Hà Nội muốn dùng tiền cổ phần hóa doanh nghiệp để đầu tư đường sắt đô thị

VietTimes -- Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Thành phố tiếp tục làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp sau sắp xếp, cổ phần hóa và cho phép Hà Nội được quản lý, sử dụng số tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để bổ sung nguồn vốn thực hiện các dự án trọng điểm của Thành phố, trọng tâm là các tuyến đường sắt đô thị.
Thủ tướng nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng Chính phủ làm việc với lãnh đạo TP. Hà Nội. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng Chính phủ làm việc với lãnh đạo TP. Hà Nội. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Sáng nay, 29/9, tại trụ sở UBND TP. Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Thành phố về tình hình kinh tế-xã hội.

Thay mặt lãnh đạo Thành phố, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương nhiều nội dung quan trọng.

Cụ thể, về việc ủy quyền phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm A nguồn vốn ngân sách Thành phố:

Đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét sửa đổi Điều 17 - Luật Đầu tư công theo hướng “Đối với thành phố Hà Nội, giao HĐND Thành phố quyết định chủ trương đầu tư đối với các Dự án nhóm A sử dụng ngân sách Thành phố”. Trong khi chờ Quốc hội xem xét, sửa đổi, đề nghị Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho HĐND thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm A nguồn vốn ngân sách Thành phố.

Về cơ chế phát triển quỹ nhà ở xã hội:

Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Thành phố được phát triển nhà ở xã hội theo nguyên tắc cân đối tỷ lệ tổng thể với quy mô nhà ở thương mại trên toàn địa bàn Thành phố để hình thành các khu nhà ở xã hội tập trung, đồng bộ.

Về công tác thực hiện cổ phần hóa tại doanh nghiệp nhà nước do thành phố Hà Nội quản lý:

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Thành phố tiếp tục làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp sau sắp xếp, cổ phần hóa và cho phép thành phố Hà Nội được quản lý, sử dụng số tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để bổ sung nguồn vốn thực hiện các dự án trọng điểm của Thành phố, trọng tâm là các tuyến đường sắt đô thị.

Phân cấp cho Thành phố được linh hoạt trong việc quản lý, điều hành và sử dụng quỹ dự trữ tài chính của thành phố Hà Nội: được phép tạm ứng từ quỹ dự trữ Thành phố để đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Thành phố nhưng chưa bố trí vốn trong phạm vi kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thời gian tạm ứng không quá 36 tháng, kể từ ngày tạm ứng.

Về đầu tư cải tạo, xây dựng, nâng cấp chợ: Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Thành phố được sử dụng nguồn vốn ngân sách sự nghiệp để thực hiện đối với chợ không có điều kiện kêu gọi xã hội hóa.

Về nước sạch: Đề nghị Chính phủ cho phép Thành phố được thống nhất quản lý nhà nước về nước sạch về một đầu mối là Sở Xây dựng để đảm bảo việc quản lý, cung cấp nước sạch theo “một tiêu chuẩn” là “nước sạch đô thị”.

Về xử lý rác thải: đề nghị Chính phủ chấp thuận bổ sung các dự án xử lý rác phát điện trong Quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia tại các địa điểm: Sóc Sơn, Tả Thanh Oai - Thanh Trì, Đồng Ké - Chương Mỹ và Xuân Sơn, Sơn Tây - Ba Vì.

Về phát triển du lịch: Đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo đầu tư dự án nhà ga T3, T4 - Sân bay Quốc tế Nội Bài và xem xét mở các đường bay trực tiếp từ các quốc gia, địa bàn khách du lịch quốc tế trọng điểm. Tăng thời gian miễn thị thực nhập cảnh từ 15 ngày lên 30 ngày để phù hợp với nhu cầu của khách du lịch, nhất là khách du lịch từ thị trường xa như Tây Âu.

Về tổ chức đăng cai các giải thể thao quốc tế: Đề nghị Trung ương cho phép thành phố Hà Nội được thương thảo để tổ chức đăng cai các giải thể dục thể thao quốc tế nhằm thu hút khách du lịch, quảng bá hình ảnh, thu hút đầu tư.

Về biên chế, vị trí việc làm: Đề nghị Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho Thành phố được quyết định Đề án vị trí việc làm tại cơ quan, đơn vị tổ chức lại (sáp nhập, hợp nhất); duyệt các đối tượng tinh giản biên chế theo quy định để xem xét việc đánh giá phân loại cán bộ công chức, viên chức hằng năm.

Phân cấp quản lý Thanh tra xây dựng: đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép Hà Nội thực hiện thí điểm giao cho cấp huyện quản lý Thanh tra xây dựng cùng cấp để phát huy hiệu quả.

Phân cấp quản lý y tế cơ sở: Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố Hà Nội được thực hiện phân cấp quản lý y tế cơ sở về cho cấp Huyện quản lý.

Thuê dịch vụ công nghệ thông tin: Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố Hà Nội thuê phần mềm theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 và thuê trọn gói trung tâm cung cấp dịch vụ thông tin; chỉ đạo các Bộ: Tài chính, Thông tin truyền thông hướng dẫn về giá thuê đối với các dịch vụ này.

