Hà Nội lên kế hoạch “nắm tóc” người chạy xe ôm, xe chở hàng

VietTimes -- Người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe môtô hai bánh và các loại xe tương tự trên địa bàn thành phố Hà Nội phải mang biển hiệu (thẻ hoạt động vận chuyển) do cơ quan có thẩm quyền cấp tại vị trí ngực áo bên trái.
ở Giao thông - Vận tải Hà Nội đề xuất người hành nghề 'xe ôm' phải được cấp phép và có biển hiệu.
ở Giao thông - Vận tải Hà Nội đề xuất người hành nghề 'xe ôm' phải được cấp phép và có biển hiệu.

Sở Giao thông vận tải Hà Nôi vừa trình Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội dự thảo “Quy định về quản lý và sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, môtô hai bánh và các loại tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Theo đó, người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ phải đủ 15 tuổi trở lên, có sức khỏe bảo đảm điều khiển xe an toàn; hiểu biết quy tắc giao thông đường bộ. Những người này phải đăng ký với Ủy ban Nhân dân phường, xã, thị trấn để được cấp biển hiệu hoạt động (thẻ hoạt động vận chuyển).

Khi điều khiển phương tiện, người hành nghề phải mang theo các giấy tờ gồm giấy chứng nhận đăng ký xe; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; có hộ khẩu thường trú hoặc giấy chứng nhận tạm trú tại địa phương nơi đăng ký hành nghề; có bản đăng ký vận chuyển hành khách, hàng hóa.

Dự thảo cũng quy định cụ thể điều kiện với người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe gắn máy, xe mô tô hai bánh như có giấy phép lái xe phù hợp với các loại xe được phép điều khiển do Sở Giao thông Vận tải có thẩm quyền cấp; phải trang bị mũ bảo hiểm bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của pháp luật cho hành khách đi xe.

Kể từ ngày 1/1/2021, người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe môtô hai bánh và các loại xe tương tự trên địa bàn thành phố Hà Nội phải mang biển hiệu (thẻ hoạt động vận chuyển) do cơ quan có thẩm quyền cấp tại vị trí ngực áo bên trái.

Dự thảo cũng quy định, trường hợp không hành nghề từ 30 ngày trở lên, người vận chuyển phải gửi lại phù hiệu cho đơn vị quản lý; nếu mất phải có công văn báo mất có xác nhận của công an cấp xã, phường, thị trấn và báo cáo cho đơn vị quản lý biết để được hướng dẫn cấp lại biển hiệu.

Ngoài ra, các phương tiện 2 bánh tham gia chờ khách và hàng hóa cũng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về an toàn như hệ thống hãm lực, chuyển hướng lực, đèn chiếu sáng xa, gần, đèn phanh, đèn tín hiệu, kích cỡ bánh xe phải phù hợp với từng loại xe và đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Lý giải về sự cần thiết phải ban hành quy định kể trên, Sở Giao thông vận tải TP. Hà Nội cho rằng trong các loại hình phương tiện giao thông đô thị thì xe mô tô, xe gắn máy vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu của đa số người dân, đáp ứng gần 90% nhu cầu đi lại trong thành phố và tiếp tục tăng nhanh.

"Xe mô tô, xe gắn máy và các loại tương tự đang tham gia vào vận chuyển hành khác, hàng hóa ngày một gia tăng gây ra tình trạng mất an toàn giao thông, cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động vận tải",dự thảo nêu rõ.

Sở Giao thông vận tải cũng nêu rõ, mục đích của việc ban hành quy định như quản lý phương tiện hành nghề xe ôm tốt hơn, tạo nếp sống đẹp phù hợp với sự phát triển đô thị của thủ đô, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ, ứng dụng khoa học công nghệ trong việc quản lý, điều hành giao thông của thành phố, đồng thời tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh.