Hà Nội nêu tên loạt "đại gia" vi phạm về quản lý, sử dụng chung cư

VietTimes -- Tổng công ty ĐTPT nhà và đô thị HUD, Công ty CP đầu tư Hải Phát, Tổng công ty Viglacera, Công ty xây dựng số 1 Điện Biên, Công ty CP Big Việt Nam, …. và hàng loạt chủ đầu tư khác bị nêu tên do những vi phạm trong quản lý, sử dụng chung cư thương mại trên địa bàn Hà Nội.
Hàng loạt vi phạm về quản lý, sử dụng chung cư được phát hiện tại Hà Nội.
Hàng loạt vi phạm về quản lý, sử dụng chung cư được phát hiện tại Hà Nội.

Chậm lập Ban quản trị    

Theo Đoàn giám sát việc chấp hành quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng nhà chung cư thương mại trên địa bàn Hà Nội, đến nay thành phố có 270/688 tòa nhà đã đưa vào sử dụng nhưng chưa thành lập Ban quản trị (chiếm 30,52%).

Tiêu biểu là Cụm CT3A-B Khu đô thị Văn Quán - Yên Phúc của Tổng công ty ĐTPT nhà và đô thị HUD, Chung cư Mulberrylane của Công ty TNHH đầu tư Capitaland - Hoàng Thành, Chung cư CT1 Văn Khê của Công ty CP sông Đà 101, Chung cư The Pride 1,2,3,4 KĐT mới An Hưng của Công ty CP Đầu tư Hải Phát, Chung cư Bemes gồm CT6A, CT6A1, CT6B, CT6C tại Kiến Hưng của Công ty XD số 1 Điện Biên...

Ngoài ra, còn có các tòa CT7, CT8, CT9 tại xã Đặng Xá của Tổng công ty Viglacera, các tòa OCT2-ĐN1, OCT2-ĐN, OCT2-ĐN3 chủ đầu tư là HUD2, Rice City Trung, Rice City Nam, Rice City Bắc của Công ty CP Big Việt Nam.

Tòa nhà Hateco của Công ty CP Hateco Hà Nội; Tòa CT3-The ONE RESIDENCE tại Pháp Vân của Gamuda Land Việt Nam; Ecolife Tây Hồ của Công ty CP ĐT&TM Thủ Đô; Tòa nhà Diamond Flowaer Tower của Công ty CP ĐT và PT nhà số 6 Hà Nội; Chung cư 141 Trương Định của Công ty CP Tập đoàn ĐT Hòa Bình;… đều chậm thành lập Ban quản trị theo quy định.

Nguyên nhân là nhiều chủ đầu tư chưa thực hiện tốt trách nhiệm theo quy định, cố tình trì hoãn kéo dài thời gian tổ chức hội nghị nhà chung cư để thành lập Ban quản trị; chây ì trong việc phân định sở hữu chung riêng; không công khai và bàn giao diện tích chung, nhà sinh hoạt cộng đồng cho ban quản trị; bàn giao hồ sơ không đúng quy định; thiếu thành phần hồ sơ hoặc xây dựng sai thiết kế được duyệt; không lập tài khoản riêng để tạm quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư, quản lý hoặc sử dụng kinh phí bảo trì không đúng mục đích.

Các vi phạm chủ yếu là về phòng cháy, chữa cháy; chậm thành lập Ban quản trị tòa nhà, chậm bàn giao Quỹ bảo trì.
Các vi phạm chủ yếu là về phòng cháy, chữa cháy; chậm thành lập Ban quản trị tòa nhà, chậm bàn giao Quỹ bảo trì.

