Hạ tầng viễn thông, CNTT của Việt Nam chưa đảm bảo bảo mật thiết yếu

VietTimes -- Theo Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng (Bộ Công an), cùng với nhiễu loạn thông tin trên mạng đe dọa đến cuộc sống an toàn của mỗi người dân, thì cơ sở hạ tầng viễn thông, CNTT của Việt Nam còn chưa đáp ứng yêu cầu bảo mật thiết yếu, làm gia tăng nguy cơ bị tấn công mạng.
Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng Internet cao nhất thế giới với khoảng 58 triệu người dùng Internet (chiếm hơn 62,7% dân số). Ảnh minh hoạ: Internet
Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng Internet cao nhất thế giới với khoảng 58 triệu người dùng Internet (chiếm hơn 62,7% dân số). Ảnh minh hoạ: Internet

Đánh giá này được Trung tướng Hoàng Phước Thuận trao đổi tại hội thảo quốc gia về an ninh bảo mật - Security World 2017 với chủ đề “Bảo đảm an ninh mạng, an ninh thông tin trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư” vừa diễn ra gần đây.

trong tham luận “Tổng quan tình hình an ninh mạng tại Việt Nam” chia sẻ tại phiên hội thảo chính của Security World 2017, Cục trưởng Cục An ninh mạng Hoàng Phước Thuận đã chỉ rõ những nguy cơ, thách thức mới đối an ninh quốc gia và an toàn, lợi ích của các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân.

Theo ông Thuận, trước hết sự nhiễu loạn thông tin trên không gian mạng đe dọa đến cuộc sống an toàn của mỗi người dân, làm mất an ninh, trật tự xã hội. Bên cạnh hệ thống cơ quan thông tấn, báo chí, trang thông tin điện tử được cấp phép và hoạt động tuân thủ quy định của pháp luật thì vẫn còn tồn tại một số lượng lớn trang web, blog, mạng xã hội… của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đăng tải hàng triệu thông tin, bài viết, ý kiến trao đổi, bình luận ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, dưới nhiều góc độ, nhiều khía cạnh, mục đích khác nhau mà không đảm bảo tính chính xác, khách quan của thông tin.

Ông Thuận dẫn ra thực tế: Vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã yêu cầu các công ty Facebook, Twitter, Google+ áp dụng các biện pháp ngăn chặn những thông tin lừa đảo, gian lận xuất hiện trên các trang mạng này. Đức dự kiến phạt các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tới 500.000 Euro nếu không gỡ bỏ thông tin sai sự thật trong vòng 24 giờ sau khi có yêu cầu của chính quyền. Đáp lại, Facebook đã nêu ra những sáng kiến chống tin giả trước thềm bầu cử Tổng thống Pháp và Quốc hội Đức sắp diễn ra.

Nhiều thông tin sai lệch được phát tán trên không gian mạng đã xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm, khủng bố tinh thần của công dân, gây hoang mang dư luận, thậm chí đe dọa đến an ninh, trật tự, điển hình là thông tin Việt Nam đổi tiền xuất hiện vào cuối năm 2016. Đây cũng là vấn đề mà nhiều quốc gia đang phải đối mặt và nỗ lực đối phó.

Nguy cơ, thách thức lớn thứ hai là hoạt động tấn công mạng vào các cơ sở hạ tầng thông tin trọng yếu ngày càng gia tăng về quy mô và tính chất nguy hiểm. Mỗi năm, có hàng nghìn trang mạng của nước ta bị tin tặc tấn công, chỉnh sửa, chèn, thêm nội dung, cài mã độc, trong đó có hàng trăm trang tên miền .gov.vn của các cơ quan nhà nước. Riêng năm 2016, có tới gần 7.000 trang/cổng thông tin điện tử của nước ta bị tấn công.

Cùng với đó, nhiều thiết bị kết nối Internet (IoT) tồn tại lỗ hổng bảo mật dẫn đến nguy cơ bị tin tặc khai thác, chiếm đoạt sử dụng làm bàn đạp cho các cuộc tấn công mạng trên thế giới. Đặc biệt, hệ thống thông tin trọng yếu nhất là hàng không, ngân hàng, viễn thông có nguy cơ bị phá hoại nghiêm trọng bởi các cuộc tấn công mạng, điển hình là vụ tấn công mạng vào ngành hàng không Việt Nam ngày 29/7/2016.

Người đứng đầu Cục An ninh mạng cũng nhấn mạnh, trong cuộc sống số hiện đại đang diễn ra, an ninh mạng Việt Nam tiếp tục chịu tác động mạnh mẽ bởi các diễn biến của tình hình an ninh mạng thế giới bởi tính toàn cầu và không biên giới của không gian mạng, trong đó cùng phần mềm gián điệp, malware sẽ trở thành mối đe dọa thực sự, kể cả với các mạng đóng lưu trữ và xử lý tài liệu mật do sự lây lan của dòng mã độc này qua USB hoặc CD, smartphone và các thiết bị kết nối không dây; các hệ thống mạng trọng yếu, các hệ thống điều khiển công nghiệp tự động (ICS/SCADA) trong ngành hàng không, ngân hàng, dầu khí, điện lực… tiếp tục là mục tiêu tấn công của tin tặc, trong đó có hoạt động khủng bố, phá hoại. Đồng thời, điểm yếu về bảo mật của hệ thống thiết bị dân dụng có kết nối Internet (Internet of Things - IoT) sẽ trở thành mối đe dọa lớn đối với an ninh mạng của các cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân.

Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng - Bộ Công an tại hội thảo Security World 2017.
Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng - Bộ Công an tại hội thảo Security World 2017.

Một thách thức lớn nữa hiện nay, theo ông Thuận, là việc tội phạm sử dụng mạng máy tính xảy ra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, gia tăng cả về số vụ, tính chất, mức độ nghiêm trọng của. “Các hành vi tấn công mạng, trộm cắp thông tin thẻ tín dụng, chiếm đoạt tài sản thông qua các hoạt động thương mại điện tử, sử dụng các dịch vụ Internet, viễn thông, mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc và đánh bạc xuyên quốc gia, tống tiền, phát tán văn hóa phẩm đồi trụy, khiêu dâm, kinh doanh trái phép các loại tiền điện tử… diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn cho nhiều tổ chức, cá nhân”, ông Thuận cho hay.

Ông Thuận cho rằng, với xu hướng ứng dụng CNTT ngày càng phổ biến đối với mỗi người dân, tình trạng tội phạm sử dụng mạng máy tính tiếp tục gia tăng với quy mô lớn, có tổ chức, tập trung vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, thị trường “tín dụng đen”, đánh cắp dữ liệu công dân, mã số thuế, hải quan điện tử để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản là một thách thức lớn mà Việt Nam phải giải quyết.

Trong khi đó, cũng theo nhận định của người đứng đầu Cục An ninh mạng, cơ sở hạ tầng viễn thông, CNTT của Việt Nam còn chưa đáp ứng yêu cầu bảo mật thiết yếu, làm gia tăng nguy cơ bị tấn công mạng.

Bên cạnh đó, ông Thuận cũng nêu ra hàng loạt yếu tố khác dẫn đến sự gia tăng nguy cơ bị tấn công mạng như: cổng thông tin điện tử, website, hệ thống mạng thông tin chưa được xây dựng theo một tiêu chuẩn thống nhất, thiếu sự kiểm định về an ninh thông tin, an ninh mạng; các phần mềm và thiết bị phần cứng tồn tại lỗ hổng bảo mật nhưng chưa được khắc phục kịp thời; tình trạng sử dụng phần mềm không có bản quyền còn phổ biến; nhiều cơ quan, tổ chức chưa có chính sách đảm bảo an ninh mạng hoàn chỉnh; chưa có hoặc có bộ phận chuyên trách về đảm bảo an ninh, an toàn thông tin mạng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình hiện nay.

Đồng thời, đội ngũ quản trị viên các hệ thống thông tin còn hạn chế về kiến thức, kỹ năng bảo đảm an ninh mạng, nhất là kỹ năng xử lý các tình huống xâm phạm đến an ninh quốc gia; đa số người dùng còn có tâm lý chủ quan, không thực hiện nghiêm túc các quy chuẩn, quy định về công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; công tác quản lý nhà nước về an ninh, an toàn thông tin mạng còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong tình hình hiện nay