Kỷ niệm 25 bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ

Hai kỷ niệm đáng nhớ của vị Đại sứ dưới hai thời Tổng thống Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
LTS: VietTimes tiếp tục cuộc trò chuyện với Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, về thời gian làm đại sứ ở Mỹ, đặc biệt là dưới hai đời tổng thống, cũng như những đánh giá của ông về cuộc bầu cử sắp diễn ra ở nước này.
Đại sứ Phạm Quang Vinh bắt tay Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Mỹ tháng 5/2017
Đại sứ Phạm Quang Vinh bắt tay Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Mỹ tháng 5/2017

Thách thức khi sang làm đại sứ bên Mỹ

PV: Ông đi Mỹ làm đại sứ năm nào?

Ông Phạm Quang Vinh: Cuối tháng 11/2014. Lúc đó là giữa nhiệm kỳ của Tổng thống Barrack Obama. Tôi làm đại sứ giữa hai đời tổng thống, 2 năm dưới thời ông Obama và 1,5 năm dưới thời ông Trump.

PV: Cảm giác của ông trong thời gian làm đại sứ Mỹ giữa hai đời tổng thống như thế nào? Ý tôi nói đến sự thay đổi chính sách của từng tổng thống.

Ông Phạm Quang Vinh: Có lẽ tôi có mấy điều thuận thế này: Một là sau một thời gian dài (7,5 năm) làm trưởng SOM – ASEAN, tôi đã quen rất nhiều khuôn mặt quan chức ở Mỹ phụ trách Châu Á - Thái Bình Dương, và họ đều là đối tác của tôi. Thứ hai là dưới thời của Obama, năm 2013 lần đầu tiên hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, và đến 2014, khi tôi sang làm đại sứ thì bắt đầu triển khai.

Tôi cũng gặp hai thách thức lớn: Một là mọi thứ đang tiến triển tốt như vậy, liệu tôi có thể tạo ra bước đột phá nào không? Ví dụ, đến cuối tháng 11/2014, thời điểm tôi sang, tổng kim ngạch thương mại hai nước đã đạt 36 tỷ USD. Nếu so với trước khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao chỉ chưa đầy nửa tỷ USD, nó đã tăng tới hơn 70 lần. Vậy có không gian nào để thúc đẩy thương mại tăng nữa không?

Tôi nghĩ cũng khó, bởi quan hệ đối tác toàn diện mới thiết lập tháng 6/2013, khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Mỹ. Thời điểm tôi sang là gần 1,5 năm sau đó.

Thách thức thứ hai là năm 2015, hai nước sẽ kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ. Vậy tôi sẽ lấy gì làm dấu ấn cho đợt kỷ niệm này? Tôi suy nghĩ, và kết luận rằng thương mại phải tiếp tục tăng, và phải tăng cường độ tin cậy chính trị. Tin cậy chính trị không gì bằng tôn trọng thể chế chính trị của nhau, và phải được hiện thực hóa bằng chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng CS Việt Nam.

Ngoại trưởng Hilary Clinton, khi bà đến Việt Nam giữa năm 2012 và gặp trực tiếp TBT Nguyễn Phú Trọng, đã có lời mời với ông. Nhưng còn bao nhiêu thủ tục nữa, như sự khác biệt về nhìn nhận, về lễ tân, về hậu cần v.v.

Tôi nhớ rằng tôi sang từ cuối tháng 11/2014, nhưng đến 23/2/2015 mới được trình quốc thư. Theo quy định, khi trình quốc thư, đại sứ muốn nói gì, thì có văn bản gửi trước, đến đó chỉ trình chính thức và chụp ảnh. Nhưng tôi cũng cố tranh thủ nói ngắn được 2 ý: Một, là với tư cách đại sứ, sẽ làm tốt cho mối quan hệ này. Hai, là nhân  20 năm bình thường hóa quan hệ, rất mong có những chuyến thăm cấp cao, chuyến thăm của Tổng Bí thư Việt Nam và của Tổng thống Mỹ.

