Hàng ngàn cảnh sát phá án vụ thảm sát kinh hoàng ở Bình Phước

Hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ của Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành phố đã dốc toàn lực tập trung phá vụ án thảm sát kinh hoàng ở Bình Phước.
Nghi phạm Nguyễn Hải Dương khi bị đưa về trại tạm giam
Nghi phạm Nguyễn Hải Dương khi bị đưa về trại tạm giam

Ban chỉ đạo chuyên án được thành lập ngay tại hiện trường vụ thảm sát, với sự tham gia của rất nhiều điều tra viên hình sự lão luyện, lãnh đạo ngành công an tỉnh Bình Phước, Tổng cục Cảnh sát và Cục Hình sự (C45), Phân viện Khoa học kỹ thuật hình sự TP.HCM (C54B).

Mấy ngày chỉ mặc một bộ đồ

Từ hiện trường vụ án, mọi dấu vết được thu thập tỉ mỉ, gần như từng centimet vuông trong hiện trường được kiểm tra kỹ càng với hi vọng truy tìm ra manh mối, dù là nhỏ nhất dẫn tới hung thủ.

Suốt từ khi xảy ra vụ án mạng, các cán bộ điều tra, cán bộ khám nghiệm hiện trường miệt mài làm việc, mỗi đêm chỉ được ngủ tranh thủ nhiều là 4 tiếng, còn thường xuyên chợp mắt được chừng 1-2 giờ đồng hồ. 

Cũng trong suốt thời gian đó, Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát, C45 cũng túc trực tại hiện trường và “Sở chỉ huy” tạm thời được đặt tại công an huyện Chơn Thành.

Từ các vị tướng như trung tướng Triệu Văn Đạt, thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng (hai phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát), thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến (Cục trưởng C45), giám đốc Công an tỉnh Bình Phước và hầu hết các cán bộ, chiến sĩ tham gia điều tra vụ án đều không thay quần áo.

“Chúng tôi mấy ngày chỉ mặc một bộ đồ, khám nghiệm hiện trường dính cả máu của nạn nhân nên hôi, tanh, lại gần ai là người đó phải bịt mũi. Vậy nhưng ai cũng cố gắng, thấy mình phải ráng làm cho rõ từng chi tiết tại hiện trường để giúp cho việc phá án" - một cán bộ khám nghiệm hiện trường cho biết.

Trong suốt thời gian đó, các lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát, Cục C45, Giám đốc Công an tỉnh và lãnh đạo tỉnh cũng gần như túc trực tại hiện trường, động viên anh em.

Theo lời một cán bộ khám nghiệm hiện trường, chỉ khi các hung thủ bị bắt, nhóm cán bộ tham gia khám nghiệm hiện trường mới tới thắp hương cho những nạn nhân đã mất vì họ luôn áy náy rằng trách nhiệm của mình chưa hoàn thành trước linh hồn những nạn nhân xấu số khi chưa tìm ra hung thủ.

Sau khi dự họp báo về vụ án chiều 11-7, các cán bộ tham gia khám nghiệm hiện trường mới theo đoàn xe của Bộ Công an về, họ đã có 5 ngày đêm ở hiện trường với tổng thời gian ngủ chưa đầy 12 tiếng.

Hàng ngàn chiến sĩ vào cuộc

Vụ án mạng kinh hoàng xảy ra lúc rạng sáng thì tới hơn 7g sáng 7-7, toàn bộ vụ việc được báo cáo tới lãnh đạo Bộ Công an. Những người có trách nhiệm cao nhất của các Tổng cục Cảnh sát, Tổng cục An Ninh đã tức tốc tới hiện trường vụ án.

Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cũng trực tiếp tới hiện trường vụ án thăm hỏi gia đình nạn nhân, động viên tình thần lực lượng điều tra.

Đại tướng Trần Đại Quang ngay sau đó đã chỉ đạo công an tất cả các tỉnh, thành phố lân cận tỉnh Bình Phước dốc toàn lực hỗ trợ công an tỉnh Bình Phước truy tìm hung thủ. 

Lãnh đạo của Công an nhiều tỉnh, thành phố và lãnh đạo các Tổng cục của Bộ Công an đã có mặt tại tỉnh Bình Phước để nghe báo cáo, tổng hợp tình hình và lên kế hoạch rà soát các băng nhóm tội phạm có tổ chức, các đối tượng tình nghi trên diện rộng.

Dựa trên đánh giá về tính chuyên nghiệp khi gây án, mức độ tàn độc, dã man của hung thủ khi ra tay sát hại cùng lúc 6 mạng người nên đánh giá ban đầu của ban chỉ đạo chuyên án được đưa ra là: Các đối tượng giết người, cướp tài sản là mục đích chính. Ngoài ra, các đối tượng phải có mâu thuẫn sâu sắc với gia đình nạn nhân, có quen biết với gia đình nạn nhân nên giết toàn bộ các thành viên để bịt đầu mối.

Ngoài việc ra tay tàn độc, các hung thủ xóa dấu vết hiện trường rất kỹ, không có một vật nào tình nghi do các đối tượng sử dụng gây án còn sót lại hiện trường. 

Điều này khiến các thành viên ban chuyên án đánh giá đây là một băng nhóm chuyên nghiệp, do đó đối tượng khoanh vùng để điều tra lúc đầu rất rộng.

Tại nhiều tỉnh như Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Đăk Nông… và TP.HCM, công an các địa phương này đã rà soát lại toàn bộ các băng nhóm tội phạm, các đối tượng hình sự để truy xét về mối quan hệ làm ăn của ông Mỹ, coi đó có phải là nguyên nhân vụ thảm sát hay không. 

Các đầu mối này đã khiến hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ của Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành phố phải dốc sức làm trong thời gian ngắn, báo cáo về ban chỉ đạo chuyên án.

Một đầu mối khác, đặc biệt được các trinh sát của Cục C45 quan tâm là mối quan hệ của Lê Thị Ánh Linh, con gái ông Mỹ. Linh từng yêu một thanh niên từ nhiều năm trước, thanh niên này vừa đi tù về khoảng một tháng nên ban đầu rất được ban chuyên án quan tâm. Tuy nhiên, đầu mối này sau đó cũng được xác định không liên quan.

Ngay cả Vỹ - nạn nhân mới 14 tuổi cũng được ban chuyên án rà soát toàn bộ các mối quan hệ để xác định có liên quan hay không, vì điểm đặc biệt là điện thoại của Vỹ có các liên lạc trước thời điểm vụ án xảy ra.

Hung thủ tinh quái tạo chứng cứ ngoại phạm

Nguyễn Hải Dương là một trong hàng trăm người được lực lượng điều tra mời làm việc ngay sau khi vụ án xảy ra.

Trong lần làm việc đầu tiên, Dương “diễn” đạt trọn vẹn vai một người yêu cũ của nạn nhân, tình cảm chân thành, thắm thiết.

Tạo chứng cứ ngoại phạm

Trưa 10-7, khi hiện trường vụ án vẫn đang tiếp tục được khám nghiệm mở rộng ra xung quanh ngôi biệt thự, vụ án đang bế tắc thì một trinh sát của Cục C45 đề xuất một hướng điều tra mới.

Dựa trên các tài liệu chứng cứ do tổng hợp từ nhiều nguồn, qua xác minh bằng các biện pháp nghiệp vụ, trinh sát của C45 xác định Dương là người có mặt tại hiện trường lúc xảy ra vụ thảm sát.

Cuộc họp khẩn do trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát chủ trì cùng các thành viên khác họp lúc 13g ngày 10-7.

Bằng các chứng cứ và sơ đồ đã chuẩn bị sẵn, trinh sát của C45 đã trình bày quan điểm về vụ án, các tài liệu, chứng cứ thu thập được và xác định chính Dương là một trong các hung thủ của vụ án.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến cũng đưa ra các đánh giá về đầu mối Dương khiến lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát và các thành viên ban chỉ đạo thống nhất đánh giá Dương là nghi phạm chính. Ngay lập tức, Dương được triệu tập từ đám tang về trụ sở Công an huyện Chơn Thành để làm việc.

Vẫn với màn kịch đã “diễn” trước đó, Dương đề nghị cơ quan điều tra lấy mẫu vân tay đi giám định, đề nghị giám định cả ADN để chứng minh rằng mình không liên quan.

Dương cũng đưa ra cả những bằng chứng ngoại phạm rất khoa học, khách quan như việc Dương còn ngủ ở xưởng gỗ trong thời gian vụ án xảy ra, có camera chứng minh.

Tuy nhiên, thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến và trinh sát viên của C45 đã đưa ra những chứng cứ mà Dương không thể chối cãi.

Dương gần như đổ gục tại chỗ, bắt đầu khai ra toàn bộ quá trình chuẩn bị, ra tay và kế hoạch sau khi gây án. Dương cũng khai ra Tiến và nơi ẩn nấp cùng nơi giấu tang vật vụ án.

