Hàng ngàn người hâm mộ lây nhiễm COVID-19, WHO lo ngại EURO 2020 sẽ khiến dịch bệnh gia tăng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tổ chức Y tế Thế giới ngày 2/7 kêu gọi giám sát chặt chẽ hơn các trận đấu của giải bóng đá EURO 2020, vì biến thể Delta chết người đã lan rộng khắp thế giới và tỷ lệ nhiễm COVID-19 ở châu Âu đang tăng trở lại.
Các quan chức Tổ chức Y tế Thế giới lo ngại Giải bóng đá EURO-2020 sẽ khiến dịch COVID-19 ở châu Âu bùng phát trở lại (Ảnh: AP).
Các quan chức Tổ chức Y tế Thế giới lo ngại Giải bóng đá EURO-2020 sẽ khiến dịch COVID-19 ở châu Âu bùng phát trở lại (Ảnh: AP).

Giải vô địch châu Âu đang diễn ra sôi nổi, nhưng những người hâm mộ từng đến các quốc gia khác để xem đang lần lượt được xác nhận lây nhiễm COVID-19, gây lo ngại về khả năng dịch bệnh bùng phát. Bộ trưởng Nội vụ Đức đã chỉ trích Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) cho phép các cuộc tụ tập đông người hâm mộ là vô trách nhiệm.

Theo hãng tin Pháp AFP, hàng ngàn người hâm mộ trên khắp châu Âu đã bị nhiễm COVID-19 sau khi xem trận đấu. Các bệnh nhân bị nhiễm biến thể Delta đã được phát hiện ở Copenhagen, Đan Mạch và một số người Scotland và Phần Lan cũng được chẩn đoán nhiễm bệnh khi trở về nhà từ London và St.Petersburg sau khi xem các trận cầu.

Bộ Y tế Công cộng Scotland (PHS) hôm thứ Tư (30/6) thông báo rằng đã có 1.991 khán giả xem trận cầu Scotland - Anh trở về từ London đã được chẩn đoán nhiễm COVID-19. Trong số những người hâm mộ Phần Lan trở về sau khi xem trận cầu ở St.Petersburg cũng phát hiện 300 người đã nhiễm bệnh; và ở Copenhagen nhiều người hâm mộ Đan Mạch cũng đã được phát hiện lây nhiễm chủng virus biến thể Delta. Chính phủ Đan Mạch kêu gọi khoảng 4 ngàn người hâm mộ đã ra nước ngoài xem các trận cầu của đội tuyển hãy đi xét nghiệm ngay SARS-CoV-2.

Chính phủ Đan Mạch kêu gọi 4 ngàn người đã ra nước ngoài xem bóng đá cần đi xét nghiệm SARS-CoV-2 (Ảnh: AP).
Chính phủ Đan Mạch kêu gọi 4 ngàn người đã ra nước ngoài xem bóng đá cần đi xét nghiệm SARS-CoV-2 (Ảnh: AP).

Đội tuyển Anh sẽ đá trận tứ kết tại Rome với đội Ukraine vào cuối tuần này. Để tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) đã quyết định hủy toàn bộ số vé dự định bán cho các cổ động viên Anh.

Nga cũng đã thông báo về các trường hợp tử vong do dịch bệnh hôm nay (2/7) đã đạt mức cao mới trong 3 ngày liên tiếp. Vương quốc Anh, nước sẽ tổ chức các trận cầu vòng bán kết và chung kết Cúp châu Âu vào tuần tới, mặc dù tỷ lệ tiêm chủng cao, nhưng tỷ lệ người nhiễm bệnh vẫn đang tăng.

Bồ Đào Nha, nước đang vật lộn để kiềm chế sự lây lan của biến thể Delta, hôm nay đã quyết định tái áp đặt lệnh giới nghiêm đối với 45 thành phố và thị trấn, bao gồm cả thủ đô Lisbon bắt đầu từ cuối tuần này.

Ông Hans Kluge, Giám đốc WHO Khu vực Châu Âu cảnh báo: “Trừ khi chúng ta tiếp tục tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng chống dịch, nếu không sẽ có một làn sóng dịch mới ở Châu Âu”. Ông nói rằng số ca nhiễm mới được xác nhận ở Châu Âu trong tuần qua tăng 10%, "chủ yếu là do đi du lịch và tụ tập gia tăng, cùng với việc nới lỏng các hạn chế xã hội ở nhiều nơi".

Thủ tướng Anh Boris Johnson khi thăm nhà máy ô tô Nissan đã tuyên bố hy vọng vẫn hủy bỏ các biện pháp giãn cách từ 19/7 tới (Ảnh: AP).

Thủ tướng Anh Boris Johnson khi thăm nhà máy ô tô Nissan đã tuyên bố hy vọng vẫn hủy bỏ các biện pháp giãn cách từ 19/7 tới (Ảnh: AP).

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 1/7 cũng xác nhận số ca được xác nhận nhiễm COVID-19 ở châu Âu đã tăng 10% trong tuần qua, phá vỡ tình hình sụt giảm liên tục về số ca được xác nhận mới trong 10 tuần liên tiếp. Các quan chức của WHO cho rằng sự gia tăng đột ngột của dịch bệnh ở châu Âu không loại trừ có mối liên hệ với các trận bóng đá Giải Euro 2020 đang diễn ra; đồng thời, cảnh báo rằng có thể có một làn sóng dịch bệnh mới sẽ xuất hiện ở châu Âu trước tháng Tám.

Ông Hans Kluge, cho biết trong cuộc họp báo ngày 1/7 rằng do việc nới lỏng các hạn chế xã hội ở các quốc gia khác nhau, cơ hội cho mọi người tụ tập lại với nhau và mọi người cũng bắt đầu đi du lịch, v.v. trong tuần qua, 53 quốc gia trong Khu vực Châu Âu của WHO ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 được xác nhận đã tăng đột biến 10%; bao gồm một số quốc gia, thành phố đăng cai tổ chức sự kiện thể thao này và 27 quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu.

Khi một phóng viên hỏi liệu Giải Vô địch bóng đá châu Âu có đóng vai trò của một "sự kiện siêu lây nhiễm" hay không, ông Kluge nói, "Tôi hy vọng là không ... nhưng không thể loại trừ". Ông cũng nói rằng WHO lo ngại sự kiện này sẽ góp phần gia tăng sự lây lan của chủng vi rút biến thể Delta.

Ông Kluge chỉ ra rằng các trường hợp được xác nhận gia tăng trở lại là do chủng virus biến thể Delta ở Ấn Độ và phát hiện hiện nay biến thể Delta sẽ rất nhanh chóng thay thế chủng biến thể Alpha được tìm thấy ở Anh và trở thành nguồn lây nhiễm chính của COVID-19 ở Châu Âu.

Các thành phố London của Anh và Saint Petersburg (Nga), nơi tổ chức các trận đấu cũng đang phải đối mặt với sự gia tăng các trường hợp lây nhiễm mới được xác nhận. Bà Catherine Smallwood, một quan chức phụ trách tình trạng khẩn cấp ở khu vực châu Âu của WHO, cho biết: với sự gia tăng các ca lây nhiễm, sự tập hợp quy mô lớn các nhóm người sẽ có tác dụng "khuếch đại sự lây nhiễm". Bà nói: "Khu vực mà chúng tôi cần quan tâm nhiều hơn không chỉ là khu vực các sân vận động".

Ông Hans Kluge, Giám đốc WHO khu vực châu Âu lo ngại Giải EURO 2020 sẽ làm gia tăng sự lây nhiễm của dịch COVID-19 (Ảnh: Deutsche Welle).

Ông Hans Kluge, Giám đốc WHO khu vực châu Âu lo ngại Giải EURO 2020 sẽ làm gia tăng sự lây nhiễm của dịch COVID-19 (Ảnh: Deutsche Welle).

Ông Hans Kluge cũng nhắc nhở rằng chủng virus biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao dự kiến ​​sẽ trở thành chủng virus chính ở châu Âu vào tháng 8 tới, nhưng hiện nay vẫn còn khoảng 63% người dân ở châu Âu thậm chí chưa tiêm liều vaccine đầu tiên. Người ta ước tính rằng "một làn sóng mới với số lượng lớn các trường hợp nhập viện sẽ xảy ra trước mùa Thu, bởi vì ba điều kiện cho các trường hợp tử vong đã được đáp ứng: các chủng virus biến thể mới, tỷ lệ tiêm chủng không đủ và gia tăng các cuộc tụ tập xã hội". Ông cho rằng trừ khi mọi người tiếp tục "duy trì kỷ luật", bao gồm cả việc đeo lại khẩu trang, nếu không sẽ xuất hiện một làn sóng dịch mới ở châu Âu.

Trong khi đó làn sóng dịch COVID-19 mới ở Anh tiếp tục bùng phát trở lại, với 27.989 trường hợp mới được ghi nhận vào ngày 1 tháng 7, mức cao nhất kể từ cuối tháng 1. Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố rằng ông tin tưởng rằng các biện pháp phòng chống dịch có thể được bãi bỏ vào ngày 19 tháng 7 như đã định. Một số nước châu Âu lo ngại việc người hâm mộ kéo sang các nước khác xem Giải vô địch châu Âu sẽ làm trầm trọng thêm dịch bệnh.

Ông Johnson nói trong chuyến thăm nhà máy sản xuất ô tô Nissan rằng chi tiết về các biện pháp bãi bỏ ngăn chặn sẽ được công bố trong vài ngày tới. Ông chỉ ra rằng có bằng chứng cho thấy ngay cả khi virus biến thể Delta tràn lan và số trường hợp lây nhiễm tăng lên, vaccine sẽ giúp giảm thiểu số ca tử vong; hy vọng Anh có thể quay trở lại cuộc sống trước khi có dịch, nhưng ông cũng đề cập sẽ áp dụng các biện pháp phòng ngừa bổ sung khi cần thiết.

(Theo CNA, Dwnews).