Việc trình nhận thư ủy nhiệm ở Mỹ đơn giản hơn ở Việt Nam nhiều. Họ cho xe đến sứ quán, đón đại sứ đến Nhà Trắng. Họ phải đợi đủ một chục đại sứ, mới bố trí Tổng thống tiếp một đợt. Đại sứ đứng ở phòng chờ, rồi lần lượt được mời sang Phòng Bầu dục có Tổng thống đứng đợi sẵn, bắt tay, trình thư ủy nhiệm và chụp 2 tấm ảnh. Ảnh thứ nhất Tổng thống chụp cùng với gia đình đại sứ, ảnh thứ hai là chụp riêng.

Trước khi trình thư ủy nhiệm, tôi phải gửi bản sao, và những gì định nói tôi phải viết ra giấy. Phía Tổng thống định nói cái gì, Nhà Trắng cũng làm một bức thư, chuyển cho mình trước một ngày. Nói chung, đến nơi chỉ bắt tay chụp ảnh thôi. Tổng thời gian Tổng thống tiếp một đại sứ chỉ khoảng vài phút.

PV: Sau khi anh nói xong hai câu đó, Tổng thống Obama phản ứng thế nào?

Ông Phạm Quang Vinh: Ông chỉ bảo là tôi rất coi trọng quan hệ với Việt Nam. Rồi chụp ảnh.

ĐS Phạm Quang Vinh chụp với Tổng thống Obama khi trình thư ủy nhiệm
ĐS Phạm Quang Vinh chụp với Tổng thống Obama khi trình thư ủy nhiệm. (Ảnh: Internet)

Kỷ niệm 20 năm quan hệ và chuyến thăm của TBT Nguyễn Phú Trọng

PV: Vậy anh đã làm gì để Tổng Bí thư được chính thức mời thăm Mỹ, và được chính Tổng thống Obama đón tiếp?

Ông Phạm Quang Vinh: Việc chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng Bí thư là  cả quá trình. Khi sang Mỹ, tôi cũng chuẩn bị và thúc đẩy ngay từ đầu. Xin đơn cử vài việc. Tháng 12/2014, tôi có mời cơm Trợ lý Ngoại trưởng, Phó Trợ lý Ngoại trưởng và Trợ lý Tổng thống phụ trách về Châu Á - Thái Bình Dương, tại nhà đại sứ.

Trò chuyện qua bữa ăn, tôi đề cập tới khả năng chuyến thăm của Tống Bí thư, nhất là trong năm 2 nước kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ. Thông điệp như sau:

Một là Mỹ phải hiểu thêm Việt Nam. Mỹ không nên coi đây là người chỉ đứng đầu một đảng, như ở Mỹ hay nơi khác, mà là người đứng đầu thể chế chính trị.

Thứ hai, vì vậy cần bố trí được cuộc gặp giữa hai người đứng đầu hai nước, tức giữa Tổng thống và Tổng Bí thư. Mọi chuyện khác như lễ tân, hậu cần, an ninh... sẽ nói sau, khi cuộc gặp cấp cao đã được thống nhất.

Đến ngày 14/2/2015, John Kerry, một người bạn của Việt Nam, với tư cách Ngoại trưởng, đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Phạm Bình Minh. Thông điệp của cuộc điệm đàm đó là thay mặt cho chính quyền TT Obama, chuyển lời mời tới TBT Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ.

Đến dịp 1/5/2015, Trợ lý Tổng thống về Châu Á - Thái Bình Dương gọi điện cho tôi, và nói: “Vinh ơi, có tin mừng. Đầu tháng 7 sẽ có cuộc gặp giữa Tổng thống và Tổng Bí thư, dự kiến diễn ra một giờ tại Nhà Trắng, 45 phút hội đàm, còn 15 phút gặp báo chí.” Bộ máy chuẩn bị trong, ngoài được khởi động từ đó.

Chuyện lễ tân ở Mỹ cũng có cái hay và khác ta. Họ chỉ quan tâm đến cuộc gặp của Tổng thống, còn các cuộc khác phía mình tự lo, gặp ai cũng được và tùy mình. Phối hợp với nhà, Đại sứ quán cũng cùng thu xếp thêm nhiều hoạt động, trong đó có các cuộc nói chuyện, gặp gỡ như một số bộ trưởng đến chào Tổng Bí thư, và thu xếp cuộc gặp với một người bạn khác của Việt Nam – TNS John McCain.

Chuyện thứ hai phải lo là khi có một chuyến thăm lịch sử như vậy, thì cần có một tuyên bố. Vị thế của Việt Nam trong lòng nước Mỹ, và chính sách can dự của Mỹ với Châu Á, đầu tiên là xoay trục, tiếp đó là tái cân bằng. Hai bên cũng tìm được tiếng nói chung, sẽ ra một tuyên bố về tầm nhìn quan hệ hai nước trong tương lai, ổn định lâu dài.

PV: Cuối cùng, khi TBT Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ, mọi chuyện có diễn ra như dự kiến không?

Ông Phạm Quang Vinh: Còn tốt hơn dự kiến. Cuộc hội đàm giữa Tổng thống Obama và TBT Nguyễn Phú Trọng kéo dài gấp rưỡi, hội đàm 75 phút và 5 phút cùng gặp báo chí. Chuyện quan hệ được nêu đậm và thẳng thắn. Nhấn mạnh nguyên tắc tôn trọng thể chế chính trị của nhau. Coi chuyến thăm là lịch sử. Đều ghi cả trong Tuyên bố tầm nhìn.

PV: Trong chuyến đi của Tổng Bí thư thì còn có những điều gì khác thú vị không?

Ông Phạm Quang Vinh: Tôi có cảm giác cuộc hội đàm giữa hai người đứng đầu hai thể chế diễn ra cởi mở, chân thành và tự tin. Câu đầu trong phát biểu của hai người cũng có vẻ trùng nhau.

Tổng Bí thư nói rằng là 20 năm trước đây, tức là khi mới thiết lập quan hệ, không ai có thể nghĩ rằng 2 nước vốn là thù địch, đến bây giờ lại có một người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đứng tại Nhà Trắng, hội đàm với Tổng thống Mỹ. Thế mới thấy được cái chiều dài của mối quan hệ mà hai nước đã đi qua, và hôm nay chúng ta sẽ bàn cả câu chuyện khắc phục hậu quả chiến tranh, lẫn định hướng về tương lai.

Obama cũng nói điều tương tự. Hay thế!

Trong chuyến đi, TBT Nguyễn Phú Trọng cũng có buổi nói chuyện tại CSIS (Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế) và được truyền trực tiếp qua mạng, rất được phía Mỹ quan tâm. Và bài phát biểu của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam được báo Mỹ trích đăng, nói về chính sách đối ngoại của Việt Nam, và quan hệ Việt - Mỹ.

Thứ hai, Tổng Bí thư có cuộc gặp gỡ với các tầng lớp khác nhau của xã hội Mỹ, gồm bạn bè cũ và mới, doanh nghiệp, cựu binh, và chức sắc tôn giáo, ở ngay Washington DC.

Chính người Mỹ cũng gọi chuyến thăm này là chuyến thăm lịch sử. Người nói điều này chính là TNS John McCain, trong tuyên bố chào mừng một ngày trước khi Tổng thống Obama tiếp TBT Nguyễn Phú Trọng. Báo chí Mỹ cũng gọi như vậy.

Tổng thống Obama tiếp TBT Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Trắng năm 2015 (Ảnh: Internet)
Tổng thống Obama tiếp TBT Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Trắng năm 2015 (Ảnh: Internet)

Tổng thống Trump và những điều làm được cho nước Mỹ

PV: Khi bà Hillary Clinton ra tranh cử với ông Trump, ông có suy nghĩ gì?

Ông Phạm Quang Vinh: Là đại sứ, thì chỉ muốn ai lên cũng giữ quan hệ tốt với Việt Nam. Nhưng diễn biến đúng là có cái bất ngờ. Đây là cuộc tranh cử mà giới truyền thông, giới thăm dò, giới tư vấn, giới chính trị, giới học giả và giới doanh nghiệp đều đoán sai hết. Mình cũng vậy thôi, dựa theo sở tại, đoán sai cũng bình thường.

Ngay đúng ngày bầu cử, họ đều vẫn cho Hillary Clinton ở cửa trên. Nhưng mình cũng có cái khác: Là đại sứ, thì phải nắm tình hình và giữ mối tiếp xúc với cả hai bên. Tiền tuyến mà. Do vậy, tôi vẫn phải phân công anh chị em trong sứ quán theo dõi, liên hệ với cả hai phía ứng cử viên, dù có thể nặng nhẹ khác nhau. Tôi còn nhớ tối bầu cử 8/11, tôi với một số anh em nòng cốt làm ít đồ ăn rồi ngồi theo dõi.

Đến hơn 9 giờ tối, coi kết quả kiểm phiếu, thấy mấy bang chốt họ chuyển phiếu, thì biết Hillary hỏng rồi. Đêm đó, báo cáo về nước kết quả sơ bộ, còn phía trước là bao việc, cả đánh giá chính sách và liên hệ với nhân sự chính quyền mới. Ở nhà bảo cũng chỉ đạo sang ĐSQ như vậy.

Ở nước Mỹ, khoảng thời gian chuyển giao quyền lực giữa hai tổng thống là 2 tháng. ĐSQ cũng đã liên hệ với các nhóm chuyển giao chính quyền của tổng thống mới. Nhưng họ cũng không giúp được gì. Cái khổ ở đây là ông Donald Trump tranh cử bằng khẩu hiệu, chứ không phải cụ thể bằng cương lĩnh, rồi khi thắng cử, cũng chưa định hình nhân sự bộ máy chủ chốt.

PV: Vậy cuối cùng ông tìm cách nào để tiếp xúc với chính quyền của Tổng thống Donald Trump?

Ông Phạm Quang Vinh: Câu chuyện dài, nhưng đại thể đã chủ động báo cáo xin nhà hai việc, đó là tiếp xúc trực tiếp với Tổng thống đắc cử (điện đàm) và sớm nhất có thể. Vậy là, phải gõ cửa danh sách bạn bè, cả chính quyền, quốc hội, học giả, giới doanh nghiệp…

Rồi cũng tiếp cận được với những nhân vật gần với ông Trump và thống nhất được cuộc điện đàm của Thủ tướng ta với ông Trump vào ngày 14/12/2016, tức là sau bầu cử chỉ hơn một tháng.

Hai bên trao đổi cởi mở, khẳng định coi trọng thúc đẩy đà quan hệ và các chuyến thăm. Đây chính là cơ sở để sau đó chúng ta thúc đẩy chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 5/2017, chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo Đông Nam Á thời Tổng thống Trump. Kết quả rất tốt và đã nhân lên đà quan hệ hai nước trên các mặt trong giai đoạn mới.

Sau đó, Tổng thống Trump cũng đã dự APEC và thăm Việt Nam tháng 11/2017, rồi dự Cấp cao Mỹ - Triều tại Hà Nội tháng 2/2019.

PV: Ông đánh giá ông Trump là người như thế nào? Về những thành tựu ông ấy đạt được trong nhiệm kỳ của mình?

Ông Phạm Quang Vinh: Ông Trump là nhà lãnh đạo khác biệt. Nhiều người, nhiều nước cũng đánh giá vậy. Ý kiến về cá nhân và nhiệm kỳ của ông cũng nhiều chiều và khác nhau lắm. Nhưng có mấy điểm, về đối ngoại, có thể nêu ở đây.

Thứ nhất, ông đã định vị lại lợi ích và chính sách đối ngoại của nước Mỹ; quan hệ với các nơi, các nước thay đổi nhiều, như với đồng minh và nhất là với Trung Quốc.

Thứ hai, cách tiếp cận vấn đề cũng trực diện và từ góc độ thực tế hơn nhiều, phải cân đo đong đếm được, như câu chuyện quan hệ thương mại chẳng hạn.

Thứ ba, chú trọng hơn về song phương, giảm bớt đa phương và những cam kết tốn kém với bên ngoài.

Thứ tư, cũng nhấn nhiều về tôn trọng luật lệ, pháp quyền, như trong thương mại hay trong vấn đề Biển Đông.

Còn bên trong, thì cũng đã làm nổi nhiều cái được về kinh tế, việc làm, nhưng cũng còn nhiều thứ gây tranh cãi nội bộ lắm. Giờ thì đang phải đối mặt với hệ quả kép nặng nề của cả dịch bệnh và kinh tế. Chỉ xin vài nét như vậy, chứ còn nhiều thứ lắm.

ĐS Phạm Quang Vinh bắt tay Tổng thống Donald Trump. Ảnh từ Internet.
ĐS Phạm Quang Vinh bắt tay Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Internet)

Ai thắng ai trong cuộc bầu cử tháng 11?

PV: Tại sao hiện nay Joe Biden lại chiếm ưu thế? Cơ hội của hai ứng cử viên thế nào?

Ông Phạm Quang Vinh: Nước Mỹ, như trên nêu, đang gặp khủng hoảng kép, dịch bệnh, kinh tế và xã hội. Cái khó đó tác động trực tiếp đến cử tri mà ông là Tổng thống đương nhiệm thì đương nhiên sẽ bị ảnh hưởng.

Chỗ mạnh kinh tế trước đây của Trump nay bị lu mờ. Dịch bệnh mất kiểm soát, kèm với đó là phong tỏa và cách ly xã hội, tác động tiêu cực tới cả kinh tế và đời sống người dân.

Rõ ràng nước Mỹ cũng chủ quan, nhưng không chỉ ở chính quyền mà cả nhận thức của chung nước Mỹ và người dân nữa. Vốn quen với tự do, nên áp dụng cách ly xã hội hay đeo khẩu trang không phải dễ dàng.

Còn ứng viên Joe Biden dẫn trong các thăm dò, thì có nhiều yếu tố, nhưng có lẽ cái chính là cử tri muốn một sự ổn định, chứ không như hiện nay. Đó là cái thuận lợi lớn với Biden.

Nhưng cũng phải thấy thăm dò cũng có sai số và thực tế còn nhiều thứ tiềm ẩn. Trước hết, là liên quan đến có gì khả quan hơn sẽ sớm xuất hiện, về kinh tế và kiểm soát dịch bệnh, như dịch đã qua đỉnh, hay có vắc xin, hay kinh tế bắt đầu mở cửa và phục hồi trở lại. Cái này có thể đảo chiều lại giữa hai ứng viên.

PV: Kinh nghiệm từ cuộc tranh cử giữa Donald Trump và Hillary Clinton liệu có ảnh hưởng tới kết quả lần này không?

Ông Phạm Quang Vinh: Đây là câu chuyện đặc thù về bầu cử của nước Mỹ, giữa phiếu phổ thông và phiếu đại cử tri, trong bối cảnh chính trị nước Mỹ phân hóa, nhiều thay đổi cấu trúc dân số và cử tri. Ai sẽ tranh thủ thêm được các cử tri lưỡng lự, nhất là tại các bang hai bên tranh chấp, sẽ là một yếu tố quyết định.

Bài học bầu cử 2016 là Hillary Clinton hơn Donald Trump về phiếu phổ thông, nhưng lại thất cử vì kém phiếu đại cử tri. Ẩn số lớn kiểm soát dịch và mở cửa phục hồi kinh tế, nếu điều này xuất hiện, thì cơ của ông Trump lại lên và có khả năng thắng cử.

Nhìn chung, vào lúc này, ông Biden đang lợi thế, nhưng cũng chưa chắc chắn, và câu chuyện giữa hai ứng viên còn khó lường.

Xin cám ơn ông.