Hàng trăm tàu đánh cá đại dương Trung Quốc ồ ạt tới đánh bắt gần vùng đặc quyền kinh tế Ecuador

VietTimes – Ecuador, một quốc gia Nam Mỹ cho biết, sau những rắc rối xảy ra với lực lượng chấp pháp nước này, phần lớn các tàu đánh cá Trung Quốc hoạt động gần quần đảo Galapagos của Ecuador đã tắt định vị vệ tinh, gây khó khăn cho việc theo dõi vị trí của chúng.
Máy bay va tàu chiến Ecuador xua đuổi tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế  (Ảnh: Reuters).
Máy bay va tàu chiến Ecuador xua đuổi tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (Ảnh: Reuters).

Hãng tin Anh Reuters ngày 19/8 đưa tin 149 trong số 325 tàu cá Trung Quốc ở gần vùng đặc quyền kinh tế Ecuador gần đây đã tắt tín hiệu định vị vệ tinh. Hải quân Ecuador tuyên bố một số tàu thậm chí đã thay đổi số hiệu để ngăn chặn hành vi của họ bị giám sát.

Bộ trưởng Quốc phòng Ecuador Oswaldo Jarrin nói, việc tắt tín hiệu định bị vệ tinh trên tàu cá đã vi phạm các quy tắc do tổ chức quản lý nghề cá khu vực RFMO đặt ra nhằm thúc đẩy việc đánh bắt bền vững. "Điều này vi phạm các quy tắc đánh bắt cá trên biển quốc tế, nhưng vì họ không muốn chúng tôi biết họ đang làm gì”.

Liên quan đến việc 149 tàu cá Trung Quốc tắt tín hiệu định vị vệ tinh, tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 19/8 , người phát ngôn Triệu Lập Kiên nói chưa được biết tin liên quan.

Bộ trưởng Quốc phòng Ecuador Oswaldo Jarrin tố cáo tàu cá Trung Quốc tắt tín hiệu định vị vệ tinh để trốn tránh sự giám sát của lực lượng chấp pháp nước ông (Ảnh: Reuters).
Bộ trưởng Quốc phòng  Ecuador Oswaldo Jarrin tố cáo tàu cá Trung Quốc tắt tín hiệu định vị vệ tinh để trốn tránh sự giám sát của lực lượng chấp pháp nước ông (Ảnh: Reuters).

Ông Triệu nói, là một nước ngư nghiệp lớn có trách nhiệm, Trung Quốc coi trọng việc bảo vệ môi trường biển và tài nguyên biển, thực hiện các biện pháp giám sát và kiểm soát nghiêm ngặt nhất đối với tàu cá hoạt động ở nước ngoài, đồng thời sẽ tiếp tục yêu cầu các công ty khai thác hải sản tuân thủ nghiêm ngặt các luật và quy định có liên quan.

Từ tháng 7/2020, một số lượng lớn tàu đánh cá đã được phát hiện gần vùng đặc quyền kinh tế của Ecuador ở quần đảo Galapagos, phần lớn là tàu Trung Quốc.  

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 2/8 đã công khai chỉ trích đội tàu đánh cá Trung Quốc ở Ecuador đã xâm phạm chủ quyền của nước khác và gây hại đến hệ sinh thái.

Sau đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Ecuador đã ra tuyên bố nói rằng những cáo buộc vô căn cứ của Pompeo là không có cơ sở thực tế, Trung Quốc kiên quyết phản đối, đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc là quốc gia ngư nghiệp có trách nhiệm, coi trọng bảo vệ môi trường và tài nguyên biển, luôn yêu cầu tất cả các công ty thủy sản tham gia khai thác hải sản và bảo vệ môi trường sinh thái biển theo quy định của pháp luật.

Vào ngày 6/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết cơ quan thủy sản Trung Quốc đã quyết định cấm đánh bắt cá ở vùng biển khơi phía tây Khu bảo tồn quần đảo Galapagos từ tháng 9 đến tháng 11/2020 nhằm góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong khu vực.

Tàu cánh cá Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Ecuador (Ảnh: Reuters).
Tàu cánh cá Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế  Ecuador (Ảnh: Reuters).

Sự xuất hiện của một đội tàu đánh cá viễn dương của Trung Quốc gần vùng biển của quần đảo Galapagos đã làm dấy lên sự cảnh giác của Ecuador. Đoạn phim công khai mới nhất từ hãng Reuters của Anh cho thấy Hải quân Ecuador đang truy đuổi các tàu đánh cá bị tình nghi của Trung Quốc trong vùng biển thuộc quần đảo Galapagos.

 Theo Reuters tàu hải quân Ecuador trước đó đã phát hiện các tàu đánh cá biển xa của Trung Quốc trên hành lang quốc tế giáp với vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo Galapagos, hầu hết đều treo cờ Trung Quốc.

