Hải quân Trung Quốc trỗi dậy thách thức Mỹ: Quá nhanh, quá nguy hiểm

VietTimes -- Hải quân Trung Quốc đã có bước tiến dài trong việc thu hẹp khoảng cách năng lực trên biển với Mỹ. Mỹ vẫn chưa nghiêm túc nhìn nhận thách thức an ninh của mình ở khu vực Đông Á.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của hải quân Mỹ và tàu chiến hải quân Singapore trên Biển Đông. Ảnh: Naval Today.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của hải quân Mỹ và tàu chiến hải quân Singapore trên Biển Đông. Ảnh: Naval Today.

Trung Quốc không còn chỉ là một nước lớn trỗi dậy, họ còn đang là một cường quốc biển. Hải quân Trung Quốc đã có bước tiến dài về thu hẹp khoảng cách năng lực trên biển giữa Mỹ - Trung. Đây là nhận xét của Robert Ross, một nhà nghiên cứu đến từ Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc, Đại học Harvard Mỹ.

Những tiến bộ này của hải quân Trung Quốc đã làm thay đổi nhanh chóng cán cân sức mạnh ở khu vực Đông Á, làm cho Trung Quốc có thể thúc đẩy lợi ích của họ ở Đông Á và thách thức chiến lược an ninh và quốc phòng của Mỹ.

Thách thức an ninh Trung Quốc tạo ra cho Mỹ ở Đông Á là rất rõ ràng. Điều đáng tiếc là Mỹ vẫn chưa nhìn thẳng vào thách thức này.

Thách thức kiểm soát biển ở Đông Á

Sau khi chấm dứt Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Mỹ đã thiết lập các căn cứ không quân, hải quân và lực lượng mặt đất ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Philippines.

10 năm đầu của thế kỷ 21, Mỹ đã mở rộng hiện diện hải quân ở các cơ sở cảng biển của Singapore và Malaysia. Trong giai đoạn đầu của thế kỷ 21, Mỹ đã kiểm soát các vùng biển Đông Á.

Từ lâu, Trung Quốc luôn phê phán Mỹ và đồng minh ở khu vực Đông Á vẫn giữ "tư duy Chiến tranh Lạnh". Nhưng điều này không chỉ là phản đối chính sách của Mỹ ở cấp độ ý thức hệ. Nói một cách chính xác hơn, các đồng minh của Mỹ giúp cho Mỹ có thể sử dụng các căn cứ quân sự để bao vây các vùng biển duyên hải của Trung Quốc.

Trung Quốc chắc chắn sẽ không chấp nhận địa vị chủ đạo trên biển của Mỹ. Trung Quốc hiện đã có một lực lượng hải quân khổng lồ và hiện đại. Nhà lãnh đạo Trung Quốc quyết tâm tăng cường an ninh của họ ở Đông Á. Điều này chắc chắn sẽ thách thức lợi ích an ninh của Mỹ và đồng minh.

Máy bay chiến đấu F/A-18 cất hạ cánh trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt. Ảnh: The Independent

Ưu thế hải quân của Mỹ giảm

Cùng với việc Trung Quốc tăng cường quy mô và chất lượng hải quân, Mỹ hoàn toàn không hề tiến bộ. Trái lại, Mỹ đang yếu đi trên nhiều phương diện.

Hiện nay quy mô hạm đội hiện có của Mỹ khoảng 282 tàu chiến. Số lượng tàu ngầm tấn công bắt đầu giảm đi từ năm 2010 và còn 51 chiếc vào năm 2017.

Ngân sách hải quân hiện nay yêu cầu mở rộng ổn định quy mô hạm đội. Mặc dù vậy, cơ quan ngân sách Quốc hội Mỹ dự đoán, nếu hải quân tiếp tục thực hiện ngân sách thường niên bình quân của 30 năm qua và duy trì thời gian biểu chế tạo tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo (tàu ngầm hạt nhân chiến lược), thì quy mô hạm đội hải quân hiện có giảm còn 237 chiếc trong 12 năm.

Hải quân Mỹ ý thức mạnh mẽ được những thách thức từ việc chế tạo tàu chiến và hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc đối với ưu thế trên biển và năng lực hành động của Mỹ ở Đông Á.

Năm 2015, hải quân Mỹ đã xây dựng kế hoạch muốn tăng quy mô hạm đội hiện có lên 308 tàu chiến trước năm 2022. Năm 2017, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trương quy mô hạm đội hiện có của hải quân là 355 tàu chiến. Những mục tiêu này vừa không hiện thực, vừa không đủ để ứng phó các thách thức từ hải quân Trung Quốc.

Để thực hiện mục tiêu 308 tàu chiến, hải quân Mỹ cần có ngân sách hơn 60% ngân sách đóng tàu bình quân hàng năm trong 30 năm qua. Để thực hiện mục tiêu 355 tàu chiến, hải quân Mỹ cần nhận được ngân sách nhiều hơn 60% ngân sách bình quân hàng năm 30 năm qua.

Hiện còn chưa rõ Mỹ sử dụng nguồn vốn từ đâu để hỗ trợ cho hải quân sở hữu 308 tàu chiến, càng chưa nói đến sở hữu tới 355 tàu chiến.