Cơ chế đặt hàng xây dựng nhà ở thương mại để tạo lập quỹ nhà ở tái định cư: UBND Thành phố đề nghị Chính phủ chấp thuận:

(1) Cho phép được áp dụng hình thức thu hồi đất, giao đất theo quy định của Luật Đất đai và lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện dự án, không thông qua đấu thầu, đấu giá..

(2) Tiền sử dụng đất được xác định tại thời điểm giao đất theo quy định nhưng tiền sử dụng đất được nộp vào thời điểm nhà đầu tư bán căn hộ tái định cư theo quyết định của UBND Thành phố cho các hộ dân.

(3) Cho phép nhà đầu tư được hưởng 10% lợi nhuận định mức (không bao gồm lãi suất tiền vay) để thực hiện dự án tương tự định mức phát triển nhà ở xã hội.

Kế hoạch năm 2017- 2017, Thành phố sẽ đầu tư khoảng 22.300 căn hộ nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng (kinh phí dự toán khoảng 55.000 tỷ), đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu nhà ở tái định cư phục vụ các dự án trong giai đoạn 2018- 2020 và các năm tiếp theo. Nếu thực hiện theo phương án đầu tư nêu trên, Thành phố chỉ phải bố trí vốn để GPMB tạo quỹ đất, không phải bố trí ngân sách để xây dựng công trình, doanh nghiệp giải quyết được việc làm, có thu nhập và tham gia vào quản lý, vận hành nhà ở tái định cư, người dân được hưởng chất lượng và dịch vụ theo cơ chế nhà ở thương mại.

Cho phép lựa chọn nhà đầu tư thực hiện một số gói thầu tư vấn và dự án đặc thù: đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố Hà Nội được lựa chọn các đơn vị thực hiện theo phương thức chỉ định thầu đối với những công trình cấp bách cần phải chỉ định thầu hoặc những dự án lập quy hoạch chi tiết 1/500, quy hoạch ngành có tính chất đặc thù.

Đề nghị Trung ương thưởng vượt thu và đầu tư trở lại cho Thành phố tương ứng toàn bộ số tăng thu ngân sách Trung ương trên địa bàn thành phố. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 21 Luật Thủ đô, Luật Ngân sách nhà nước và Nghị định Nghị định số 63/2017/NĐ-CP của Chính phủ để thực hiện các dự án đường sắt đô thị và đường giao thông.

Đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xóa nợ thuế đối với một số trường hợp không có điều kiện để thu: Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND Thành phố phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ và Quốc hội xóa nợ thuế trên địa bàn Thành phố đối với các doanh nghiệp đã giải thể, không còn hoạt động, cá nhân đã chết.

Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương triển khai thực hiện dự án đầu tư “Xây dựng, cải tạo chỉnh trang xung quanh hồ Hoàn Kiếm”

Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn, quận Hoàn Kiếm được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương cho phép được triển khai thực hiện dự án đầu tư “Xây dựng cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm”.

Về việc triển khai dự án đầu tư xây dựng Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia tại huyện Đông Anh.

Chuẩn bị triển khai thực hiện dự án Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia (quy mô 91,8ha), UBND huyện Đông Anh đã hoàn thành công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng nhưng chưa bàn giao được mặt bằng cho Nhà đầu tư do Dự án chưa được phê duyệt. Kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sớm chỉ đạo việc triển khai thực hiện Dự án.

Về việc điều chỉnh quy mô dân số và điều chỉnh ranh giới nghiên cứu quy hoạch dự án Khu đô thị Tây Mỗ - Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm và dự án Khu đô thị Gia Lâm, huyện Giai Lâm: Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương bổ sung khoảng 112.700 người vào tổng quy mô dân số tối đa đã được xác định theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được phê duyệt, làm cơ sở để triển khai điểu chỉnh Nhiệm vụ, lập Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các Khu đô thị Tây Mỗ - Đại Mỗ và Khu đô thị Gia Lâm; điều chỉnh mở rộng ranh giới nghiên cứu lập quy hoạch thực hiện dự án Khu đô thị Gia Lâm điều chỉnh Nhiệm vụ và lập Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, thực hiện dự án đầu tư Khu đô thị Gia Lâm.

Về tiếp tục thực hiện Luật Thủ đô: Đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét:

- Phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng nghề trên địa bàn Thủ đô theo hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao  và Quy chế cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong vùng Thủ đô để thi hành các quy định của pháp luật về Thủ đô.

- Sửa đổi Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị theo nguyên tắc chỉ hỗ trợ tối đa 50% tiền sử dụng đất thu được tại vị trí cũ để đầu tư các dự án tại cơ sở mới; phần còn lại ngân sách các địa phương được hưởng để đầu tư các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực dự án; Sửa đổi Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 140/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ cho phù hợp với quy định của Luật Thủ đô, giao các cơ sở nhà đất sau khi thực hiện sắp xếp cho Thành phố để thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch.