Hà Nội: Phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng thành quận

VietTimes -- Chủ tịch UBND TP. Hà Nội vừa phê duyệt các quyết định ban hành Đề án đầu tư xây dựng các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng thành quận đến năm 2025.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, việc đầu tư xây dựng từng huyện thành quận đều hướng tới các mục tiêu cụ thể.

Huyện Đông Anh hướng đến phát triển bền vững, trở thành quận hiện đại, điểm nhấn là các đô thị thông minh, khu công viên phần mềm, trung tâm mua sắm cao cấp, các khu vui chơi giải trí, khu dịch vụ cao cấp về chăm sóc sức khỏe, trung tâm sáng tạo phục vụ cho nghiên cứu và phát triển, đồng thời gìn giữ và phát huy bản sắc, giá trị của miền quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời.

Huyện Thanh Trì tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng mạnh thương mại, dịch vụ; phát triển đô thị, đầu tư hạ tầng kỹ thuật - xã hội và xây dựng nông thôn mới theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại; huy động, thu hút và sử dụng hiệu quả các tiềm năng, nguồn lực cho đầu tư phát triển; tích cực cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường; đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa mới, duy trì và phát huy hiệu quả văn hóa truyền thống.

Cùng với đó, huyện Gia Lâm sẽ tập trung phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại, dịch vụ - công nghiệp, xây dựng; đẩy mạnh huy động các nguồn vốn cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khung theo hướng đô thị; quan tâm đầu tư phát triển các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế; củng cố, sắp xếp bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở.

Theo đề án, chậm nhất vào năm 2022, huyện Gia Lâm và các xã, thị trấn thuộc huyện đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của quận, phường theo quy định.

Trong tương lai, huyện Đan Phượng  đặt mục tiêu phát triển theo hướng bền vững, trở thành quận hiện đại, điểm nhấn là các đô thị cao cấp, khu đô thị sinh thái, trung tâm mua sắm cao cấp, các khu vui chơi giải trí, khu dịch vụ cao cấp về chăm sóc sức khỏe, đồng thời gìn giữ và phát huy bản sắc, giá trị của miền quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời; kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của các khu đô thị mới với hạ tầng nông thôn hiện nay.

Huyện Hoài Đức lên quận vào 2020


Từ cuối năm 2018, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã đồng ý chủ trương thực hiện đề án đầu tư, xây dựng huyện Hoài Đức thành quận vào năm 2020.


Theo Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, đề án trên cần đặc biệt tập trung hoàn thiện việc quy hoạch xây dựng, ưu tiên thúc đẩy sớm hoàn thành 8 chỉ tiêu chưa đạt; các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề.

Đặc biệt, đề án cần xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong điều kiện mới. UBND TP cũng yêu cần yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng đô thị.

Để có đủ nguồn lực thực hiện đề án, UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với huyện Hoài Đức đề xuất cơ chế, chính sách huy động nguồn vốn đầu tư tại chỗ từ tiềm năng đất đai trên địa bàn thông qua việc đấu thầu, đấu giá theo quy định và cơ chế điều tiết tiền sử dụng đất một cách hợp lý.


Về việc bảo đảm tiến độ, UBND TP. Hà Nội cần nghiên cứu, xem xét đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho huyện Hoài Đức thực hiện các thủ tục liên quan đến phê duyệt quy hoạch chi tiết các dự án đầu tư công và phê duyệt chủ trương đầu tư cũng như quyết định đầu tư các dự án đầu tư công, nhất là các dự án về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội.