Sáng 29/9, Thành ủy Hà Nội đã có buổi thông tin với báo chí về tình trạng cán bộ có nhiều người nhà lãnh đạo trong bộ máy chính quyền của huyện Mỹ Đức (Hà Nội).
Biểu hiện cục bộ
Ông Đào Đức Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, cho biết: “Đây là vấn đề không chỉ dư luận trong thành phố mà rất nhiều tỉnh, thành quan tâm”.
Sau khi báo chí phản ánh, Thành ủy Hà Nội đã lập đoàn công tác về làm việc với huyện Mỹ Đức , kiểm tra tất cả hồ sơ lưu trữ của huyện về các chức danh, làm việc với từng đơn vị.
“Qua kiểm tra thì thấy các quy trình hồ sơ bổ nhiệm đều chặt chẽ, đúng quy định. Cán bộ đều đủ tiêu chuẩn có trình độ ĐH trở lên, trung cấp chính trị trở lên và nhiều đồng chí có trình độ cao cấp chính trị.
Những cán bộ này sau khi được bổ nhiệm phát huy công việc rất tốt. Nhiều đồng chí đảm nhiệm cương vị này ở rất nhiều năm” - ông Toàn nhận xét.
Tuy nhiên, ở Đại hội lần thứ 23 của Đảng bộ huyện Mỹ Đức có những nội dung công việc chưa đạt được kết quả tốt, đặc biệt có biểu hiện cục bộ giữa các vùng miền, giữa các bộ phận nên tại đại hội, một số chức danh theo đề án nhân sự mà huyện đã xây dựng, Thành uỷ phê duyệt như Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện lại không trúng cử trong Đại hội.
Sau đó, có nhiều đơn thư nặc danh phản ánh các vấn đề của huyện và huyện có dư luận không tốt. TP đã tăng cường cán bộ về cho các chức danh, đồng thời yêu cầu ban thường vụ huyện kiểm điểm nghiêm túc trong công tác cán bộ. Huyện cũng nhận thức và chủ động mong muốn TP tăng cường cán bộ về.
“Miễn là đúng quy trình”
Theo ông Toàn, về quy định của Đảng, Nhà nước, quy định rất rõ những chức danh nào thì người thân trong gia đình không được đảm nhận. Đối chiếu lại các quy định thì huyện Mỹ Đức không vi phạm.
Cái quan trọng hơn là cán bộ đối tượng được bổ nhiệm ở chức danh đó có đảm bảo hay không? Có uy tín, công tác tốt hay không? Và quy trình bổ nhiệm có dân chủ, khách quan và đúng nguyên tắc hay không? Sau khi bổ nhiệm rồi thì cán bộ này có phát huy tốt hay không?
Nhận xét về việc bổ nhiệm nhiều cán bộ là người nhà, ông Đào Đức Toàn cho rằng cán bộ chúng ta trong hệ thống chính trị của mình thường có trưởng thành, phát triển từ cơ sở.
“Nhất là cấp xã có con em cán bộ là người địa phương. Chắc chắn trong 1 xã có quan hệ họ hàng là khó tránh khỏi. Từ xã lên huyện, từ huyện lên TP. Đấy là nguồn hình thành nên đội ngũ cán bộ chúng ta. Vì không dám chắc sau 20-30 năm nữa ai sẽ làm bí thư huyện, chủ tịch UBND huyện cả” - ông Toàn nói.
Theo ông Toàn, “ở huyện Mỹ Đức có gần 10 người quan hệ họ hàng có thể nói là rất ngẫu nhiên thôi. Hầu như các cán bộ ở đây đều có quá trình trưởng thành, công tác từ huyện. Nhiều đồng chí có quá trình cống hiến rất lâu dài”.
Riêng 6 trường hợp huyện biệt phái tăng cường từ Ban quản lý di tích thắng cảnh Hương Sơn (thường được biết đến với tên gọi Chùa Hương) về công tác tại cơ quan của huyện, theo ông Toàn, đây là thẩm quyền của huyện Mỹ Đức.
“Tuy nhiên, việc này cũng thiếu thận trọng và gây dư luận không khách quan. Nếu đủ tiêu chuẩn mà công khai lên cũng không vấn đề gì. Nhưng những tiêu chí đó chưa đưa ra được nên mới có dư luận. Dư luận có cơ sở chứ không phải không có cơ sở. Chọn người để làm việc chứ không phải chọn con em để làm việc” - ông Toàn cho hay.
Nghiêm túc kiểm điểm lãnh đạo
Mặc dù đến nay, Thành uỷ Hà Nội chưa có chỉ đạo nhưng huyện Mỹ Đức đã tự giác thôi biệt phái đối với 5 cán bộ huyện này và điều động trở về công tác tại Ban quản lý di tích thắng cảnh Chùa Hương (1 cán bộ sang 1 đơn vị sự nghiệp khác nên không cần điều động về).
Về hướng xử lý, ông Toàn khẳng định: Thành uỷ yêu cầu huyện Mỹ Đức nghiêm túc kiểm điểm lãnh đạo huyện trong kỳ họp vừa rồi; nghiêm túc kiểm điểm việc điều động, bố trí cán bộ, gây tư tưởng chưa tốt cho cán bộ Đảng viên; xử lý lại chưa kịp thời.
Huyện đã khắc phục nhưng Ban thường vụ đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Ban thường vụ Huyện uỷ cần tiếp tục nắm tình hình nội bộ, tập trung làm tốt công tác cán bộ, kịp thời nắm bắt thông tin, trao đổi giải quyết thắc mắc của cán bộ, Đảng viên.
Theo NLĐ