Theo đó, Dương vì hận tình, đã chuẩn bị kế hoạch sát hại gia đình người yêu để “trả thù”. Dương mua hai khẩu súng bắn bi và bắn điện, hai con dao, găng tay, khẩu trang bịt mặt, giây rút nhựa và chuẩn bị cả bằng chứng ngoại phạm trước khi gây án.

Tối 6-7, Dương mời rất nhiều bạn bè tập trung ăn nhậu, sau đó về xưởng gỗ đánh răng rửa mặt, làm mọi việc trước ống kính camera rồi đi ngủ. Sau đó Dương lẻn ra ngoài, mượn xe của người thân đi đón Tiến tới trước cửa nhà ông Mỹ.

Vợ chồng ông Mỹ nhận ra Dương trước khi bị sát hại

Dương đã dụ em Vỹ là cho Vỹ 2 triệu đồng và một con gà đá để Vỹ mở cửa cho vào nhà từ trước đó. Khi đến nhà ông Mỹ, Dương nhắn tin để Vỹ mở cửa, lúc này Dương đã đeo bao tay, khẩu trang và sát hại Vỹ ngay gần cửa ra vào.

Tiếp theo đó, Dương, Tiến trèo lên lầu 1, vào phòng Như và Linh qua lối cửa sổ ở ban công, dùng súng khống chế, trói lần lượt các nạn nhân, tách ra hai phòng khác nhau. Như bị trói lên cửa sổ, nhưng có thể đã dùng chân với được điện thoại gọi cho cậu của Như nhưng không kịp nói gì, khi cậu gọi lại Như không thể trả lời.

Trói xong hai nạn nhân ở lầu 1, Dương và Tiến xuống tầng trệt, vào phòng ông Mỹ, lúc này ông Mỹ, bà Nga và hai con đang ngủ.

Lúc đầu Dương hô: “Cướp đây, đưa tiền không tao bắn chết!”. Thấy Dương có súng, ông Mỹ nói: “Chúng mày muốn lấy gì thì lấy đi”.

Tiến vào trói ông Mỹ, bà Nga và tách Quốc Anh sang phòng bên cạnh để tra hỏi về nơi cất giấu tiền. Dương bịt mặt Quốc Anh, ra tay sát hại nạn nhân sau khi không tra hỏi được nơi giấu tiền.

Trong khoảng thời gian này, em trai bà Nga gọi hỏi vì sao Như gọi điện, Dương đã khống chế bà Nga trả lời điện thoại theo ý mình. Lúc này bà Nga và ông Mỹ đã nhận ra Dương, nói Dương lấy gì thì lấy rồi đi đi, vì tài xế chở hàng sắp tới. Dương buộc bà Nga gọi cho tài xế yêu cầu không tới giao hàng.

Tiếp theo đó, Tiến và Dương buộc bà Nga mở két sắt tìm tiền nhưng không có, Tiến đưa bà Nga sang phòng bên cạnh để tra hỏi nơi giấu tiền nhưng không được nên ra tay sát hại bà Nga với nhiều vết đâm nhất.

Sát hại ba người ở tầng trệt xong, Dương, Tiến lên lại lầu, tra hỏi Như nơi giấu tiền không được, Dương sát hại Như trước rồi qua phòng Linh.

Trước khi giết Linh, Dương đã nói lý do giết Linh là do quá hận việc bị Linh phụ tình, bị khinh khi nghèo hèn và Linh đi yêu con đại gia.

Sau khi gây án, Dương và Tiến về nhà trọ của Tiến kiểm tra tài sản cướp được và cất hết hung khí vào ba lô giao Tiến giữ, Dương về nhà như bình thường.

Hơn 7g sáng, Dương mở facebook thì nhận được tin nhắn của người giúp việc cho nhà ông Mỹ báo cả nhà bị sát hại, Dương lấy xe máy tới hiện trường lúc hơn 11g30 và ở lại hiện trường cho tới khi bị bắt.

Nguyễn Hải Dương đã chuẩn bị tự tử

Điểm đặc biệt là Dương đã chuẩn bị sẵn thuốc ngủ để… tự tử. Dương nhờ Tiến mua một hộp thuốc ngủ, nhưng do nhà thuốc chỉ bán số lượng giới hạn nên Tiến mới mua được 10 viên, cả hai liên lạc định mua đủ 30 viên thì Dương sẽ tự tử ngay sau đám tang của các nạn nhân.

“Nếu vụ án không kịp thời được khám phá, sau đám tang, Dương tự tử thì gần như vụ án đi vào ngõ cụt, dư luận xã hội sẽ không hoặc phải rất lâu sau mới nắm được đầy đủ bản chất vụ án”, một cán bộ điều tra nói.

Theo Tuổi trẻ