tại" ở dạng tin đồn, chiếc iPhone cuối cùng cũng được Apple ra mắt tại triển lãm Macworld Expo tháng 1/2007. Máy kết hợp các tính năng âm nhạc của iPod với màn hình cảm ứng nhạy, bóng bẩy và không cần tới bút stylus - trái ngược với hầu hết thiết bị di động thời bấy giờ. Safari trên iPhone cũng là trình duyệt web đầy đủ tính năng đầu tiên trên một chiếc điện thoại.
Một tờ báo lúc đó quá háo hức đã gọi đây là "chiếc điện thoại của Chúa" (Jesus Phone). Các fan hâm mộ của Apple cũng háo hức cắm trại bên ngoài các cửa hàng Apple Store tại Mỹ để xếp hàng chờ mua máy.
iPhone thực sự đã tạo ra một cơn chấn động, lên kệ hồi tháng 8/2007 và chỉ 74 ngày đã bán được 1 triệu máy.
Năm 2008, Apple ra mắt bản update lớn cho iPhone: chiếc iPhone 3GS. Máy có tốc độ mạng nhanh hơn, nhưng quan trọng nhất đó là nó được tích hợp App Store cho phép bạn cài phần mềm từ các nhà phát triển bên thứ ba. Khi ra mắt, App Store có 500 ứng dụng. Kể từ khi App Store ra mắt, khái niệm ngành kinh tế ứng dụng cũng bắt đầu xuất hiện.
Dù vậy, sức khoẻ của Jobs tiếp tục xấu đi. Tháng 8/2008, trang Bloombergvô tình cho xuất bản một cáo phó của Steve Jobs. Trong bài phát biểu hồi tháng 9 cùng năm, Jobs chỉ "cười trừ" với bài cáo phó đó.
Năm 2009, Tim Cook được cử lên làm CEO tạm thời trong khi Jobs vắng mặt 3 tháng đi chữa bệnh. Ngay cả khi Jobs quay lại, Cook vẫn là người thường xuyên phát biểu trong các sự kiện của Apple. Bệnh tình của Steve Jobs được các bác sỹ chẩn đoán là chuyển biến theo chiều hướng tốt.
Năm 2010, Jobs giới thiệu Apple iPad, chiéc tablet mà ông đã muốn có từ đầu những năm 2000.
iPhone và iPad cũng đánh dấu cột mốc lần đầu tiên 1 hãng công nghệ quyết định ngừng hỗ trợ Flash của Adobe. Flash là thành phần không thể thiếu để tạo các nội dung giải trí trên web (như game, nhạc...). Thế nhưng Jobs cho rằng nó quá chậm và bảo mật kém, bởi vậy, cả iPhone và iPad đều ngừng hỗ trợ chuẩn này. Điều này khiến Adobe lo sợ thực sự và hãng đã phải đăng một quảng cáo trên tạp chí để cầu xin Apple xem xét lại. Tuy nhiên, nỗ lực đó của Adobe không mang lại bất cứ kết quả nào.
Vào đầu 2011, trong quá trình tạm dừng công việc đi chữa bệnh, Jobs có thêm 2 lần lên sân khấu giới thiệu sản phẩm nữa: 1 lần vào tháng 3 để ra mắt iPad 2, và 1 lần vào tháng 6 để giới thiệu dịch vụ iCloud.
Lần cuối cùng ông xuất hiện trước công chúng cũng là vào tháng 6/2011. Ông đề xuất xây dựng trụ sở Apple Campus mới tới Hội đồng thành phố Cupertino. Sau nhiều năm xây dựng, Apple đang chuẩn bị chuyển sang trụ sở hình phi thuyền này vào đầu 2017.
Jobs thôi làm CEO Apple vào 24/8/2011, chuyển qua giữ chức chủ tịch sau khi căn bệnh ung thư tuyến tuỵ tái phát. Không lâu sau, ông mất vào ngày 5/10/2011. Apple treo cờ rũ để tang nhà đồng sáng lập, CEO, và là người đã hồi sinh công ty.
Tim Cook trở thành CEO chính thức của Apple kể từ khi Jobs từ chức. Apple tiếp tục phát triển dưới sự chèo lái của ông và trở thành công ty có giá trị nhất thế giới.
Theo ICTNews