Hà Nội sẽ khoán định mức sử dụng xe công

Theo đề nghị của đại biểu Nguyễn Hoài Nam, nghị quyết về dự toán ngân sách và phân bổ dự toán ngân sách năm 2016 của Hà Nội sẽ có danh mục khoán định mức sử dụng xe công.
Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam. Ảnh: VNN
Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam. Ảnh: VNN

Ngày 2/12, tại kỳ họp thứ 14 HĐND TP khóa XIV, đại biểu HĐND TP Hà Nội đã thảo luận tại hội trường và thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách và phân bổ dự toán ngân sách cấp thành phố năm 2016 của TP.

Theo tờ trình của UBND TP do Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu trình bày tại kỳ họp, năm 2016, UBND TP xây dựng dự toán thu bằng số dự toán Chính phủ giao, bằng 115,6% số ước thực hiện năm 2015 (Chính phủ giao 169.420 tỷ đồng, tăng 19,6% dự toán thu NSNN trên địa bàn năm 2015).

Một trong những giải pháp nhằm "tăng thu, giảm chi" được UBND TP đưa ra trong năm 2016 là "tăng cường quản lý, kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động các quỹ công của TP. Thực hiện triệt để tiết kiệm chi thường xuyên và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí".

Trong báo cáo thẩm tra, Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP đề nghị UBND TP trong công tác quản lý, điều hành ngân sách, tài sản nhà nước năm 2016 cần có biện pháp quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ đất, nhà chuyên dùng, thực hiện các phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất theo hướng tăng cường bán đấu giá để tạo nguồn lực đầu tư phát triển, sử dụng hiệu quả tài sản nhà đất.

"Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kiến nghị qua giám sát của các cơ quan có thẩm quyền đối với quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, tập trung vào lĩnh vực đất đai, tài sản trên đất, quỹ nhà chuyên dùng, mua sắm ô tô, trang thiết bị y tế" - báo cáo thẩm tra nêu.

Trong phần thảo luận về tờ trình của UBND TP, đại biểu Nguyễn Hoài Nam, trưởng Ban Pháp chế HĐND TP cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực đầu tư công ngày càng khó khăn, vẫn có những nội dung ít được bàn thấu đáo, đó là vấn đề quản lý tài sản công hiện nay.

Ông Nam cho biết, trong báo cáo của UBND TP có nêu ra tồn tại về quản lý tài sản công và Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND đã lưu ý nhưng việc này chưa được TP  đánh giá đầy đủ về những tồn tại hạn chế.

"Đặc biệt là những hạn chế, yếu kém trong quản lý nhà sở hữu của nhà nước như sử dụng lãng phí, thậm chí còn có hiện tượng cho thuê lại lấy chênh lệch giá hoặc cho thuê không thu tiền. Mang nguồn lực của nhà nước đi đầu tư nhưng không có hiệu quả.  Không những không khắc phục mà các vi phạm ngày càng nghiêm trọng" - ông Nam nói.

Trưởng ban Pháp chế nhấn mạnh, UBND TP cần phải xử lý kết luận giám sát của HĐND chứ không thể dừng lại ở việc "tăng cường kiểm tra, giám sát".

Đại biểu Nam đề nghị khoản 5 của dự thảo Nghị quyết phải bổ sung giải pháp về quản lý tài sản công theo đúng quy định của pháp luật, xử lý nghiêm khắc những sai phạm về quản lý tài sản công. Đồng thời TP cần có đề án khoán kinh phí sử dụng ôtô.

Tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu Nam, chủ tọa phiên họp  - ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách thống nhất việc đưa đề án khoán kinh phí sử dụng ôtô vào Nghị quyết về dự toán ngân sách và phân bổ dự toán ngân sách cấp TP 2016 của Hà Nội .

Với tỷ lệ 88,04% đại biểu tán thành, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách và phân bổ dự toán ngân sách cấp thành phố năm 2016.

Định mức sử dụng xe công của lãnh đạo TP Hà Nội

Quyết định 32/QĐ-TTg do Thủ tướng ký ban hành ngày 4/8, quy định rõ về tiêu chuẩn định mức xe công cho các chức danh.

Các chức danh của TP Hà Nội: Phó Bí thư thành ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách được sử dụng thường xuyên trong thời gian công tác một ôtô với giá mua tối đa 1,1 tỷ đồng/xe.

Các chức danh Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch Ủy ban MTTQ được sử dụng ôtô để đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và đi công tác với mức giá mua tối đa 920 triệu đồng/xe.

 Theo Zing