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt hải quân Mỹ trên Biển Đông ngày 10/4/2018. Ảnh: Philstar.

Xét tới những nhân tố hạn chế về chính trị và ngân sách hiện nay, tháng 11/2017, quyền phó bộ trưởng hải quân Mỹ Thomas Dee cho rằng hải quân Mỹ cuối cùng có thể đạt được mục tiêu sở hữu 355 tàu chiến, nhưng phải đến thập niên 50 của thế kỷ 21 và chỉ có trong trường hợp rót vốn rất nhiều. Ông nói: "Anh không thể lúc nào cũng được toại nguyện".

Trong tình hình không có đủ ngân sách, Mỹ dựa vào công nghệ để triệt tiêu ưu thế số lượng của Trung Quốc. Những nghiên cứu phát triển vũ khí áp dụng công nghệ tiên tiến của Mỹ được dư luận biết tới, trong đó có nghiên cứu vũ khí laser, pháo điện từ, máy bay tấn công và do thám không người lái trang bị cho tàu sân bay, tàu lặn cùng với tên lửa hành trình chống hạm tầm xa. Những vũ khí này được dùng để chống lại tên lửa hành trình chống hạm trên tàu chiến Trung Quốc.

Mỹ vẫn có ưu thế công nghệ tương đối lớn so với Trung Quốc, nhưng sự phổ biến công nghệ trên toàn cầu rất nhanh. Trong 10 năm tới, cùng với việc Trung Quốc tiếp tục tập trung vào hiện đại hóa hạm đội và nghiên cứu phát triển vũ khí tiên tiến của mình, mức độ dẫn trước về công nghệ của Mỹ sẽ thu hẹp.

Ngoài ra, Trung Quốc có thể tiếp tục cung cấp tài chính cho chế tạo rất nhiều tàu chiến, những tàu chiến này sẽ triệt tiêu ưu thế công nghệ của Mỹ. Đối với hải quân, công nghệ rất quan trọng, nhưng "bản thân số lượng có thể là một loại chất lượng".

Vì vậy, hải quân Mỹ đang nghiên cứu phát triển chiến thuật mới để đối phó với hạm đội mặt nước khổng lồ của Trung Quốc, bao gồm công nghệ "sát thương kiểu phân tán".

Thách thức trên biển 10 năm tới trầm trọng hơn

Việc tăng cường năng lực của Trung Quốc đã làm thay đổi chính sách của họ. Trong 18 tháng ngắn ngủi, tức là từ nửa cuối năm 2012 đến đầu năm 2014, Trung Quốc đã triển khai một loạt hành động ở khu vực.

Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh hải quân Trung Quốc. Ảnh: Dwnews.

Trung Quốc đã thiết lập sự hiện diện thường xuyên của cảnh sát biển trong phạm vi 12 hải lý lân cận đảo Senkaku, đã xác định kiểm soát vĩnh viễn bãi cạn Scarborough, tiến hành khoan thăm dò (trái phép) dầu mỏ ở Biển Đông, tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông, tăng cường trinh sát trên không và trên biển nhằm vào hoạt động của quân đội Mỹ...

Đồng thời, quan hệ căng thẳng giữa Trung - Mỹ ở Đông Á tăng lên đã phản ánh sự thay đổi cán cân quyền lực giữa Trung - Mỹ đang diễn ra nhanh chóng.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama trước đây tìm cách tăng cường quan hệ với các đồng minh. Nhưng do Mỹ thiếu năng lực quân sự cần thiết để triệt tiêu hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc và duy trì địa vị chủ đạo trên các vùng biển xung quanh Trung Quốc, các đối tác an ninh của Mỹ thiếu lòng tin vào năng lực của Mỹ trong việc cân bằng sự trỗi dậy của Trung Quốc, đồng thời đã tăng cường hợp tác an ninh với Trung Quốc.

Xu thế chính trị và kinh tế của Mỹ cho thấy xu hướng yếu đi về sức mạnh trên biển sẽ tiếp tục trầm trọng hơn trong 10 năm tới. Hải quân Mỹ đã bị áp lực bởi trách nhiệm hiện nay ở Đông Á, yêu cầu có nhiều tàu chiến hơn để duy trì mức độ hành động quân sự hiện nay.

Trong 10 - 20 năm tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng chi tiêu hải quân. Mỹ không thể trông chờ hệ thống kinh tế Trung Quốc hoạt động ngày càng mất kiểm soát để cứu lấy tình hình an ninh của Mỹ ở Đông Á.

Biên đội biển xa của Hạm đội Nam Hải, hải quân Trung Quốc tiến hành diễn tập. Ảnh: Cankao.

Nếu không tiến hành điều chỉnh triệt để đối với ngân sách Liên bang và ngân sách quốc phòng của Mỹ, xu thế thay đổi về cán cân sức mạnh ở Đông Á sẽ tiếp diễn, khả năng chống lại hải quân Trung Quốc của Mỹ sẽ suy giảm.

Trong tình hình này, bất cứ đề án ngăn chặn, kiềm chế hay cân bằng sự trỗi dậy của Trung Quốc hoặc tăng cường quan hệ đồng minh nào của Mỹ đều không sát thực tế. Mỹ cần tiến hành điều chỉnh để thích ứng với cán cân sức mạnh mới ở Đông Á.