Trước đó, ngày 6/8, Bộ Ngoại giao Ecuador đã đưa ra tuyên bố: “Chính phủ Trung Quốc đảm bảo với Ecuador rằng họ hiểu và tôn trọng các mối quan tâm thông qua kênh ngoại giao. Căn cứ vào đó, phía Trung Quốc thông báo, bắt đầu từ năm 2020 họ sẽ đình chỉ đánh bắt trên vùng biển khơi phía tây quần đảo Galapagos từ tháng 9 đến tháng 11; cam kết không khoan nhượng đối với tất cả các tàu của họ tham gia đánh bắt bất hợp pháp”.

Một tàu đánh cá Trung Quốc bị Ecuador bắt năm 2017, trên có gần 7 tấn cá mập bị đánh bắt trái phép (Ảnh: AFP).
Một tàu đánh cá Trung Quốc bị Ecuador bắt năm 2017, trên có gần 7 tấn cá mập bị đánh bắt trái phép (Ảnh: AFP).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cũng xác nhận ngày 6/8 rằng cơ quan kiểm ngư của hai nước cũng đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến và đạt được đồng thuận tích cực.  

Hãng thông tấn Nga Sputnik cho biết Ecuador đã đưa ra câu hỏi về sự có mặt của các tàu cá nước ngoài, trong đó có Trung Quốc trong khu vực phụ cận vùng đặc quyền kinh tế của họ, bao gồm cả vùng biển của quần đảo Galapagos, từ cuối tháng 7.

Truyền thông Tây Ban Nha El Páis nói, số lượng tàu đánh cá xuất hiện gần quần đảo Galapagos lần này là khoảng 260 chiếc, quy mô của chúng có thể so sánh với "một thành phố nổi trên biển". Hầu hết chúng đến từ Trung Quốc, và một số treo cờ Liberia và Panama. Các tàu đánh cá này xuất hiện gần vùng đặc quyền kinh tế của Ecuador.

Tháng 8/2017, tòa án Ecuador xử tịch thu tàu và phạt tàu Trung Quốc đánh bắt trái phép nộp 4,9 triệu USD (Ảnh: AFP).
Tháng 8/2017, tòa án Ecuador xử tịch thu tàu và phạt tàu Trung Quốc đánh bắt trái phép nộp 4,9 triệu USD (Ảnh: AFP).

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ecuador, Oswaldo Jarrin, phàn nàn: “Tình hình này xảy ra hàng năm khi một số lượng lớn tàu đánh cá đi vào vòng ngoài cùng của vùng biển Galapagos, tiếp cận vùng đặc quyền của Ecuador. Năm 2019, số lượng tàu đánh cá Trung Quốc kéo tới đây đánh bắt lên tới 245 chiếc”.

Ông Oswaldo Jarin cho biết, “Những đội tàu đánh cá nước ngoài này đang ở ngoài vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo Galapagos, nhưng chúng có thể đi vào hoặc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế  bất cứ lúc nào. Điều này thật đáng lo ngại. Chúng tôi đang ở trong trạng thái cảnh giác, tiến hành tuần tra giám sát”.

Hãng tin Anh BBC chỉ ra rằng tàu Trung Quốc hàng năm đều đến vùng biển thuộc quần đảo Galapagos của Ecuador để tìm kiếm các loài sinh vật biển. Do nơi các tàu đánh cá này xuất hiện không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo Galapagos nên chính phủ Ecuador chỉ có thể tiến hành các hành động rất hạn chế.

Hiện có tới 325 tàu đánh cá, chủ yếu đến từ Trung Quốc đang đánh bắt cá ở rìa Khu bảo tồn biển Galapagos nhạy cảm gần Ecuador. Trong vài tuần qua, chính phủ Ecuador đã duy trì mức độ cảnh giác cao đối với các tàu đánh cá này để tránh tái diễn sự cố tương tự như năm 2017 khi tàu cá Trung Quốc bị phát hiện đánh bắt cá mập bừa bãi ở khu vực này.

Người dân Ecuador biểu tình phản đối tàu Trung Quốc đánh bắt trái phép cá mập (Ảnh: AFP).
Người dân Ecuador biểu tình phản đối tàu Trung Quốc đánh bắt trái phép cá mập (Ảnh: AFP).

Các chuyên gia về thủy sản và sinh thái biển quốc tế nói, Trung Quốc có đội tàu viễn dương lớn nhất thế giới và phần lớn đội tàu này đang tham gia vào các hoạt động đánh bắt "bất hợp pháp, không báo cáo và không chịu sự kiểm soát”, không chỉ đe dọa chủ quyền các nước ven biển mà cũng gây nguy hại cho an ninh lương thực toàn cầu và hệ sinh thái biển. Trong chỉ số đánh bắt IUU nghề cá (IUU Fishing Index) năm 2019, Trung Quốc bị xếp hạng kém nhất trong số 152 quốc gia.