“Chây ỳ” quỹ bảo trì

 Việc lập, bàn giao hồ sơ, bàn giao kinh phí bảo trì 2% nhà chung cư cho Ban quản trị cũng thực hiện chậm. Tính đến nay còn 235/418 tòa chưa bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị (chiếm 56,22%); còn 131/418 tòa chưa bàn giao hồ sơ cho Ban quản trị (chiếm 31,33%)

Các chung cư chưa bàn giao Quỹ bảo trì 2% như: Tòa nhà hỗn hợp Sông Đà số 125 Trần Phú và Tòa nhà SDU-143 Trần Phú, phường Văn Quán của Công ty CP ĐTXD&PTĐT Sông Đà; Tòa Rainbow - Văn Quán của Công ty CP BIC Việt Nam; Tòa CT8 tại phường Yên Nghĩa, quân Hà Đông của Công ty CP Tập đoàn Nam Cường; Cụm CT1A-B Xa La, cụm CT2A,BCT3, tòa CT4 tại KĐT Xa La của Doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên; Chung cư X25 - Bộ Công an chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Nam Triệu; Tòa nhà cao cấp Westa của Công ty CP Coma 18; Hay các chung cư 17T4, 17T5, 17T6, 17T7, 17T8, 17T9, 18T1, 18T2 thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân của Tổng công ty Vinaconex.

Các Khu No 1A, No 1B, No 2, No 3, No 4A, No 4B, No 5, No 6A, No 6B, No 7A, No 7B, No 8, No 9A, No 9B, No 10, VP2, VP4 tại Khu Bán đảo Linh Đàm; CT3A, CT3B, CT3C, CT4A, CT4B, CT4C, CT5 KĐT Bắc Linh Đàm của Tổng công ty nhà và khu đô thị HUD đều chưa bàn giao quỹ bảo trì cho Ban Quản trị.

Ngoài ra việc phân định sở hữu chung, riêng chưa được thực hiện rõ ràng, triệt để đến nay còn 379/688 tòa nhà chung cư chưa xác định được diện tích sở hữu chung, riêng chiếm tỷ lệ 55,09%; 110 cụm, tòa nhà chung cư chưa bàn giao nhà sinh hoạt cộng đồng cho Ban quản trị.

Nhiều chung cư xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp về quyền lợi giữa cư dân với chủ đầu tư. Theo báo cáo của Sở Xây dựng, hiện nay có khoảng 30 tòa nhà chung cư đang phát sinh tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư chưa được giải quyết dứt điểm. Ngoài ra còn tiềm ẩn phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp quyền lợi tại nhiều tòa nhà chung cư chưa thành lập Ban quản trị, chưa bàn giao hồ sơ, bàn giao kinh phí bảo trì 2%, chưa phân định sở hữu chung, riêng theo quy định.

Ngoài ra công tác phòng cháy chữa cháy còn chưa đảm bảo an toàn theo quy định, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, việc khắc phục các vi phạm về phòng cháy chữa cháy còn chậm. Đến nay trên địa bàn Thành phố vẫn còn 188 tòa chung cư không đảm bảo điều kiện về đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.

Như khách sạn The Light tại 128-130 Hàng Bông của Công ty TNHH Thương Mại và dịch vụ Bảo Ngân chỉ có 01 cầu thang bộ, chưa tổ chức huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, thực tập phương án chữa cháy trong quá trình thi công bị phạt tới 44,5 triệu đồng, UBND quận Hoàn Kiếm đã phải ra văn bản yêu cầu dừng hoạt động;

Khách sạn Mayde Ville 78 Hàng Bạc của Công ty TNHH Tiền Giang chỉ có 01 cầu thang bộ, loại hở, chưa trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy bị phạt 8 triệu đồng; Khách sạn Hà Nội Emotion, 26 Hàng Bột của Công ty CP Cảm xúc Hà Nội chỉ có 01 cầu thang bộ, không trang bị hệ thống chữa cháy tự động, hút khói hàng lang, tăng áp bị phạt 7,5 triệu đồng; Khách sạn Sài Gòn Sunhotel của Công ty TNHH Du lịch khách sạn Mặt trời Sài Gòn; Khách sạn Sunny;… đều vi phạm về phòng cháy chữa cháy.

Nhiều chủ đầu tư không chấp hành đúng quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, tự ý thay đổi thiết kế, thay đổi công năng các hạng mục xây dựng, không trang bị đầy đủ theo quy định hệ thống phòng cháy, chữa cháy và các hệ thống kỹ thuật liên quan, không đảm bảo khoảng cách an toàn phòng cháy, chữa cháy, nguồn nước chữa cháy không đảm bảo yêu cầu... Đặc biệt, có tình trạng chưa nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy, chưa nghiệm thu công trình đã tự ý cho các hộ dân vào sử dụng căn hộ để ở, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.