Hà Nội: người dân chấp nhận vé đường sắt Cát Linh - Hà Đông cao hơn xe buýt từ 35 - 37%

VietTimes -- Sáng 10/8/2018, báo Giao Thông tổ chức tọa đàm trực tuyến "Tuyến đường sắt trên cao đầu tiên tại Hà Nội sẽ hoạt động như thế nào?". Buổi tọa đàm diễn ra trong bối cảnh tuyến đường sắt trên cao (ĐSTC) Cát Linh sắp được đưa vào hoạt động thử nghiệm cuối tháng 8/2018. 

Đoàn tàu chạy thử nghiệm của tuyến đường mang số hiệu HN00304 xuất phát từ ga Cát Linh. Nguồn: Zing
Đoàn tàu chạy thử nghiệm của tuyến đường mang số hiệu HN00304 xuất phát từ ga Cát Linh. Nguồn: Zing

Theo ông Vũ Hồng Phương - Phó Giám đốc phụ trách Ban QLDA đường sắt (Bộ GTVT), toàn tuyến ĐSTC Cát Linh - Hà Đông đã cơ bản hoàn thành phần xây dựng, đạt trên 96%. Còn một số hạng mục xây dựng đang được hoàn thiện trong giai đoạn sau khi lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống chuyên ngành thiết bị.

Các chuyên ngành thiết bị hiện nay đã nhập về công trường trên 95% trang thiết bị và lắp đặt hoàn chỉnh gần 80%, trong đó có một số thiết bị chuyên ngành chính liên quan đến hệ thống thiết bị điều khiển đoàn tàu.

Hiện nay, lực lượng kỹ thuật để phục vụ công tác vận hành thử do bố trí của tổng thầu, toàn bộ lực lượng kỹ thuật được hỗ trợ từ phía Trung Quốc sang đã có mặt tại hiện trường. Lực lượng này sẽ thực hiện theo từng giai đoạn cho từng chuyên ngành và sẽ kết thúc sau mỗi chuyên ngành.

Quang cảnh buổi tọa đàm "Tuyến đường sắt trên cao đầu tiên tại Hà Nội sẽ hoạt động như thế nào?"
 Quang cảnh buổi tọa đàm "Tuyến đường sắt trên cao đầu tiên tại Hà Nội sẽ hoạt động như thế nào?" 

Sẽ có 681 nhân sự tham gia vào việc vừa đào tạo tại hiện trường vừa tiếp nhận dự án để sau này quản lý, vận hành và khai thác. Trong đó, trực tiếp đào tạo lực lượng cho dự án là 651, còn 30 nhân sự quản lý thông qua đào tạo. Lực lượng này được Ban Quản lý dự án đường sắt phối hợp với tuyển dụng, đào tạo, tới đây sẽ được đưa lên tuyến trong giai đoạn vận hành.

Ông Vũ Hồng Trường - TGĐ Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,1km và 12 ga. Tốc độ lưu thông của tuyến đường sắt này vào khoảng 35km/h. 

Theo khảo sát, 98% người dân được hỏi cho biết đều có biết đến dự án này. Cùng đó, 95% số người được hỏi cho biết sẽ phải đi ít nhất là 1 lần đi thử.

Về giá vé, đa phần người dân có thể chấp nhận đi tuyến này giá vé lượt cao hơn buýt thông thường từ 35 - 37%. Tuy nhiên, đa phần mọi người thích sử dụng vé tháng hơn, và chấp nhận cao hơn 10 - 15% xe buýt.

Còn về giá vé cụ thể là do UBND TP.Hà Nội quyết định theo hướng làm sao để cạnh tranh với phương tiện cá nhân và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng. Tuy nhiên, giá vé sẽ được nhà nước trợ giá nên cũng sẽ không quá cao.

Ông cũng đề cập là UBND TP.Hà Nội đã có một quy định khung về tiêu chuẩn thẻ vé. Vé đi Metro, xe buýt phải cùng một khung công nghệ để có thể kết nối được với nhau. Tiến tới có thể dùng cả cho đỗ xe và các phương tiện giao thông công cộng khác.

Về điều khiển, đoàn tàu có hệ thống thông tin và tín hiệu công nghệ hiện đại tiên tiến trên thế giới. Trong quá trình vận hành, khi có sự cố đều được truyền tín hiệu về và có hệ thống camera giám sát, phát hiện các tình huống để có điều hành, điều khiển hệ thống đoàn tàu đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Với con người, dù vô tình hay cố ý nếu bước vào khu vực đường sắt ngoài nhà ga thì đã có hệ thống bảo vệ ở tất cả các nhà ga, có hệ thống rào chắn để dân không tiếp cận vào đường ray. Ngoài ra còn có hệ thống camera giám sát trên toàn tuyến và các nhà ga.

Nhà ga đầu mối Cát Linh - điểm đầu của tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông
 Nhà ga đầu mối Cát Linh - điểm đầu của tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông

Ông Chu Quang Trung -  Phó viện trưởng Viện chiến lược và phát triển giao thông vận tải cho biết, dọc hành lang tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có 34 tuyến buýt đang hoạt động, chiếm 30% số lượng tuyến của toàn mạng lưới xe buýt Hà Nội.

Sau khi đường sắt đô thị đi vào hoạt động, các tuyến buýt nói trên có vai trò gom khách cho tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Việc kết nối này sẽ được điều chỉnh lại. Nguyên tắc tổ chức lại mạng lưới xe buýt là cung cấp và giải tỏa tối đa hành khách của tuyến đường sắt đô thị tại các nhà ga, gom và cung cấp khách cho các tuyến buýt. Phương án đang được xây dựng là toàn bộ các nhà ga của tuyến đường sắt sẽ có kết nối với hệ thống xe buýt thành phố.

Để hành khách lên và xuống tại các nhà ga, ông Vũ Hồng Trường cho biết, sẽ có thang cuốn để đi lên và đi xuống bằng thang bộ. Đặc biệt, sẽ có cả dịch vụ vận chuyển đặc biệt dành cho người khuyết tật di chuyển bằng xe lăn. 

Nhằm đáp ứng nhu cầu của hành khách, Metro Hà Nội sẽ đặt vấn đề chính thức với các ngân hàng thương mại để thiết lập các máy rút tiền ATM tại các nhà ga. Đồng thời, tại các nhà ga cũng sẽ có các quầy ăn nhanh và bán đồ lưu niệm. 

Ông Hồ Quốc Phi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội thì cho biết, dịch vụ taxi xác định Metro Hà Nội không phải đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Hiệp hội Taxi Hà Nội mong loại hình này phát triển mạnh mẽ hơn để thu hút hành khách. Cá nhân ông rất tâm đắc với mục tiêu kết nối tất cả các loại hình vận tải công cộng để tạo thành mạch máu giao thông thông suốt.

Hiệp hội Taxi Hà Nội có ý kiến nhỏ góp ý, ở nước ngoài họ mua vé rất thuận tiện bởi họ mua bằng tiền xu, chỉ cần cho đồng xu vào máy là mua được vé rất dễ dàng. Nên chăng, chúng ta nên phát hành 1 loại tiền xu để thuận tiện cho người dân.