Hai dự án cảng hàng không được bán theo hình thức O&M

Đề án chuyển nhượng cảng hàng không Phú Quốc và nhà ga T1 Nội Bài (Hà Nội) vẫn đang tiếp tục bàn để thống nhất phương án. Tuy nhiên, cách thức nhượng quyền ở hai dự án này đều theo hình thức hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M).
Nhà ga T1 (Nội Bài) và càng hàng không Phú Quốc sẽ được chuyên rnhượng theo hình thức O&M
Nhà ga T1 (Nội Bài) và càng hàng không Phú Quốc sẽ được chuyên rnhượng theo hình thức O&M

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã bàn về các vấn đề liên quan đến hàng không, trong đó có việc chuyển nhượng cảng hàng không Phú Quốc và Nội Bài, vẫn đang trong quá trình rà soát phương án để nhượng quyền khai thác.

Theo đó, hai dự án này sẽ được chuyển nhượng theo các quy định của Nghị định 15 về hợp tác công – tư  (PPP). Cụ thể là theo hình thức kinh doanh- quản lý (O&M), được ký giữa nhà nước với nhà đầu tư để kinh doanh một phần hoặc toàn bộ công trình trong một thời hạn nhất định.

Tuy nhiên, hiện Bộ GTVT đang giao Tổng công ty cảng hàng không (ACV) lập phương án tài chính của dự án, thuê tư vấn độc lập định giá tài sản, xác định doanh thu, lợi nhuận, thời hạn chuyển giao…Trong tháng 4, phương án này sẽ phải hoàn tất để trình bộ, đề xuất lên Chính phủ cho phép chuyển nhượng thí điểm.

Do vậy, tính đến thời điểm này, các nhà đầu tư vẫn rộng cửa trong việc đề xuất nhận chuyển nhượng dự án.

Tại cảng hàng không Phú Quốc, hiện Công ty cổ phần tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) đã gửi văn bản đề nghị mua lại quyền khai thác. T&T cho biết sẽ lập công ty để nhận chuyển nhượng dự án này. Đây cũng là yêu cầu của bộ khi trình lên Chính phủ. Trường hợp doanh nghiệp nhận chuyển nhượng không có kinh nghiệm vận hành, khai thác cảng hàng không thì phải có hợp đồng thuê các bên có kinh nghiệm điều hành dự án.

Trước đó, Bộ GTVT cũng đã dự tính phương án để ACV lập công ty cổ phần quản lý cảng hàng không Phú Quốc và thực hiện chuyển nhượng cổ phần của doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, Bộ GTVT nhận thấy cảng hàng không quốc tế Phú Quốc có đủ các yếu tố hấp dẫn đầu tư để có thể thực hiện thí điểm mô hình nhượng quyền quản lý, khai thác do dự án đã đầu tư, vận hành ổn định.

Tương tự như vậy, Vietnam Airlines và Vietjet Air đểu đang đề xuất mua quyền khai thác nhà ga T1 Nội Bài. Song phương án bán cho ai, thời hạn bao lâu vẫn sẽ phải chờ hoàn tất phương án tài chính của dự án.

Trong giai đoạn 2016-2020, nhu cầu vốn cho các dự án do Bộ GTVT trực tiếp quản lý khoảng 1.015 tỉ đồng. Nhưng khả năng ngân sách và các nguồn vốn có gốc ngân sách chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu. Do vậy việc đa dạng hóa hình thức đầu tư, kêu gọi tư nhân là giải pháp cấp bách.

Theo TBKTSG